Thứ Năm, 21/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 16/2/2024 13:42'(GMT+7)

Tưởng niệm nhà hoạt động hòa bình Merle Evelyn Ratner

Các đại biểu dành phút mặc niệm bà Merle Evelyn Ratner. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu dành phút mặc niệm bà Merle Evelyn Ratner. (Ảnh: TTXVN)

Lễ tưởng niệm diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới nhiều điểm cầu ở Mỹ với sự tham dự đại diện một số ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của Việt Nam; Giáo sư Ngô Thanh Nhàn, người bạn đời của bà Merle Ratner; các bạn bè có quan hệ thân thiết với gia đình bà Merle Ratner.

Phát biểu tưởng niệm, ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bày tỏ sự tiếc thương khi nghe tin bà Merle Ratner ra đi sau một tai nạn bất ngờ vào ngày 5/2/2024 tại thành phố New York, Mỹ.

Bà Merle Ratner sinh năm 1956, ở quận Bronx, New York. Từ năm 13 tuổi, bà đã tham gia các phong trào vì hòa bình, tích cực biểu tình phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà cùng với những người dân Mỹ yêu hòa bình giương cao khẩu hiệu yêu cầu chấm dứt chiến tranh, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, giải thích cho người dân nước này về sai lầm của cuộc chiến và quyền được độc lập của nhân dân Việt Nam. Nhiều lần bị cảnh sát bắt vì tham gia biểu tình nhưng bà luôn thấy tự hào vì những việc làm của mình.

“Tình yêu dành cho hòa bình, dành cho Việt Nam của bà lớn đến nỗi bà sẵn sàng từ bỏ ước mơ cháy bỏng trở thành ca sĩ của mình để theo đuổi cuộc đấu tranh vì hòa bình, vì công lý cho Việt Nam. Hình ảnh cô gái 16 tuổi phất cao lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên tượng Nữ thần Tự do tại New York để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và cùng với những người Mỹ yêu chuộng hòa bình cất cao lời ca bài hát “Giải phóng miền Nam” mỗi khi xuống đường đấu tranh vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất sẽ mãi mãi là những hình ảnh không thể quên trong trái tim của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, là biểu tượng về tình đoàn kết quốc tế, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”, ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, khi chiến tranh kết thúc, bà Merle Ratner tiếp tục theo dõi từng bước phát triển của Việt Nam, ủng hộ và hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong công cuộc khôi phục đất nước. Bà cùng với những người bạn cùng chí hướng đấu tranh chống lại lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, yêu cầu Mỹ tôn trọng Hiệp định Paris. Giai đoạn từ năm 1976-1979, bà Merle cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn thúc đẩy thành lập "Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ" để kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận Việt Nam.

Trong vai trò là đồng sáng lập “Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - VAORRC”, bà Merle Ratner đã đồng hành, giúp đỡ nhân dân Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực không mệt mỏi vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, gây sức ép lên Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất chịu trách nhiệm tẩy rửa môi trường ở những điểm nóng, bồi thường, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Trong nhiều năm, bà cùng những người bạn của mình đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký để giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi kiện. Bà cũng là người trực tiếp tổ chức các chuyến đi cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đến Mỹ, cùng các cộng sự tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, chia sẻ thông tin cho cộng đồng, tại các trường học ở Mỹ để có những đóng góp hiệu quả cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Bà từng là điều phối viên chương trình cho Ủy ban Quốc tế về Quyền Lao động và là thành viên quản trị của Trung tâm Công nhân Lao động thấp ở New York và New Jersey, là điều phối viên Mạng lưới các nhà hoạt động Đông Dương Quốc gia, là thành viên Ban Giám đốc của Diễn đàn Brecht/Trường Marxist New York, trung tâm văn hóa cánh tả trước đây của làng Greenwich và là thành viên của Ủy ban Thư tín về Dân chủ và Chủ nghĩa Xã hội, cựu thành viên của Ủy ban Điều phối quốc gia - CCDS, tổ chức hai chuyến tham quan nghiên cứu của CCDS tới Việt Nam và đóng góp cho cuốn sách của CCDS “Việt Nam: Từ giải phóng dân tộc đến chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Thanh Nhàn, phu quân của bà Merle Evelyn Ratner chia sẻ và cảm tạ trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Trân trọng cảm ơn tình cảm và ghi nhận những đóng góp ý nghĩa, không mệt mỏi mà bà Merle Ratner dành cho Việt Nam, Chủ tịch nước đã trao tặng bà Huân chương Hữu nghị (năm 2016). Bà cũng đã nhận Giải thưởng “Vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (năm 2013); Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” (năm 2010).

Đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà Merle là người bạn, người đồng chí thủy chung, chân thành. Bà luôn sẵn sàng hỗ trợ Liên hiệp và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với bạn bè cánh tả, Đảng Cộng sản tại Mỹ; tham gia nhiệt tình vào nhiều hoạt động do các tổ chức thành viên như Hội Việt-Mỹ, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức.

Tại Lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tới bà Merle Ratner và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, người thân của bà, đồng thời bày tỏ sự tri ân về những tình cảm, đóng góp của bà Merle Ratner đối với Việt Nam./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất