(TG) - Với thông điệp “Chắp cánh thương hiệu – kết nối cung cầu”, từ ngày 7/6-16/6, tại khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và tế thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) sẽ diễn ra Tuần lễ vải thiều Bắc Giang và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2019.
Sáng ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo “Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2019”.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn được tổ chức tại Hà Nội. Các sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn đã tạo được hiệu ứng lan tỏa và thu được những thành công quan trọng góp phần khẳng định thương hiệu, mở rộng phân phối tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh vượt trội của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại thị trường trong và ngoài nước.
Phát biểu tại họp báo, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Tuần lễ và Diễn đàn lần này nhằm quảng bá, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tại thị trường Hà Nội; giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, phân biệt vải thiều, mỳ gạo chũ, mật ong… của huyện Lục Ngạn với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Bắc Giang và Hà Nội tìm kiếm đối tác, ký kết hợp tác đầu tư, giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Tạo lập, duy trì kênh cung ứng chính thức và mạng lưới các điểm bán vải thiều, các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội để phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải thiều nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn nói chung tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn, năm nay, dự báo tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt khoảng 80 ngàn tấn, trong đó, vải thiều chín sớm khoảng 13 nghìn tấn, vải thiều chính vụ đạt khoảng 67 nghìn tấn. Do sản lượng ổn định, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đánh giá tốt hơn hẳn so với những năm trước, nên từ đầu vụ thu hoạch năm 2019 đến nay, giá bán các loại vải chín sớm tại huyện Lục Ngạn liên tục tăng cao, dao động bình quân từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Một tín hiệu vui nữa đó là các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng từ rất sớm ngay từ đầu vụ. Do vậy, phần lớn sản phẩm quả vải thiều tươi Lục Ngạn được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc và cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam.
Cũng theo ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn được quảng bá đều là những sản phẩm sạch, có chất lượng cao, được lựa chọn, đóng gói chuẩn hóa, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Riêng vải thiều là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, gồm 2 loại: loại cắt cuống, đóng gói tiêu chuẩn và vải thiều được bó nguyên cuống theo phương thức truyền thống.
Bên cạnh các thị trường trong nước, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhiều năm nay, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia. Năm 2019, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại 7 xã, thì Trung Quốc đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.
Theo kế hoạch, Chương trình khai mạc Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2019 được tổ chức vào 14h00 ngày 7/6. Sau chương trình khai mạc, các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm được duy trì đến hết ngày 16/6. Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2019 dự kiến cũng sẽ được diễn ra chiều 7/6./.
Duy Phong