Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 29/8/2016 22:30'(GMT+7)

Tư tưởng siêu việt triết lý đời Trần

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử

Huyền Quang (1254 - 1334): Sai biệt chỉ có trong ý niệm

Về sự chứng đắc giải thoát của Huyền Quang, ta có thể khảo sát qua mẩu đối thoại giữa sư và nhị Tổ Pháp Loa, trước ngày Pháp Loa viên tịch.

Sư Huyền Quang hỏi Pháp Loa trên giường bệnh:

Thức với ngủ đã là một chưa?

Là một, cũng như khi không có bệnh.

Vậy thì bệnh và không bệnh đã là một chưa?

Bệnh cũng can gì đến kẻ khác, không bệnh cũng can gì đến kẻ khác.

Vậy thì tiếng nói nhắm vào cái gì?

Thì gió thổi trong cây cứ mặc nó chứ.

Tiếng gió thổi trong cây không làm cho người ta mê hoặc, nhưng lời nói mê trong giấc ngủ lại có thể làm mê hoặc người, Huyền Quang tiếp.

Kẻ si mê cũng có thể bị tiếng gió trong cây làm mê hoặc lắm chứ, Pháp Loa nói.

Chỉ có cái tật đó mà đến chết cũng không chừa, Huyền Quang trách.

Pháp Loa hất nhẹ Huyền Quang và không nói gì.

Qua mẩu đối thoại trên, cái tưởng tự ngã, khái niệm về tự ngã thường hằng vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng của Pháp Loa. Huyền Quang đang tần ngần về tâm giải thoát của Pháp Loa.

Sau đó Pháp Loa thoát bệnh trong ba tuần lễ, trầm tư về lời trách của Huyền Quang. Rồi Pháp Loa lại ngọa bệnh. Huyền Quang đến thăm.

Lần này Huyền Quang nói với tổ Pháp Loa:

Xưa nay các bậc đạt ngộ khi giờ phút đến, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi.

Đi hay ở đều không can hệ chi tới ai, Pháp Loa nói.

Vậy thì sao? Huyền Quang hỏi.

Thì tùy xứ tát bà ha, Pháp Loa đáp.

Liền đó Pháp Loa viết xong bài kệ bốn câu để lại, rồi tịch.

Tại đây Huyền Quang hoan hỷ: Cả người đi, người ở đều nhẹ nhàng giải thoát. Đó là biểu hiện giải thoát khỏi ý niệm về một tự ngã thường hằng (sự thật là không có tự ngã thường hằng, theo sự thật Duyên khởi mà Đức Phật giác ngộ) của cả hai tổ Trúc Lâm.

Sự đạt ngộ của Huyền Quang xuất hiện rõ trong bài thơ chùa Diên Hựu, tiêu biểu là bốn câu: Vạn duyên bất nhiễu thành già tục/ Bán điểm vô ưu, nhãn phóng khoan./ Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,/ Ma cung Phật quốc hảo sinh quan (Dịch thơ: “Thành ngăn tục lụy trần không vướng/ Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm./ Quán rõ thị, phi bình đẳng tướng/ Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung). Câu 1 và câu 2 nói rõ đã hành xong Giới và Định; câu 3 nói rõ đã hành xong Tuệ: Ma cung, Phật quốc đều trú trong thật tướng vô ngã tướng, sai biệt chỉ có trong ý niệm hữu ngã về thế giới hiện tượng. Đây là tư tưởng siêu vượt triết lý nhị nguyên (dualism) ở đời.

Trần Nhân Tông (1218 - 1277): Duyên khởi là sự thật

Ngày 21.10.1308 (ÂL), Nhân Tông để lại bài kệ thị tịch trước khi từ giã cõi đời rằng: Nhất thiết pháp bất sinh/ Nhất thiết pháp bất diệt/ Nhược năng như thị giải/ Chư Phật thường hiện tiền/ Hà khứ lai chi hữu (Dịch kệ: Mọi pháp đều không sinh/ Mọi pháp đều không diệt/ Nếu hiểu rõ như thế/ Thì thấy chư Phật thường hiện diện/ Có đi lại, sinh diệt gì đâu”).

Theo giáo lý nhà Phật, Duyên khởi là sự thật của Con Người và Thế giới; chỉ có dòng Duyên khởi (12 nhân duyên) vận hành mà không có hiện hữu nào (tâm lý, vật lý), tự ngã thường hằng nào hiện diện. Vì thế mà các hiện hữu của thế giới hiện tượng không sinh, không diệt (bởi vì chúng không thật sự hiện hữu ngoài các nhân duyên). Theo kinh tạng Nikàya (Pàli Text Society) thì ai thấy Phật thì thấy sự thật nhân duyên sinh của các pháp, ai thấy sự thật nhân duyên sinh của các pháp thì thấy Phật. Các pháp mãi nhân duyên sinh như thế nên Phật thường có mặt ở thế gian. Đây là yếu pháp: Nó siêu việt các tự ngã thường hằng nên nó siêu việt triết lý. Đây cũng là nhận thức chân thực của Nhân Tông.

Tương tự như thế, trong bài thơ Hữu cú, vô cú (Có, không), Nhân Tông đề cập đến vấn đề có, không (của thế giới) mà triết lý Đông, Tây thường bàn đến, rằng: Có có không không/ Chẳng có, chẳng không/ Ghi dấu mạn thuyền/ Sau này tìm kiếm (thanh kiếm). Các hiện hữu không phải có, cũng không phải không, chúng là vận hành của các nhân duyên. Cho rằng có hay không thì là mịt mờ như người ngồi trên thuyền đánh rơi thanh kiếm xuống nước; người đó đánh dấu điểm rơi trên mạn thuyền, khi thuyền cứ một mạch đi tới, rồi sau dựa vào dấu ghi ở mạn thuyền đi tìm thanh kiếm. Thật là huyễn hoặc.

Với Người, triết lý (các chủ thuyết) ở đời cũng mịt mờ, huyễn hoặc  như thế.

Tuệ Trung thượng sĩ (1230 - 1291): Khổ, vui do mỗi người

Tuệ Trung thượng sĩ là người trực tiếp hướng dẫn Phật học cho Trần Nhân Tông, tư tưởng Phật học cao vời, ngôn ngữ thẳng thắng với khí lực rất mạnh. Người đã để lại rất nhiều thi kệ đã được kiết tập trong Thượng sĩ ngữ lục. Ở đây chỉ giới thiệu một số ít nét tư tưởng siêu việt triết lý của Người.

Trong bài Thị Chúng (khuyên người học đạo), dịch giả Huệ Chi, trong Thơ văn Lý Trần đã dịch như sau: Thôi tìm núi Thiếu với Khe Tào,/ Tính sáng chưa mê lẫn chút nào./ Há quản gần xa, trăng cứ dọi,/ Lo gì cao thấp, gió đều xao./ Thu trong, biếc hẳn tùy duyên sắc,/ Sen ngát, hồng đâu bởi nước ao./ Khúc điệu “gốc nguồn” xin cứ hát,/ Bốn phương thôi chớ hỏi nơi nao.

Thượng sĩ chứng rõ tâm mình có nguồn sáng của đạo. Cần tự mình giác tỉnh đánh thức nguồn sáng ấy. Lời Phật, ý Tổ chỉ là sự chỉ hướng đánh thức nguồn sáng ấy, vì thế người hành đạo há phải nhờ cậy đến Tổ Đạt Ma (Thiếu Thất) hay Lục Tổ (Khe Tào). Kinh nghiệm tâm linh của Thượng sĩ đã nói rõ: Khổ, vui đều do mỗi người tự định; mê thì khổ, ngộ thì vui há do thời tiết bốn mùa hay những đổi thay của cuộc sống; có thể ở đời mà vui với đạo, ngộ thì tính sáng có mặt ở khắp nơi, khắp chốn. Đạo không có trong ngôn ngữ khái niệm của kinh sách, của đàm luận, mà là ở trong tính sáng vốn có của tâm mình mà giáo lý Phật giáo thường dạy là loại bỏ hết tham, sân, si thì đạo hay chân tâm xuất hiện. Đạo này siêu vượt hết thảy khái niệm, diễn đạt. Đây gọi là siêu vượt triết lý.

Tương tự như thế, bài Thị học (gợi bảo người học đạo) của Thượng sĩ, Đỗ Văn Hỷ dịch, thì nói: Học đạo mênh mang ai có hay/ Gạch đem mài gạch, nhọc nhằn thay!/ Của người anh hãy thôi nương dựa,/ Một ánh xuân về hoa đó đây. Bài thơ tứ tuyệt này lại một lần nữa chỉ rõ tất cả kinh điển chỉ là ngôn ngữ khái niệm, và cả pháp hành cũng chỉ là sự chỉ hướng; như ngón tay chỉ mặt trăng, mà không phải là mặt trăng chính nó. Nếu chấp vào ngón tay thì sẽ như mài gạch mà mong thành gương, là điều không thể. Phải quay về tự tâm mà đánh thức trí tuệ giải thoát thì đạo hiện ra khắp nơi…

Tư tưởng Phật học đời Trần, và cả đời Lý, vượt ra khỏi phạm trù triết lý Đông Tây. Tư tưởng đặc thù này cần được nghiên cứu, bởi chính nó tạo ra sức mạnh Việt Nam thời Lý, Trần.

Theo daibieunhandan.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất