Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 1/11/2009 16:54'(GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề trí thức

Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đội ngũ trí thức giáo viên trong việc dạy người. Ảnh minh họa

Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đội ngũ trí thức giáo viên trong việc dạy người. Ảnh minh họa

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đứng về phía công nhân, nông dân, trí thức và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.

Riêng đối với trí thức, Người hết sức quan tâm, nâng đỡ, giới thiệu, đào tạo, biết rõ khả năng của từng người để sử dụng cho đúng. Ngay trong lộ trình đi tìm đường cứu nước, điểm dừng chân tại Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã mở lớp học cho con em nước nhà.

Ngày 11-11-1924, với danh nghĩa là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Người từ nước Nga đến Quảng Châu, Trung Quốc để thực hiện mục đích đào tạo lớp cán bộ trí thức và cán bộ công nông cho cách mạng Việt Nam; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam; gây dựng cơ sở cách mạng ở vùng Đông Nam Á và châu Á; chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Quảng Châu, đầu năm 1925, Người mở lớp huấn luyện chính trị. Phần lớn học viên là những thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, một số người là tú tài nho học. Trong chương trình học, Người đề cập đến phong trào cách mạng thế giới; phong trào cách mạng Việt Nam; phương pháp vận động cách mạng. Trong phương pháp vận động cách mạng, Người nêu phương pháp vận động công nhân, nông dân, trí thức. Đối với trí thức, Người nhấn mạnh đến vai trò, đặc điểm, tâm lý của trí thức Việt Nam, cách sử dụng trí thức. Kết quả là khoảng 200 học viên đã được Người đào tạo.

Trong số những học viên theo học, một số trí thức sau đó trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Phạm Văn Đồng...

Không chỉ dừng lại ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Người còn gửi được một số thanh niên trí thức Việt Nam vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố, sang học tại Liên Xô. Ngày 25-6-1927, Người gửi thư tới Chi bộ Đảng Trường Đại học Phương Đông, Matxcơva, Liên Xô, đề nghị nhà trường chăm lo việc đào tạo và giáo dục cách mạng cho nhóm trí thức Việt Nam đang học tại Trường như Nguyễn Thế Rục(2), Ngô Đức Trì(3), Bùi Công Trừng(4), Bùi Lâm(5), Trần Phú(6). Đó là những trí thức cách mạng Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại một trường đại học nổi tiếng của châu Âu lúc ấy, Trường đào tạo cán bộ của Quốc tế Cộng sản.

Ngay từ những ngày đầu nhìn nhận, đánh giá trí thức Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ quan điểm của mình. Ngày 27-9-1925, trong một bức thư trả lời, gửi cho một nữ sinh viên Việt Nam, Người viết: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy, ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ...

Với quan lại, thư ký, thông ngôn, họ miễn cưỡng phục vụ người Pháp. Bị chìm đắm trong bóng tối ngu dốt từ nhỏ, họ không bao giờ có thể tự trau dồi kinh điển hay tri giác được những tiến bộ của nhân loại qua việc đọc báo chí. Họ không biết vì sao có kẻ sung sướng, lại có kẻ nô lệ khổ sở. Họ giống như những con gà què chỉ ăn quẩn cối xay; họ không có chút nỗ lực nào, nên đành lòng với thứ thức ăn mà kẻ khác đem cho họ. Vậy nhiệm vụ của chúng ta là phải hướng họ theo lý luận cách mạng”(7).

Quan điểm này chỉ cho chúng ta trong việc nhìn nhận trí thức, không nên nhốt tất cả trí thức vào chung một rọ, mà phải có sự phân biệt rõ ràng về từng loại trí thức. Bởi vì, trong thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, có những trí thức trong hàng ngũ đối phương lại rất yêu nước và cách mạng; đương nhiên, nhiều trí thức trong hàng ngũ này lại cam tâm làm việc cho chính quyền thực dân. Người yêu cầu việc nhìn nhận, đánh giá trí thức phải rất minh bạch, rõ ràng.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Người kêu gọi trí thức tham gia cách mạng. Kết quả là nhiều trí thức đã hoà đồng vào phong trào cách mạng. Một số trí thức ở nước ngoài đã nghe theo tiếng gọi của Người, từ nước ngoài, trở về nước, đi vào nhân dân, cùng dân tộc, nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Ngay sau khi chính quyền nhân dân đã được thiết lập trên cả nước vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề nhân tài và kiến quốc. Theo Người, kiến thiết nước nhà rất cần đến nhân tài ngoại giao, nhân tài kinh tế, nhân tài quân sự, nhân tài giáo dục... Hiện tại, nhân tài đất Việt tuy chưa có nhiều, “nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(8). Phải thật sự trọng dụng những người có tài, có đức, phải điều tra, phát hiện những người có tài, có đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Người kêu gọi những trí thức có tài năng hãy mang tinh thần hăng hái của mình ra giúp ích nước nhà. Ngày 1-10-1945 , Người đến thăm Trường Quân chính Việt Nam. Người căn dặn cán bộ trí thức của nhà trường phải trung thành với mục đích cách mạng, “giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”(9); không được tự kiêu, không được “làm quan cách mạng”, thực hiện 7 siêng: “siêng năng, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm”(10). Điều quan trọng là phải luôn luôn có ý chí vươn lên, không lúc nào ngừng nghiên cứu và tự rèn luyện bản thân để trở thành người trí thức tốt. Nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khoá 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người tâm sự với những cán bộ, trí thức rằng, phải hết sức giữ gìn, “chớ đi quá tả mà cũng đừng quá hữu”(11). Nghiêng về một bên nào đó, đều đổ. Trí thức phải gắn bó với nhân dân. “Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”(12).

Đối với những trí thức của từng ngành, từng lĩnh vực, Người cũng đã có những chỉ thị quý báu. Với trí thức ngành y tế, Người yêu cầu thực hiện 5 điều: “Hăng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết, kỷ luật”(13).

Đối với trí thức ngành giáo dục, Người yêu cầu phải thi đua “Dạy tốt”(14).

Đối với trí thức ngành văn hoá, Người căn dặn: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(15)...

Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức thể hiện ở những điểm sau:

1. Đảng và Nhà nước có quan điểm đúng đắn trong vấn đề nhận thức đối với trí thức. Nếu không xác định được vấn đề này, thì nhận thức, đánh giá về trí thức sẽ bị méo mó.

2. Người trí thức cần xác định lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời của mình.

3. Đội ngũ trí thức đồng hành với dân tộc, cùng với dân tộc tiến hành cuộc cách dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN.

4. Người trí thức luôn luôn lấy tinh thần yêu nước làm nền tảng để phát triển trong sự nghiệp của mình.

5. Người trí thức biết đem kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và sự hiểu biết của mình áp dụng vào thực tế; xa rời thực tế, tri thức trở thành lý luận suông.

6. Tầng lớp trí thức gắn bó với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động, tạo thành liên minh công, nông, trí để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước .

7. Người trí thức không ngừng học hỏi, không ngừng chiếm đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

8. Người trí thức phấn đấu có cuộc sống lành mạnh, có đạo đức và tư cách.

9. Ra sức đào tạo cán bộ trở thành cán bộ có trí thức, có văn hoá. Đây là công việc của Đảng và Nhà nước.

10. Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài và thực sự dân chủ đối với trí thức./.

——————

(1) Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Người còn lấy tên là Nguyễn Ái Quốc (1919), Hồ Chí Minh (1942)...

(2) Nguyễn Thế Rục khi vào Trường lấy tên là Phon Shon. Sau khi về nước, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, được phong “Giáo sư đỏ”.

(3) Ngô Đức Trì khi vào Trường lấy tên là Le Man. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, tháng 10-1930, ông được bầu là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng.

(4) Bùi Công Trừng khi vào Trường lấy tên là Jiao, một nhà lý luận.

(5) Bùi Lâm khi vào Trường lấy tên là Min Khan, có thời gian là cán bộ lãnh đạo ngành Toà án Nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

(6) Trần Phú khi vào Trường lấy tên là Lequy, được cử làm Bí thư Chi bộ người Việt Nam học tại Trường Đại học Phương Đông. Học xong, về nước vào tháng 4-1930, được bổ sung vào Uỷ viên Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, người dự thảo “Luận cương chính trị” của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, họp vào tháng 10-1930, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H, 1995, tr.442.

(8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.99, 34, 34, 101, 101, 456,

(15) Báo “Cứu quốc”, số ra ngày 25-11-1946.

PGS, TS. Đức Vượng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất