Thứ Năm, 13/2/2014 16:26'(GMT+7)
Tưng bừng lễ hội tri ân công đức Tản Viên Sơn Thánh
Sáng 13/2, tức ngày 14 tháng Giêng, tại di tích đền Trung (thuộc cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ), Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, Hà Nội đã tổ chức khai hội Tản Viên Sơn Thánh.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản Viên có công phù trợ nhân dân, bảo vệ đất nước trước thiên tai, địch họa.
Lễ hội có sự tham gia đông đảo nhân dân trong vùng, du khách thập phương và đại diện các di tích thờ Đức Thánh Tản tại các xã, thị trấn ở huyện Ba Vì như Cẩm Lĩnh, Tây Đằng, Đông Quang...
Phần lễ của lễ hội được tổ chức trang trọng với nghi thức truyền thống và lễ dâng hương tại di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.
Phần hội có các môn thi đấu thể thao như kéo co, bóng chuyền, cờ tướng, bắn nỏ, ném còn, nấu cơm và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, múa chuông, múa rùa, đẩy gậy của đồng bào các dân tộc trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì.
Theo ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, ngoài mục đích tưởng nhớ công đức của Thánh Tản Viên, lễ hội Tản Viên Sơn được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Ba Vì, từng bước phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tham quan du lịch của nhân dân và du khách.
Lễ hội diễn ra đến hết ngày 14/2 (tức ngày 15 tháng Giêng).
Cùng ngày, tại đền Và hay còn gọi là Đông Cung (một trong tứ cung thờ Đức Thánh Tản) thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, lễ khai hội cũng diễn ra.
Năm nay, lễ hội đền Và được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, có nghi lễ rước Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi làm lễ dâng hương, Ban quản lý đền Và làm lễ phong triều. Ngày 14/2, đoàn rước kiệu bắt đầu khởi hành, rước Đức Thánh Tản từ đền Và qua sông Hồng sang đền Ngự Dội xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đi kèm đoàn rước có đội múa lân, múa rồng, cờ các loại, bát bửu, tàn, lọng, trống, chiêng, đội nhạc, đội tế, kiệu các loại theo nghi lễ truyền thống. Sau khi sang đền Ngự Dội, đoàn làm lễ yên vị và lễ tế tại đền Ngự Dội. Chiều cùng ngày, đoàn rước kiệu từ đền Ngự Dội theo tuyến đường cũ rước đền Và, sau đó làm lễ yên vị tại đền Và.
Ngày 15/2, lễ tế chính được tổ chức tại đền Và. Ngày 16/2, lễ tế tạ sẽ diễn ra.
Phần hội của lễ hội đền Và có các trò chơi dân gian như cờ người, kéo co, nấu cơm thi, đi xe đạp chậm, nhảy bao bố, văn nghệ, bịt mắt bắt vịt, bóng đá.
Lễ hội diễn ra đến ngày 16/2 (ngày 17 tháng Giêng)./.
Theo TTXVN