(TCTG) - Hôm nay (9/2), đúng ngày Rằm Tháng Giêng, tại các địa phương trong cả nước diễn ra các hoạt động phong phú trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7. Tâm điểm của Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội năm nay vẫn là tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Hoạt động của Ngày thơ Việt Nam không chỉ để tôn vinh các giá trị của thơ ca, mà còn là dịp để nhà thơ giao lưu, gặp gỡ với công chúng, để nhận thức rõ hơn trách nhiệm với cuộc sống và sáng tạo các tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc.
Từ sáng sớm đông đảo những người yêu thơ đã có mặt tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám để tham dự những hoạt động của Ngày thơ Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám rực rỡ với đèn lồng đỏ dọc hai bên lối đi. Bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trang trọng bên Thiên Quang Tỉnh - gần kề Khuê Văn Các. Lá cờ hội, lá cờ thơ tung bay trước gió cùng chùm bóng lớn kéo dòng chữ Ngày thơ Việt Nam. Văng vẳng tiếng ngâm thơ ngân vang. Những người sáng tác thơ và những người yêu thơ đều là bạn thơ, tay bắt mặt mừng, chúc nhau những lời chúc đầu Xuân tốt đẹp và tặng nhau những tập thơ mới.
Ngày thơ Việt Nam diễn ra tưng bừng. Sau hồi trống khai hội của Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là nghi thức rước kiệu thơ. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện bài thơ "Cảm hoài" của danh tướngTrần Quang Khải. Tiếp đó, Nghệ sĩ ưu tú Kim Dung ngâm bài thơ "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong sân thơ chính, công chúng đã được lắng nghe những câu thơ hay của nhiều thế hệ nhà thơ, với 3 chủ đề lớn: 40 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 50 huyền thoại đường Trường Sơn, con đường mòn lịch sử giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Ngày thơ VN đã dành 20 cây thơ để tưởng nhớ lại những nhà thơ mặc áo lính đã từng "Bước chân trên dải Trường Sơn", nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sân thơ trẻ với chủ đề "Thơ trẻ 360 độ" thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu thơ, nhất là các bạn trẻ. Năm nay, Khoa Sáng tác và lý luận phê bình (Đại học Văn hoá) cũng tham gia sân chơi này. Nhà văn Văn Giá- Trưởng Khoa cho biết: khoa giới thiệu 14 gương mặt thơ tiêu biểu nhất của khoa và một số ấn phẩm của Khoa và trường viết văn Nguyễn Du và những xuất bản mới nhất. Theo nhà văn Văn Giá, "những ngày hội thơ rất quí giá với những người cầm bút trẻ, là chất xúc tác để cho họ phát triển".
Phần trình diễn của sân thơ trẻ cũng có nhiều đổi mới. Chương trình trình diễn có hẳn một kịch bản do Ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn thực hiện mà người chắp bút là: Phan Huyền Thư, Phong Điệp và Dạ Thảo Phương. "Chúng tôi chú trọng tính tương tác và sự liên kết nhuần nhuyễn giữa các tác giả trong chương trình. Sự tương tác thể hiện bằng nhiều hình thức. Cả chương trình là trình diễn kéo dài và thống nhất, có 3 mùa. Mỗi mùa có một nhóm, thậm chí các nhà thơ. Sự tương tác còn thể hiện ở các các nhà thơ giao lưu với nhau, với bài thơ mình đọc và khán giả. Mặc dù có một kịch bản chung, nhưng thực ra thì tất cả mọi người cùng tham gia vào kịch bản này"- Nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết.
Tham dự sân thơ trẻ, nhà thơ Lương Từ Đức vui mừng nhận xét: "Tôi thích tìm đến thơ trẻ vì tôi tìm đến sự hy vọng với nền văn học nước nhà. Và khi đến đây, tôi chứng kiến một chương trình chặt chẽ và thông minh của các bạn trẻ. Tôi thấy mừng là thơ trẻ năm nay họ đã lắng nghe, đã biết tìm về cội nguồn, tìm đến với cái chất văn hoá trong văn học nghệ thuật để trở thể hiện nó. Cũng chính vì thế, những câu thơ hay hơn, tinh tế hơn về nghệ thuật thơ và tư tưởng ở họ. Ta hoàn toàn tin tưởng và hy vọng về họ".
Lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam đã chú trọng đến đối tượng trẻ thơ với phần trình diễn những tác phẩm thơ phổ nhạc cho thiếu nhi và một hội thảo về thơ dành cho thiếu nhi.
Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7, bên cạnh sân khấu chính của ngày hội thơ, Ban tổ chức dành một không gian rộng xung quanh Thiên Quang Tỉnh để khoảng 40-50 Nhà xuất bản đến đây phát hành thơ và các tác phẩm văn học mới của các văn nghệ sĩ đến với đông đảo công chúng.
- Tại các địa phương khác trong cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7. Tối 8/2, tại khu Vườn tượng An Hội (Trung tâm Văn hoá- Thể thao thành phố Hội An), Hội Văn học- nghệ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu với chủ đề: "Thơ trẻ bên sông Hoài". Hơn 20 tác phẩm thơ- nhạc trình diễn tại đêm thơ góp phần phản ánh khát vọng của các nhà thơ ở thành phố Hội An trước cuộc sống.
Tại đình Phú Tứ, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre, tối 8/2, bên cây bạch mai 300 tuổi, Hội Văn học- nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tổ chức Đêm thơ Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm người yêu thơ trong tỉnh. Dịp này, các văn nghệ sĩ tỉnh tổ chức giao lưu với Tao đàn Chiêu Anh Các tại Kiên Giang.
Tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đêm qua, các nhà thơ trong tỉnh quây quần bên nhau tại trụ sử Hội Văn học- nghệ thuật tỉnh, tham dự chương trình thơ đặc biệt mừng Ngày thơ Việt Nam.
- Các hoạt động tôn vinh giá trị của thơ ca cũng đã diễn ra ở xứ sở bạch dương. Chiều tối qua, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, "Đêm thơ Nguyên tiêu" lần thứ 11 do Hội văn học- nghệ thuật VN tại Liên bang Nga tổ chức đã diễn ra đầy xúc động. Tham dự đếm thơ không chỉ có những cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đông đảo bà còn rất nhiều những người bạn Nga là các nhà Việt Nam học từng có nhiều năm gắn bó với VN và những sinh viên đang học tại các khoa tiếng Việt của một số trường Đại học ở Mát-xcơ-va. Những bài thơ viết về quê hương, đất nước, về tình yêu đối lứa và về cuộc chiến tranh oai hùng của dân tộc được phổ thành bài hát và được các "nghệ sĩ không chuyên" vừa là người tự phổ thơ và thể hiện rất thành công. Những người bạn Nga đến với đêm thơ cũng gửi gắm không ít tâm tư và tình cảm của mình với đất nước, con người Việt Nam qua những vần thơ viết bằng Tiếng Nga rất điêu luyện hoặc viết bằng tiếng Việt còn chưa thật chuẩn xác.
Lần đầu tiên tham dự "Đêm thơ Nguyên tiêu", ông Ô-lếch Ba-vư-kin, Trưởng Ban đối ngoại- Hội Nhà văn Nga, mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng cảm nhận được những nét đẹp trong hoạt động văn hoá rất đáng nhân rộng này. Ông phát biểu hoan nghênh và bày tỏ hy vọng quan hệ giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ Nga và VN sẽ được mở rộng hơn thông qua những hình thức sinh hoạt như thế này. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga phát biểu kết thúc đem thơ bằng đánh giá cao việc Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang đã khởi xướng và tổ chức được những đêm thơ đầy ý nghĩa này.
Trường Thành