Công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh đã tham mưu xây dựng và ban hành được trên 6.389 quy trình kỹ thuật mới, kỹ thuật thường quy của các chuyên ngành
Những ngày qua, dư luận đang nóng lên trước những thông tin liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh tử vong với vết rách dài trên cổ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), vụ việc sản phụ Trần Thị Bích Lai tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, Yên Bái.
Những sự việc trên, mặc dù đã có kết luận của cơ quan chuyên môn, phân định rõ đúng sai, cũng như trách nhiệm của từng cá nhân liên quan nhưng vụ việc đang thực sự là hồi chuông cảnh báo đối với những cán bộ y tế đang gánh trên vai nhiệm vụ cao cả chữa bệnh cứu người về trách nhiệm nghề nghiệp trong việc tuân thủ các quy trình chuyên môn mà Bộ Y tế đã ban hành.
HẬU QUẢ NẶNG NỀ
Về trường hợp cháu bé tử vong với vết thương dài trên cổ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hội đồng chuyên môn (Sở Y tế Hà Tĩnh) đã khẳng định, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế nên không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.
Bác sỹ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.
Quá trình khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, sản phụ Nguyễn Thị Tình có dấu hiệu chuyển dạ, thai 35 tuần, vào viện vì đau bụng, khoảng 9 giờ 30, theo dõi qua các kết quả phân tích nước tiểu với các kết quả xét nghiệm, chỉ số khác về huyết học và nước tiểu trong giới hạn bình thường, nhưng không chỉ định siêu âm.
Tuy nhiên, đến 18 giờ 35 phút ngày 30/6, tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh, đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay. Ngay sau đó, kíp trực đã báo cáo trực lãnh đạo và bác sỹ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí.
Bác sỹ Nguyễn Minh Đức - chuyên khoa Sản - tiến hành thao tác đỡ đẻ ngôi đầu. Tuy nhiên, trong quá trình kéo thai nhi ra, phần đầu thai nhi bị đứt. Sau đó, bác sỹ tiến hành các thao tác lấy phần thân ra, quan sát thấy phần da đầu có nốt phỏng nước, bị trợt da, các phần chi tím, da bụng, da bìu bị trợt. Kíp trực tiến hành khâu phần đầu và thân, chụp ảnh thai nhi, thông báo, giải thích cho chồng của sản phụ.
Qua hình ảnh cho thấy thai nhi sau khi sổ, da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân bị bong tróc, phồng rộp, da bụng, da bìu bị bong trợt. Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa qua hình ảnh, nhận định thai chết lưu trên 7 ngày.
Một trường hợp khác là sản phụ Trần Thị Bích Lai, 28 tuổi, đến sinh con tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào chiều 28/6. Bệnh nhân khi nhập viện đã làm các xét nghiệm cấp cứu cơ bản, được cơ sở khám chữa bệnh hội chẩn, thống nhất chẩn đoán là thai 39 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ đẻ, có sẹo mổ cũ lấy thai do xương chậu hẹp. Hướng xử trí là mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Sau khi mổ được 1 giờ, sản phụ xuất hiện khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra một ít bọt màu hồng, chân tay tê. Sau đó, bác sỹ kiểm tra các chỉ số sinh tồn đều giảm như huyết áp là 90/40, mạch nhanh trên 100 lần.
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ, tính đến nguyên nhân sốc không hồi phục do ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ nguyên nhân thuyên tắc mạch ối, tiên lượng là đe dọa tử vong.
Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ quy định, đồng thời, khi thấy các chỉ số sinh tồn cho phép là cho chuyển tuyến trên. Ngay sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sản phụ được đưa vào cấp cứu tích cực theo phác đồ nhưng không hiệu quả, được chẩn đoán đã tử vong ngoại viện, trên đường đi cấp cứu.
CẦN NGHIÊM TÚC TUÂN THỦ CÁC QUY TRÌNH CHUYÊN MÔN
Tháng 4/2019, Bộ Y tế đã tổ chức hai Hội nghị về an toàn người bệnh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai các văn bản quy định và các hướng dẫn thực hiện an toàn người bệnh và phẫu thuật an toàn như Thông tư 49/2018/TT-BYT, hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh chữa bệnh; Thông tư 43/2018/TT-BYT, hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật đã được ban hành tại Quyết định số 7482/QĐ-BYT với tám tiêu chí chất lượng bảo đảm phẫu thuật an toàn sẽ được triển khai tại 1.450 bệnh viện các tuyến tại 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh đã tham mưu xây dựng và ban hành được trên 6.389 quy trình kỹ thuật mới, kỹ thuật thường quy của các chuyên ngành như ngoại khoa, nhi khoa, phẫu thuật nội soi, gây mê hồi sức... và trên 1000 hướng dẫn chẩn đoán điều trị đã được phê duyệt và ban hành, góp phần tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn người bệnh.
Tại Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/ 2017 về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, Bộ Y tế đã nêu rõ các yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến thực hiện đúng quy trình khám thai, phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến phù hợp.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời.
Bên cạnh thực hiện theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ, đỡ đẻ đúng kỹ thuật; can thiệp thủ thuật, phẫu thuật đúng chỉ định, cơ sở cần thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết...
Đối với việc sử dụng phương pháp gây tê tủy sống, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết ngày 26/6/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3614/BYT-BM-TE chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như bệnh cảnh tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Cụ thể, các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.
Ngày 4/6, Bộ Y tế lại ban hành công văn số 3105/BYT-BM-TE về việc chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai trước tình trạng trong sáu tháng đầu năm 2019, các địa phương xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017 về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh; Hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017. Đồng thời rà soát bổ sung, cập nhật các quy trình khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở, nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, giảm thiểu tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh...
Có thể nói, việc ban hành đầy đủ các quy trình, thủ tục nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh đã giúp giảm thiểu tỷ lệ giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh trên toàn quốc trong những năm qua.
Cùng với đó, Bộ Y tế luôn chú trọng triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa, sơ sinh các tuyến; trong đó ưu tiên các lớp cho hộ sinh, đào tạo tiền lâm sàng, cấp cứu hồi sức sản khoa, sơ sinh; quy chế chuyển tuyến cấp cứu ản khoa và sơ sinh. Đồng thời, triển khai các can thiệp có hiệu quả, các thực hành tốt trọng việc giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh; tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật các đơn vị, địa phương, ưu tiên nội dung phòng chống tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh...
Tuy nhiên, để người dân thực sự được hưởng các thành quả về y tế, điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm nghề nghiệp của những cán bộ y tế. Yêu thương thôi chưa đủ mà cần phải tuân thủ đúng các quy trình, quy định đã được ban hành để đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh./.
Bích Thủy (TTXVN)