Chủ Nhật, 13/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 21/9/2008 9:26'(GMT+7)

Tưng bừng “Lễ hội Lam Kinh 2008”

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phan Diễn, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW; Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở TW và nhân dân trong tỉnh.


Lễ hội Lam Kinh được tổ chức ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Vùng đất này còn là nơi an táng của các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ và trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy, Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.

Từ 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên hằng
năm với quy mô hoành tráng. Lễ hội Lam Kinh năm nay được tổ chức có quy mô cấp tỉnh sẽ mang đậm nét văn hoá dân gian với những lễ hội xưa truyền thống kết hợp với sắc thái mới của lễ hội hiện đại, tạo ra sức hấp dẫn về văn hoá du lịch.

Phần lễ sẽ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại.

Mở đầu đại lễ, đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ Đền thờ Lê Thái Tổ, theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh. Kiệu được rước lên kỳ đài trong âm vang của màn trống hội, trống đồng.

Điểm nổi bật trong phần lễ chính là những nghi thức tế lễ với những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê truyền lại, đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong Lễ hội Lam Kinh. Phần hội được nối tiếp với các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: cuộc khởi nghĩa Lam Sơn 10 năm chống giặc Minh; Hội thề Lũng Nhai; dòng suối lá "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần"; Lê Lai cứu chúa; giải phóng thành Đông Quan; Vua Lê Thái Tổ đăng quang; quê hương Thanh Hoá trên con đường đổi mới…

Đặc biệt điểm nhấn của lễ hội năm nay là tuyên truyền những bài học rút ra từ khởi nghĩa Lam Sơn; lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhân kỷ niệm 580 năm ngày Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế đăng quang và 575 năm ngày mất của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Đây cũng là dịp để nhân dân cả nước và tỉnh Thanh Hoá ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: “Thanh Hoá tự hào là nơi đã  sinh ra anh hùng Lê Lợi và nhiều vị khai quốc công thần triều Lê. Chính mảnh đất và người xứ Thanh đã thay mặt cả nước đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che nghĩa quân khi cuộc khỏi nghĩa đánh quân Minh còn trong trứng nước. Tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương Thanh Hoá anh hùng, trước anh linh Đức Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hoá nguyện đem hết sức mình xây dựng quê hương Thanh Hoá ngày càng giàu đẹp”./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất