Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 22/2/2014 21:38'(GMT+7)

Tưng bừng hội chọi trâu đầu tiên tại Hà Nội

Hội chọi trâu lần đầu được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Hội chọi trâu lần đầu được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Ngày 22/2, hội chọi trâu 2014, một hoạt động văn hóa mang đậm tính thượng võ, đã tưng bừng diễn ra tại Trung tâm Thể dục Thể thao huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Đây là sự kiện văn hóa lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, do Báo Nông thôn ngày nay và huyện Phúc Thọ phối hợp tổ chức. Ngày khai hội đã thu hút hơn 1,5 vạn dân trong vùng và khách thập phương tới dự.

Hội chọi trâu 2014 có sự so tài của 32 “ông trâu” đến từ các đơn vị trong huyện và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hải Phòng, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An… Các “ngưu thủ” được chia thành 16 cặp đấu, phải trải qua vòng loại để lựa chọn 8 cặp thi đấu chung kết. Trong bãi đấu rộng lớn, các “ngưu thủ” đã mang đến cho khán giả những pha đấu hăng say, đầy kịch tính. Đặc biệt, cặp trâu số 28 – 29, 01 – 32… đã làm “nóng” khán đài bởi những pha trình diễn đẹp mắt, đầy gay cấn.

Các “ông trâu” tham dự hội chọi trâu năm nay đều được tuyển lựa kỹ càng, đảm bảo các tiêu chuẩn để đấu chọi. Do vậy, chủ trâu phải săn lùng từ khắp mọi miền: Đắc Lắc, Gia Lai, Đồng Tháp, Nghệ An, Tuyên Quang… Trâu cũng được chăm sóc chu đáo, huấn luyện nghiêm túc nhằm mang lại những kết quả tốt sau các pha đấu.

Chủ trâu Phạm Đức Trường, đến từ huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Anh tìm mua trâu chọi cách đây hơn 1 năm tại Nghệ An, đảm bảo cặp sừng có độ mở to, khỏe; sau đó cho chọi thử ngoài đồng. Khi đảm bảo các tiêu chuẩn, anh đưa về chăm sóc để tham dự giải. Còn chủ trâu Nguyễn Văn Chung đến từ Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ cho biết, mặc dù vốn mua trâu chọi và đầu tư chăm sóc lớn, tới 160 – 170 triệu đồng nhưng do lòng ham mê với hoạt động văn hóa này nên anh quyết tâm tham dự và nhận được sự ủng hộ của gia đình cũng như bạn bè.

Ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định: “Đối với người dân Phúc Thọ, hình ảnh trâu tượng trưng cho thần Điểm Tước, mang ý nghĩa tín ngưỡng, gắn với lễ Tam Sinh tại đền Hát Môn, nơi thờ hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị”.

Sau vòng đấu ngày khai hội, hầu hết các trâu thua trận đều đưa ra làm thịt đãi dân làng, họ hàng của chủ trâu hoặc bán cho khách tham dự hội. Ngày 23/2, các “ông trâu” còn lại tiếp tục thi đấu vòng chung kết. Trâu vô địch sẽ được thịt, làm lễ tế tại đền Hát Môn.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất