Thứ Tư, 30/10/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 14/6/2021 9:10'(GMT+7)

Tư duy mới về An ninh quốc gia trong tình hình mới

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần tạo vị thế, vai trò của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới_Ảnh: TTXVN

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần tạo vị thế, vai trò của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới_Ảnh: TTXVN

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khi đề cập tới các nhiệm vụ tăng cường quốc phòng an ninh đã nhấn mạnh: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”(1)

Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu rõ “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống”(2); “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống”(3). Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiệm vụ “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(4).

Bảo vệ an ninh quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Luật An ninh quốc gia định nghĩa: An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...(5).

Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Việt Nam được xây dựng và ban hành năm 1998. Ngày 5/9/2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia. Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành một số nghị quyết, kết luận như: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an  tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng; Kết luận số  31-KL/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quân sự Việt Nam; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia...

Tuy nhiên, những nội dung liên quan đến Chiến lược An ninh quốc gia cũng như Luật An ninh quốc gia còn chủ yếu nhấn mạnh vào an ninh chính trị, an ninh quân sự; chưa tương đồng với quan niệm và tư duy An ninh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và của quốc tế hiện nay; chưa đề cập sâu tới các yếu tố đặc biệt quan trọng là an ninh phi truyền thống nói chung, an ninh xã hộian ninh con người nói riêng.

Thực tế cho thấy, Bộ Công an hiện nay chỉ đảm nhận các công tác Công an chủ yếu trong nội địa. Công tác chủ trì bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn biên giới, trên biển do Bộ Quốc phòng đảm nhận. Nhiều chức năng Công an như điều tra hình sự, an ninh hàng không, cơ yếu, phòng chống buôn lậu, bảo vệ rừng... do các bộ, ngành khác đảm nhận. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia chưa tập trung, thống nhất. Công tác an ninh đối ngoại còn nhiều “chồng chéo”. Bố trí lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia chưa hợp lý, chủ yếu ở cấp Bộ Công an và cấp tỉnh, cấp huyện và cấp phường còn mỏng. Việt Nam là một trong số rất ít các nước lớn trên thế giới chậm bố trí Công an chính quy ở nông thôn.

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cần phải có quan niệm mới, tư duy mới về an ninh quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII với các giải pháp sau:

Thứ nhất, hình thành tư duy và quan niệm mới về An ninh quốc gia và triển khai tư duy này trong thực tiễn.

Đảng, Nhà nước cần bổ sung, sửa đổi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Về lâu dài cần thống nhất các Chiến lược an ninh, quốc phòng Việt Nam thành một Chiến lược An ninh quốc gia mới của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

An ninh quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới là an ninh toàn diện, bao gồm an ninh truyền thốngan ninh phi truyền thống.

An ninh truyền thống được hiểu là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam có liên quan đến các yếu tố quân sự đe dọa quốc gia, dân tộc. An ninh truyền thống có cốt lõi là an ninh chính trị, an ninh quân sự, lấy Nhà nước làm trung tâm của an ninh. An ninh phi truyền thống - đã được nêu ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII - là một loại hình an ninh mới do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của Việt Nam, cả khu vực và cả toàn cầu.

An ninh phi truyền thống có các đặc điểm chủ yếu: 1) Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ảnh hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia. Nó có thể phát sinh từ một quốc gia này nhưng có khả năng lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến quốc gia khác (biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, dịch bệnh,...). 2) Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nướcnhóm người hoặc cá nhân tiến hành, uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc; bao gồm cả những vấn đề mang tính phi bạo lực (kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh...) và những vấn đề mang tính bạo lực, nhưng đó là bạo lực phi quân đội (khủng bố, tội phạm có tổ chức...). 3) Giải quyết an ninh phi truyền thống nhấn mạnh đến hợp tác ứng phó, sử dụng biện pháp ngoại giao, kể cả ngoại giao giữa quân đội, công an các nước. 4) Về mặt thời gian, mặc an ninh phi truyền thống xuất hiện từ rất sớm nhưng về mặt khoa học vấn đề an ninh phi truyền thống được quan tâm, chú trọng “muộn hơn” an ninh truyền thống. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử (dịch bệnh, khan hiếm lương thực, khủng bố, ô nhiễm môi trường, thảm họa cháy nổ,...) nhưng do diễn ra ở phạm vi nhỏ hẹp, quy mô chưa lớn, truyền thông chưa phát triển hoặc vấn đề quyền con người chưa được quan tâm, nên ít hoặc không được quan tâm. 5) Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài, vì nó tác động đến các yếu tố mang tính hạt nhân hoặc bệ đỡ cho ổn định và phát triển (cá nhân con người, cộng đồng xã hội, hệ thống thể chế, hạ tầng kỹ thuật chiến lược và môi trường sống).

Dưới góc độ khoa học Xã hội học thì cốt lõi của An ninh phi truyền thống gồm 2 nhóm: An ninh xã hội và An ninh con người; lấy xã hội, doanh nghiệp, con người làm trung tâm của an ninh. Dưới góc độ khoa học Tội phạm học, An ninh phi truyền thống gồm nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực cao (tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa dẫn tới tình trạng khẩn cấp và nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực thấp (an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh y tế, an ninh du lịch, an ninh giao thông...).

Ngày nay, do tác động của toàn cầu hóa, mặt trái của sử dụng thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ... những vấn đề an ninh phi truyền thống(điển hình là dịch bệnh COVID-19) là một nguy cơ, thách thức, mối đe dọa điển hình, lan tỏa nhanh, rộng, ảnh hưởng lớn, trở thành mối quan tâm của toàn nhân loại.

An ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện; cùng tác động đến xây dựng chiến lược an ninh quốc gia. Theo đó, tư duy mới về An ninh quốc gia là tổng hòa của an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Mục tiêu của an ninh truyền thống là ổn định và phát triển bền vững của Nhà nước, chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Còn mục tiêu của an ninh phi truyền thống là ổn định và phát triển bền vững xã hội (cộng đồng), doanh nghiệp, con người. Nếu như chủ thể đảm bảo an ninh truyền thống chủ yếu là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì chủ thể bảo đảm an ninh phi truyền thống là các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công cụ đảm bảo an ninh phi truyền thống chủ yếu dựa vào sức mạnh Quân đội, Công an, lực lượng bán vũ trang và nhân dân. Còn công cụ đảm bảo an ninh phi truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp. con người, quốc tế.

An ninh quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bao gồm 3 bộ phận cấu thành chủ yếu: an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh con người.

Theo nghĩa rộng, an ninh xã hội được hiểu là sự ổn định, sự bình yên, của một chế độ, một quốc gia, là trạng thái trật tự, kỷ cương, thịnh vượng, phát triển của mỗi công dân và cộng đồng xã hội trong lãnh thổ quốc gia dân tộc. Khái niệm rộng về an ninh xã hội còn được sử dụng trong khi so sánh, đánh giá mối quan hệ của vấn đề an ninh trong một đất nước với an ninh trong khu vực và toàn cầu. Theo nghĩa hẹp, việc đảm bảo an ninh xã hội có các nội dung: đồng thuận xã hội, ít xung đột xã hội; an ninh, an toàn xã hội (ít tội phạm, ít tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông đảm bảo); an ninh môi trường sống (an ninh môi trường, an toàn thực phẩm); an sinh xã hội (giảm nghèo đói, có việc làm, chăm sóc sức khỏe tốt).

An ninh xã hội là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của mỗi Nhà nước. An ninh xã hội là bộ mặt của mỗi quốc gia, là biểu hiện bên ngoài phản ánh sự vững mạnh về chế độ chính trị, về tiềm lực kinh tế, cũng như trình độ dân trí và mức độ văn minh của quốc gia. An ninh xã hội mang tính lịch sử, có xu hướng vận động theo những tiêu chí văn minh, tiến bộ của nhân loại

Điểm trung tâm của an ninh xã hộian ninh con người. Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hp Quốc (UNDP) năm 1994.

“Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc đã đưa ra quan niệm về an ninh con người là “sự an toàn của con người trước những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày”. Ngày nay, những mối đe doạ đối với con người (thất nghiệp, ma tuý, tội phạm, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền, xung đột vũ trang, khủng bố, tai nạn giao thông,...) không còn mang tính chất riêng lẻ đối với một quốc gia, một dân tộc nhất định mà đã trở thành vấn đề phổ biến đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều quốc gia, thậm chí là tất cả các quốc gia. An ninh xã hội, an ninh con người vì vậy đã trở thành tâm điểm của sự hợp tác quốc tế, trong đó, yếu tố con người được coi là nền tảng, là mục đích hướng tới để bảo vệ, là cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia. An ninh xã hội, an ninh con người cũng bao hàm mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển bền vững và vấn đề bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

Có thể nói chính sự ra đời của khái niệm an ninh con người đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia về khái niệm an ninh và an ninh quốc gia.

Nếu như theo cách hiểu truyền thống, an ninh đồng nghĩa với an ninh quốc gia, trong đó quốc gia là chủ thể cần được bảo vệ về mặt an ninh, thì theo cách hiểu mới, con người và xã hội nổi lên trở thành chủ thể chính của an ninh quốc gia và cần được ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, nếu như an ninh truyền thống (hay an ninh quốc gia truyền thống) đề cao mối đe dọa đến từ ngoại xâm đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thì an ninh con người, an ninh xã hội (hay thường được gọi là an ninh phi truyền thống) tập trung vào các mối đe dọa thuộc “chính trị cấp thấp”, như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, tội phạm, khủng bố...(6).

Hiện nay, những vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người đã vượt qua khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh, hóa học, bệnh dịch, thảm họa thiên nhiên là "không biên giới". Chính vì vậy, việc giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp giữa kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học - kỹ thuật và các mặt khác. An ninh quốc gia Việt Nam là tổng hòa của an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh con người.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia.

Xây dựng quan niệm mới về an ninh quốc gia. Bổ sung Điều 3 khoản 1 Luật An ninh quốc gia: An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự bình yên của xã hội, sự an toàn của con người trong xã hội. Bổ sung Điều 3 khoản 2 Luật An ninh quốc gia: Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo đảm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Bổ sung Điều 5 Luật An ninh quốc gia (Nguyên tắc bảo vệ An ninh quốc gia): Thiết lập thế trận bảo vệ an ninh quốc gia thống nhất, xuyên suốt từ bên ngoài biên giới quốc gia, tại biên giới quốc gia và bên trong nội địa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng”(7); “chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”(8) .

Bổ sung Điều 14 Luật An ninh quốc gia (Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia): Bảo vệ an ninh xã hội, an ninh con người.

Thứ ba, Tiếp tục đổi mới tổ chức lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Quán triệt nguyên tắc: Quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là lĩnh vực quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nhưng do Bộ Công an đảm nhiệm là chính.

Tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết 22-NQ-TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bố trí lực lượng Công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Về lâu dài, chuyển các chức năng Công an do các Bộ, ngành khác đang đảm nhiệm về Bộ Công an để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII “thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng”(9).

Tăng cường năng lực Bộ Công an theo tinh thần “...phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, hiện đại”(10).

Trước những nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống trong tình hình mới, đòi hỏi phải có quan điểm và cách tiếp cận mới; hợp tác đa phương và sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế; những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp giữa hợp tác quốc phòng - an ninh với kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học - kỹ thuật. Hợp tác quốc tế phải được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa các nước trong khu vực và trên thế giới./.

_____________________

(1) (2) (3) (4) (7) (8) (9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.156, 156, 279, 202, 280, 281, 280, 277. 

(5) (6) Quốc hội: Luật An ninh quốc gia, H, 2004, tr.1, 157.          

 

Trung tướng, GS. TS. NGUYỄN XUÂN YÊM

 Đại úy, TS. NGUYỄN VIỆT LINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất