Từ sáng sớm, trên mọi ngả đường đổ về An Xuân đã đông nghịt người
và xe. Trong cái rét se lạnh nơi vùng đất cao trên 400 mét so với nước
biển vốn vắng vẻ ngày thường, hôm nay một không khí ngày hội thực sự
tràn ngập trên vùng đất lịch sử. Ông Võ Chín, Trưởng thôn Xuân Thành, xã
An Xuân - một trong những người đầu tiên phát động ngày hội đua ngựa và
giờ đã trở thành “huấn luyện viên” không chuyên của những kỵ mã trẻ
trong làng, nói: “chẳng rõ hội đua ngựa ở đây có tự khi nào, người già
trong làng thì bảo đua ngựa có trước thời Pháp thuộc. Rồi qua hai cuộc
chiến tranh, nên nhiều năm gián đoạn. Sau giải phóng 1975, người dân
trong xã tự phát khôi phục lại, đến đầu những năm 80 (thế kỷ trước), Hội
đua ngựa Gò Thì Thùng chính thức được huyện Tuy An đề nghị và Sở Văn
hóa Thể thao và Du lịch thống nhất ghi danh vào các lễ hội truyền thống
và ngày thi cũng chính thức được ấn định vào ngày mồng 9 tháng Giêng
hằng năm.
Chủ tịch xã An Xuân, Trần Quang Minh khẳng định: giờ đây ngày hội đua
ngựa hằng năm là hoạt động văn hóa truyền thống, gắn liền với đời sống
cộng đồng dân cư ở xã vùng cao An Xuân. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến bà
con lại tập trung vào chuyện tổ chức hội đua.
Chung quanh chuyện ngựa cũng lắm chuyện vui, buồn để bàn. Những năm
đầu đua ngựa khi chưa có trường đua, những chàng thanh niên lấy đoạn
đường thẳng làm đường đua. Nhiều chú ngựa chưa quen với cảnh hò la đông
người đã bức cả dây cương dông thẳng vào rừng sim gò Thì Thùng. Cảnh các
kỵ mà đầu trần, chân đất ngồi trên lưng ngựa phi vun vút làm cho chính
quyền xã không yên tâm về độ an toàn. Lúc ban đầu một vài cán bộ địa
phương lo lắng quá nên bàn thôi không tổ chức nữa. Nhưng cuối cùng hội
đua ngựa vẫn tồn tại và phát triển trở thành ngày hội đua ngựa độc đáo
trong khu vực miền Trung - Tây nguyên. Và từ khi địa đạo Gò Thì Thùng
được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia (năm 2009) thì ngày hội đua
ngựa ở An Xuân càng thêm ý nghĩa, thu hút ngày càng đông khách thập
phương đến với vùng đất này.
Năm nay, lượng khách đến với hội đua ngựa đông nhất từ trước đến nay,
ước khoảng 10 ngàn người. Ngoài các xã ở địa phương huyện Tuy An, năm
nay còn có thêm các vận động viên đến từ huyện Đông Hòa tham gia, với
tổng số 32 ngựa đua.
Ông Võ Ngọc, một kỵ sĩ đã từng nhiều lần giật giải Hội đua ngựa Gò
Thì Thùng say sưa kể: Đua ngựa vui là chính. Ban đầu giải nhất chỉ là
cái bình thủy, bộ ấm trà rẻ tiền, nhưng ai cũng cố gắng, tranh đua quyết
liệt. Do địa hình đồi dốc, các hoạt động chuyên chở phải sử dụng sức
ngựa, nên con ngựa đã gắn bó với con người như máu thịt. Ngựa ở đây như
con voi đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ngựa là thành viên thân
thương trong mỗi gia đình. Hiện nay cả xã có khoảng 25 con. Để phát
triển đàn ngựa, năm năm trước huyện Tuy An lập dự án được tỉnh mua cấp
cho hai con ngựa đực giống. Ông Võ Ngọc nhận nuôi một con, con còn lại
giao cho ông trưởng thôn Võ Chín, đến nay có thêm vài chục chú ngựa con
ra đời.
Trở lại chuyện đua ngựa, điều mới nghe hơi lạ, là Hội đua ngựa Gò Thì
Thùng chỉ có ngựa cái tham gia. Theo quy định không cấm ngựa đực tham
gia đua, trước đây cũng có ngựa đực dự thi, nhưng không hiểu sao, trên
đường đua chúng chỉ “thích” chạy sau ngựa cái và luôn nhường phần thắng
cho đối phương! Năm nay cũng vậy, 32 ngựa đua đều là ngựa cái được tuyển
chọn từ những ngựa thồ hằng ngày mang đến trường đua.
Không chuyên nghiệp nên Hội đua ngựa này luôn chứa đựng những yếu tố
bất ngờ thú vị diễn ra trên đường đua. Có con chỉ chạy một vòng rồi
thôi; có “chị” ngựa hung hăng hất tung kỵ sĩ xuống đất; lại có “chị”
đang chạy bỗng ngoặt vào bên lề phía nơi những “chàng” ngựa đang ung
dung gặm cỏ. Theo thời gian, quy mô hội thi ngày một nâng cấp, cách thức
tổ chức bài bản hơn, nhưng tính chất cây nhà, lá vườn luôn là nét độc
đáo của ngày hội đua ngựa An Xuân. Các kỵ sĩ ngày thường là những nông
dân chân lấm tay bùn, gắn bó cùng những chú ngựa cần mẫn góp sức một
nắng hai sương trên ruộng rẫy. Đến ngày hội thi thì những nông dân này
nhảy lên lưng tuấn mã và quyết chí tranh tài. Đây chính là hội thi của
những chàng “kỵ sĩ chân đất” chính hiệu. Và chính sự dân giã, nguyên sơ,
vừa mang tính chất kịch tính đã làm nên nét độc đáo của Hội đua ngựa Gò
Thì Thùng trong ngày đầu xuân, tạo nên nét xuân cho vùng đất An Xuân
hiền hòa, mến khách. Mùa xuân, ai đã một lần đến với Hội đua ngựa Gò
Thì Thùng, sẽ thực sự được đắm mình trong một không khí hội hè đầy phấn
khích.
Ông Lê Cao Bằng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Tuy An cho
biết: mỗi năm Hội đua ngựa Gò Thì Thùng càng đông khách thập phương. Đặc
biệt năm nay địa đạo Gò Thì Thùng mới được trùng tu, cải tạo lại sẽ thu
hút khách đến đông hơn. Xem đua ngựa và tham quan gò Thì Thùng sẽ là
một điểm đến của địa phương.
Một điều đáng tiếc xảy ra tại hội đua ngựa gò Thì Thùng năm nay là
xảy ra tai nạn làm bốn người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Trong đó
có hai vận động viên là Vũ Hồng Hưng (37 tuổi), xã An Xuân, huyện Tuy
An, bị ngã bị ngựa giẫm trúng bụng và ông Nguyễn Hữu Chi (63 tuổi), ở xã
An Hiệp, huyện Tuy An bị ngựa giẫm gãy tay.
Kết thúc hội đua, ban tổ chức trao giải nhất cho kỵ sĩ Lê Văn Thu (SN
1988) xã An Hiệp, huyện Tuy An; giải nhì được trao cho Nguyễn Văn Sáu
huyện Đông Hòa. Hai giải 3 được trao cho Lê Kim Tình và Lê Thành Trung
(xã An Xuân, huyện Tuy An).