Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 13/12/2008 15:55'(GMT+7)

Mâu thuẫn thế hệ: Cần có cách nhìn lạc quan

Ảnh minh họa - TG: Huy Đằng

Ảnh minh họa - TG: Huy Đằng

- Thưa ông, ông có thể nêu một vài đặc điểm phân biệt chính để thấy được độ vênh về biểu giá trị giữa hai lực lượng: "lớp già" và "lớp trẻ"?

TS Trịnh Hoà Bình: Thế hệ đi sau mạnh mẽ, táo bạo, cập nhật hơn nhưng thế hệ đi trước thì chỉn chu hơn, thận trọng hơn, nhiều kinh nghiệm hơn... vì họ trả giá cho cuộc đời nhiều hơn. Những người trẻ coi trọng nhiều hơn các kỹ năng, họ thực tế hơn trong việc "đọc" đời sống, ít tính "rườm rà".

Trong khi đó, những người thuộc "lớp già" lại hay trách những người trẻ sao mà thực dụng, mà "sượng" thế (!). Hình ảnh của lớp trẻ trong mắt họ đôi lúc thật ngông nghênh, thiếu khiêm tốn, hay nói cho hình tượng thì cứ dương dương tự đắc, hệt như anh chàng võ sĩ Bọ ngựa trong tác phẩm của Tô Hoài... (Cười).

- Sự khác biệt được đẩy lên đến mức mâu thuẫn của hai đối tượng này liệu có thể san lấp được không, thưa ông?

TS Trịnh Hoà Bình: Lớp người trước thường hay "kể chuyện Nghiêu, Thuấn", tức là hay coi chuyện mình hoặc trước mình là khuôn vàng thước ngọc, rồi lắc đầu thất vọng mỗi khi thấy lớp người trẻ tuổi không chịu tuân theo những khuôn mẫu ấy. Họ luôn thấy lo lắng, nghi ngờ cho những hành xử của "lớp trẻ".

Theo tôi, "lớp già" và "lớp trẻ" nên có sự hoàn chỉnh, bổ sung lẫn cho nhau. Thời đại ngày nay có những biến chuyển bất ngờ mà "lớp già" không thể điều tiết khả năng để "đọc" kịp. Họ không thể cắt nghĩa được thế giới mới do luôn soi chiếu nó theo lăng kính, tốc độ cuộc sống trước đây. Họ không đón nhận được những xung động mạnh mẽ của sự đổi thay, khó xoay xở trong vòng giao thoa cũ - mới.

Lúc này, kinh nghiệm của người đi trước chỉ có thể mang ý nghĩa về mặt phương pháp luận.Thí dụ, họ hay khuyên người trẻ khi đi qua ngã tư thì phải thận trọng, nhìn trước ngó sau - tức những gì có tính nguyên tắc hành xử.

- Vì sao thế hệ đàn anh luôn nhiều kinh nghiệm hơn nhưng lại chậm xoay xở?

TS Trịnh Hoà Bình: Thế hệ đi trước ít bị tác động ngoại cảnh hơn. Sự xác tín thông qua các kinh nghiệm đã được thử thách khiến người ta chú trọng hơn đến các yếu tố bên trong.

Lớp người đi sau, do chưa nhất quán được nên dễ bị tác động hơn và cũng hay điều chỉnh hơn. Điều này bao hàm cả yếu tố tích cực lẫn hạn chế. Tích cực ở chỗ, hệ thống giá trị của lớp đi sau là hệ thống mở, thường xuyên cập nhật và bổ sung. Còn hạn chế là về tính kiên định.

- Có ý kiến cho rằng, ai kiếm ra tiền hay của cải vật chất thì tiếng nói của người đó là tiếng nói quyết định. Trong bài toán của sự mâu thuẫn này, thưa ông, đồng tiền có ý nghĩa như thế nào?

TS Trịnh Hoà Bình: Quyền lực, khả năng định vị, điều khiển xã hội phụ thuộc vào nguồn lực tài chính, năng lực kiếm tìm thu nhập...

Nếu như lớp người già chỉ còn "lời vàng ý ngọc" mà không đem lại được những giá trị hiện hữu thì "nhân vật trung tâm" sẽ dần chuyển sang lớp người trẻ. Sự chuyển vận như vậy sẽ đặt ra những thách thức nhất định về mặt xã hội.

Nó cũng làm cho cả thế hệ đi trước và thế hệ đi sau phải thường xuyên kiểm điểm lại bản thân, xem xét lại biểu giá trị trong đời sống hằng ngày.

Mâu thuẫn thế hệ đặt ra vấn đề phải tìm kiếm cho bằng được biểu giá trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, trong cuộc kiếm tìm ấy, thế hệ trẻ luôn thắng thế bởi tương lai thuộc về họ. Những người lớn tuổi có lẽ cần nhận thức được rằng, đó là quy luật, không nên quá níu giữ những gì thuộc về quá khứ.

- Còn khi người trẻ chưa tự chủ được về kinh tế thì sao, thưa ông?

TS Trịnh Hoà Bình: Khi người trẻ chưa tự lập được về kinh tế thì việc phải chịu sự kiềm toả, áp đặt của người đi trước là đương nhiên. Nhưng sự khác nhau về chuẩn mực vẫn âm ỉ và chờ dịp "bùng phát", khi mà họ đã đủ lông đủ cánh.

Sự đè nén càng lớn càng giống như dây cung được căng hết lực, chỉ chờ dịp buông ra để mũi tên vụt đi. Đó là thế năng của sự mâu thuẫn thế hệ.

- Một chút tò mò, cá nhân ông có ủng hộ sự "lấn lướt" của người trẻ không?

TS Trịnh Hoà Bình: Người trẻ thích được thử sức nhưng chưa hẳn đã chắc tay cương. Khi đó cần có những "người già" giúp họ biết kiềm toả, với điều kiện là "người già" không áp đặt. Nhưng nói chung, người trẻ luôn dám trả giá vì họ có quỹ thời gian nhiều, có cơ hội để làm lại.

Xin cảm ơn ông!

 

"Mâu thuẫn thế hệ là độ vênh về biểu giá trị: hệ thống chuẩn mực, quy phạm, thước đo, tiêu chí... giữa lớp người đi trước (hoặc có thể tạm gọi nôm na là "lớp già") và lớp người đi sau ("lớp trẻ"). Trong đó, lớp người đi sau luôn có xu hướng phủ định giá trị của lớp người đi trước.

Sự phủ định này, theo tôi, nên được nhìn nhận theo khía cạnh tích cực. Tức là họ không hẳn xoá bỏ, triệt tiêu những giá trị cũ mà có thể làm cho nó đạt đến một sự tươi mới, cập nhật, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện đại hơn.

Đó chính là sự kế chuyển cần thiết, đảm bảo cho đời sống xã hội luôn được vận hành theo hướng tiến về phía trước. Chính vì thế, chúng ta cần có thái độ lạc quan khi bàn về "mâu thuẫn thế hệ".

Cũng xin nhấn mạnh, mâu thuẫn thế hệ là một vấn đề bình thường, xuất hiện không chỉ ở xã hội của ta và cũng không chỉ mới xuất hiện. Vấn đề là cách nhìn nhận mâu thuẫn đó như thế nào, trong từng thời đoạn, từng hoàn cảnh, từng bức tranh xã hội... "

Mâu thuẫn thế hệ, như đã nói, xuất hiện như một lẽ tự nhiên. Cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng "già" và "trẻ", do vậy cũng là một cuộc đấu tranh mang tính biện chứng. Tuy nhiên, nên nhớ là xã hội còn có cơ chế tự điều chỉnh, giữa các thế hệ luôn có sự thoả hiệp.

Chính vì thế, họ hoàn thiện lẫn nhau. Người già phải tư duy lại vấn đề cũ của mình để có cách nhìn mới như người trẻ. Họ không được phép trì trệ, bảo thủ nữa bởi sung lực của người trẻ kéo họ đi.

Người trẻ thì đột khởi nhưng cần luôn biết rằng, những bài học kinh nghiệm mà người già truyền lại nó giống như cái phanh trên một cỗ xe, phanh thì giải phóng chứ không phải là kìm hãm tốc độ. Họ phải biết điều tiết tốc độ. Họ cần uống cạn lời khuyên và tiêu hoá mọi cảnh tỉnh, răn đe của lớp người đi trước.


. Theo TPO/SVVN

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất