Đại diện lãnh đạo Hải Dương cùng người dân địa phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Ngày 11/9 (tức 16 tháng Tám năm Nhâm Dần), tại Đền thờ Nguyễn Trãi thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 580 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi (1442-2022).
Tại buổi lễ, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã ôn lại thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng về tài đức và chí lớn.
Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ.
Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ, bóc lột người dân thảm khốc tột cùng trên đất nước ta. Căm phẫn quân thù, sục sôi tinh thần yêu nước, ông quyết nuôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định vương Lê Lợi.
Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ 15.
Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết "Bình Ngô Đại cáo" - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở...," Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dưới Triều Lê; có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế-xã hội, sự hòa hợp giữa “nước và dân” - nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.
Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Côn Sơn là mảnh đất đã gắn bó với ông những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi ông náu mình “ngẫm nay, suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong” để sau này viết lên Bình Ngô sách, vạch ra đường lối đánh giặc cứu nước giải phóng dân tộc.
Dưới thời vua Lê Thái Tông, ông đã được vua giao trông coi đạo Đông-Bắc. Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế, tiêu biểu là "Côn Sơn ca."
Rước văn từ chùa Côn Sơn sang Đền thờ Nguyễn Trãi. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Khi về trí sỹ, được giao trông coi chùa Tư Phúc, ông đã góp sức tu bổ, mở rộng quy mô đưa ngôi chùa trở thành danh lam thắng cảnh. Vào dịp kỷ niệm 600 năm Ngày sinh của ông (1380-1980), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn ông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đền Nguyễn Trãi-Ức Trai linh từ đã trở thành điểm, không gian linh thiêng mà mỗi người Việt Nam thường tìm về thăm quan, chiêm bái để được tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân lỗi lạc.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng người dân địa phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và dâng hương tại đền thờ Quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, cầu cho Quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, lễ rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi đã được tổ chức trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức của nhà Phật và nghi lễ truyền thống.
Tối cùng ngày, tại nội tự đền Kiếp Bạc sẽ diễn ra nghi lễ truyền thống Khai ấn đền Kiếp Bạc và ban ấn cho du khách và nhân dân thập phương./.
Theo TTXVN