Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 28/8/2013 16:56'(GMT+7)

Từ Suối Mơ đến Trường ca Sông Lô: Tưởng nhớ người nghệ sĩ đa tài Văn Cao

Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ôn lại cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: Ngọc Toàn).

Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ôn lại cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: Ngọc Toàn).

Đó là nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Lễ Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2013) với chủ đề "Từ Suối Mơ đến Trường ca Sông Lô", diễn ra sáng nay (28/8) tại quê hương ông - tỉnh Nam Định.

Tới dự Lễ Kỷ niệm có PGS. TS. Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định; ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao và đông đảo văn nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Văn Cao tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Dù không sinh ra tại đây, nhưng nơi "quê cha đất mẹ" luôn in dấu trong niềm thương nỗi nhớ và tình cảm yêu quý của ông: "...Nam Định/ ruộng đất mênh mông trong tiếng hát/quê mẹ cha cách một vườn trầu...”.

Ông sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray - Hải Phòng. Miền đất Cảng này từ những năm 30 của thế kỷ trước cũng là nơi hội tụ những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam như: Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Cũng từ nơi này, chàng thiếu niên Văn Cao hăng hái tham gia nhóm "Đồng Vọng" của Hoàng Quý cùng với Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận...

 
 Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình. (Ảnh: Ngọc Toàn).

16 tuổi, Văn Cao viết “Buồn tàn thu” - Nhạc phẩm trữ tình đầu tay, báo hiệu sự xuất hiện của một tài năng âm nhạc lớn với các ca khúc lãng mạn, trữ tình, đặc sắc sau đó: Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai,…

Từ năm 1944, Văn Cao tham gia vào “Địa chỉ đỏ” của âm nhạc cách mạng tại căn gác trọ số 171 phố Mongrant, nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Tại đây, sau những ngày lao động sáng tạo hứng khởi, “Tiến quân ca” của người nhạc sĩ 21 tuổi đã ra đời trong sự chứng kiến xúc động của đồng nghiệp, để đến ngày 13/8/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và hòa bình lập lại ở miền Bắc sau năm 1954, Văn Cao tham gia Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, rồi làm Phó Tổng Thư ký Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Là một nghệ sĩ đa tài trên các lĩnh vực hội họa, thi ca, âm nhạc, nhưng âm nhạc là lĩnh vực nổi trội của Văn Cao. Ông là một trong những chiến sĩ - nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc nước nhà. Với tài năng âm nhạc bẩm sinh, cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm có giá  trị, sống mãi với thời gian và lắng đọng bền vững trong lòng công chúng yêu âm nhạc, từ Suối mơ, Thiên thai, Mùa xuân đầu tiên... cho đến Hải quân Việt Nam, Bắc sơn, Công nhân Việt Nam, Ngày mùa, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Ca ngợi Hồ Chủ tịch...

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao - một nhạc sĩ đa tài, cũng là dịp để quê hương Nam Định và đội ngũ văn nghệ sĩ cùng những người yêu mến ông cùng nhớ tới để thêm tự hào về một tài năng với những đóng góp không nhỏ về âm nhạc, thi ca, hội họa trong kháng chiến cứu nước và xây dựng Tổ quốc./.

Lê Ngọc Toàn

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất