Điểm cơ bản nhất trong các hoạt động đổi mới giáo dục vừa qua là quán triệt nghiêm túc và có bài bản các quan điểm trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng. Bản dự thảo chương trình GDPT tổng thể đã thể hiện rõ nhiều nội dung quan trọng. Đó là chuyển định hướng giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Bản dự thảo thể hiện ý thức trung thành và rất sáng tạo trong quán triệt tinh thần nghị quyết vào dự kiến chương trình tổng thể, nổi bật qua mấy điểm:
Một là : Dự thảo đã xác lập, chia thành hai giai đoạn của GDPT là giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Hai là : Dự thảo đã nêu những giải pháp khắc phục tình trạng quá tải của chương trình GDPT, nhất là ở cấp phổ thông trung học.
Ba là: Đã xây dựng chương trình GDPT theo định hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và từng bước hội nhập với thế giới, trước hết là các nước có nền giáo dục phát triển, hiện đại.
Bốn là : Dự thảo tổng thể chương trình GDPT mới đã tăng cường các môn học ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật, tích hợp một số môn truyền thống thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.
Năm là : áp dụng mô hình giáo dục STEM vận dụng tổng hợp các lĩnh vực : toán học – khoa học công nghệ, kỹ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn và thông qua quan hệ với cộng đồng.
Xin góp ý kiến vào vấn đề giải pháp bảo đảm tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông,cụ thể là :
Thứ nhất : Sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, cần khẩn trương xây dựng chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện.
Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo xây dựng lộ trình áp dụng thay thế chương trình hiện hành : lần lượt từ các lớp nào của các cấp học, có giai đoạn thí điểm hay không thí điểm.
Thứ hai : Có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới này. Có phương án ổn định đổi mới thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, cao đẳng.
Thứ ba : Khó khăn lớn nhất đảm bảo tính khả thi thực hiện chương trình GDPT mới là thực trạng và yêu cầu mới đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ năng lực.
Thứ tư : Việc chuẩn bị cơ sở vật chất trong bối cảnh nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng học bộ môn, đồ dùng dạy học và các thiết bị giáo dục khác vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài.
Trên đây là những vấn đề chung. Sau đây xin đi vào một số điểm chi tiết trong nội dung dự thảo
1. Về quan điểm xây dựng chương trình GDPT, dự thảo nêu rõ và rất chính xác : Đây “ là văn bản chính sách của Nhà nước thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục…”. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc thêm khi khẳng định : Đây “là cam kết của Nhà nước bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở”. Lý do cần cân nhắc lại là : Chất lượng giáo dục còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, như chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học, cơ sở vật chất.v..v.
2. Về mục tiêu, quan điểm, các chỗ thể hiện triết lý giáo dục, cần nói rõ nội dung cụ thể mỗi khía cạnh, mỗi mặt, mỗi điểm của triết lý giáo dục Việt Nam. Lý do cần nói rõ là vì còn tồn tại một số ý kiến là ở ta “chưa có triết lý giáo dục” (!) hoặc chưa hiểu rõ triết lý giáo dục là gì.
3. Dự thảo đã thể hiện tính trách nhiệm và tự chủ của mỗi chủ thể và cơ sở giáo dục. Đề nghị thể hiện cụ thể hơn nữa phạm vi trách nhiệm tự chủ khi thực hiện của các cấp bộ,sở, phòng, trường học và các chủ thể khác cũng thực hiện chương trình này: Phần nào do Bộ GD&ĐT, phần nào phân cấp cho tỉnh, phần nào cho huyện, phần nào cho các trường.
4. Đề nghị đặt ra yêu cầu cấp THCS đến năm 2024 và THPT đến năm 2027 chuyển sang học 2 buổi/ngày như các nước có nền giáo dục phát triển. Vì theo thông tin của một số tổ chức quốc tế cho biết : thời lượng học tập tại trường của học sinh phổ thông nước ta chỉ bằng 75 – 80% thời lượng tương ứng ở các nước có nền giáo dục phát triển. Cần chỉ ra rõ hơn định hướng sẽ từng bước tiến tới học 2 buổi/ngày như đã đề cập trong chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 711/QĐ - TTg ngày 13/6/2012.
5. Về giáo dục hướng nghiệp, cần làm rõ hơn định hướng phân luồng sau THCS và THPT đây là yêu cầu quan trọng được nhấn mạnh tại Nghị quyết 29 – NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, giáo dục hướng nghiệp là một phần quan trọng để phát triển phẩm chất và năng lực người học. Cần chỉ rõ giáo dục hướng nghiệp thông qua những môn học và hoạt động giáo dục nào, thông qua tích hợp điển hình với các môn học và hoạt động giáo dục nào khác.
6. Cần dùng từ “người học” thay cho từ “học sinh” cho phù hợp với mọi chủ thể áp dụng chương trình giáo dục phổ thông : cả hệ thống giáo dục chính quy, cả cơ sở giáo dục không chính quy và cả giáo dục phi chính quy như học tại nhà hoặc tự học.
7. Về giáo dục phẩm chất, có nhiều ý thức đóng góp vào bản dự thảo. Về phẩm chất “Yêu con người” cần bổ sung thêm biểu hiện ở cả 3 cấp học về đức tính vị tha, thân thiện, khoan dung nhằm kế thừa và phát huy giá trị truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta; bổ sung thêm về thái độ tôn trọng và nghĩa vụ giúp đỡ người khuyết tật khi họ gặp khó khăn.
Về biểu hiện năng lực, đề nghị đề cập rõ hơn và nhấn mạnh đến năng lực tư duy sáng tạo, vì đây là yếu tố quyết định thành công cho hoạt động có mục đích, cũng như trong lao động tạo ra của cải vật chất và tinh thần.
8. Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, cần khảo sát và tính toán kỹ nhu cầu bố trí tỷ lệ giáo viên so với số học sinh sao cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu dạy học phân hoá. Đề nghị khẩn trương hơn nữa trong bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để giảng dạy theo chương trình mới, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục có nội dung mới so với chương trình hiện hành.
9. Đề nghị xây dựng lại chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường học phù hợp với yêu cầu hiện đại hoá khi đất nước về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đối với các môn học, hoạt động có nội dung mới, cần xây dựng danh mục đồ dùng và thiết bị dạy học sau khi ban hành chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
10. Đề nghị phân biệt khái niệm “môn học” và khái niệm “hoạt động giáo dục” để cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nắm vững, thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đề nghị làm rõ “hoạt động nghệ thuật” ở lớp 10 là “môn học” hay “hoạt động giáo dục” và có gì khác các môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở các lớp 11, 12?
Về khái niệm “môn học tự chọn bắt buộc”. Dùng “Tự chọn” trái nghĩa với “bắt bụôc”, nếu ghép hai từ trái nghĩa sẽ thường khó hiểu, nên gọi là “môn học lựa chọn”. Trong văn bản, nói chung, chỉ nên dùng từ “trường học”, “học sinh”, “giáo viên” trong một số văn cảnh xác định, còn nhiều chỗ cần thay bằng các từ : “cơ sở giáo dục”, “chủ thể giáo dục”, “người dạy”, “người học” cho phù hợp. Vì chương trình giáo dục phổ thông sẽ áp dụng ở cả giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy (dạy tại nhà, cá nhân tự học) trong điều kiện xây dựng xã hội học tập mà mỗi người đều học tập suốt đời.
TS. Đỗ Khánh Tặng
Phó Tổng thư ký Hội Cựu giáo chức Việt Nam