Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 28/6/2011 22:14'(GMT+7)

Tường xanh giúp "giải nhiệt" mùa hè

Nguyễn Anh Khoa bên những bức tường xanh đang được trồng thử nghiệm.

Nguyễn Anh Khoa bên những bức tường xanh đang được trồng thử nghiệm.

 Môi trường ô nhiễm, thiếu không gian xanh

Các nhà môi trường vừa cảnh báo chất lượng môi trường không khí trên toàn lãnh thổ đang bị suy giảm, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi đang có chiều hướng gia tăng. Một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, SO2 và tiếng ồn cục bộ. Ven các trục đường giao thông, kết quả quan trắc môi trường cho thấy, nhiều khu vực có nồng độ N02 tăng như Mai Động (Hà Nội). Trên các tuyến đường đô thị, hầu hết các ngã ba, ngã tư đều có nồng độ bụi vượt quá quy chuẩn cho phép, biểu hiện rõ nét nhất vào mùa khô, điển hình như các ngã tư Kim Liên (Hà Nội), Tam Hiệp (Đồng Nai), Đinh Tiên Hoàng (TP. Hồ Chí Minh)...100% kết quả đo bụi đều không đạt quy chuẩn. 

Để "làm mát" bầu không khí oi bức, ngột ngạt, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như quạt, điều hòa càng tăng cao, trong khi đó, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu tạo điện lại làm ảnh hưởng xấu tới môi trường. Kết quả là càng làm mát theo cách này, thì không khí lại càng nóng lên. Sống ở một trong những thành phố sôi động nhất nước, Nguyễn Anh Khoa rất trăn trở, và trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra nhiều nguồn nhiên liệu mới, chàng trai trẻ này đã có cách đi riêng bằng việc: Tiết kiệm điện và làm đẹp môi trường sống từ...thực vật xanh!

Bức tường xanh - décor đặc biệt

"Sử dụng cây dây leo, tận dụng những bức tường trống, đơn điệu để tạo ra những mảng xanh cho các công trình kiến trúc như nhà ở, cơ quan, chung cư,…giúp làm giảm nhiệt độ không khí bên trong các công trình kiến trúc, vừa có thể sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững năng lượng điện, đồng thời tạo nên những màu xanh tươi mát và không gian sống thoải mái cho mọi người" - Khoa lý giải cho ý tưởng của mình.

Thực ra ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng dây leo làm các mảng xanh cho ngôi nhà đã được sử dụng rất hiệu quả. Theo tạp chí New York Times, số công ty cung cấp dịch vụ bán hàng và chăm sóc bức tường xanh tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người dân Mỹ với loại décor (mẫu thiết kế) đặc biệt này. Tùy vào khả năng tài chính, mỗi người đều có thể tự làm hay thậm chí thuê nhân viên tư vấn để "làm xanh" những bức tường đơn điệu quanh nhà.

Tuy nhiên, mô hình này với Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện mới mẻ. Người dân vẫn chưa "quen mắt" với việc trồng cây lên tường, thậm chí nhiều người còn lo ngại cây leo có thể "ăn tường" và làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn của ngôi nhà. Hơn nữa, nhiều người cũng quan niệm, trang trí nhà kiểu này chỉ dành cho những gia đình giàu có. Nhưng theo câu chuyện của Khoa thì rất đơn giản để sở hữu một bức tường xanh.

200.000 đồng một bức tường xanh

Nguyễn Anh Khoa cho rằng, để trồng được một bức tường xanh, người dân chỉ phải bỏ ra 200.000 đồng, và không cần phải chăm sóc nhiều vì các loài thực vật được sử dụng đều rất dễ trồng, dễ phát triển. Một bức tường xanh có thể chia làm 2 dạng. Dạng bám tường: sử dụng chủ yếu là dây "thằn lằn" (còn có các tên gọi khác như Trâu cổ, Vảy ốc,..) vì rễ của chúng khá cạn sẽ không làm ảnh hưởng xấu tới chất liệu tường nhà. Trong trường hợp muốn gỡ bỏ chúng thì chỉ cần sơn phết lại bức tường sau khi gỡ là được. Giá của cây này cũng rất hợp lý, từ 15.000 đến 20.000 đồng 1 giỏ. Ngoài ra, còn có dạng dây leo giàn...Tuy nhiên, khí hậu miền Bắc ẩm hơn miền Nam nên việc trồng các loại dây bám tường sẽ gây ra lo ngại về chất lượng tường. Để khắc phục, Nguyễn Anh Khoa đã đưa ra một giải pháp đó là sử dụng các tấm cao su đúc sẵn, có khía, dán lên tường sau đó trồng các loài dây leo cho bò lên tấm cao su. Mỗi tấm cao su này có giá thành khoảng 30- 40.000 đồng.

Với các "bức tường xanh", thì việc "làm mát" cho ngôi nhà sẽ trở nên "tự nhiên" hơn mà không cần dùng tới quạt máy, hay máy điều hòa. Từ đó sẽ tiết kiệm được năng lượng điện. Các loài thực vật bám tường còn hấp thụ thêm 1 lượng CO2 giúp giảm thiểu sự ô nhiễm trong không khí cũng như giảm bớt sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Vì chưa có kinh phí để đầu tư, nên hiện nay mô hình này đang được Khoa thử nghiệm tại một số nhà dân nơi Khoa sinh sống. "Dây bám tường đang là xu thế trang trí nhà mới của nhiều hộ gia đình hiện nay. Đây cũng là xu thế phát triển hợp lý, thân thiện với môi trường trong tương lai không xa", Khoa chia sẻ.

Qua Bức tường xanh, Nguyễn Anh Khoa mong muốn mọi người hiểu được công việc thầm lặng của mình nhằm để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thích ứng và giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu bằng cách hãy làm mát cuộc sống một cách "tự nhiên" nhất, điều đó sẽ tránh được việc sử dụng hao phí năng lượng.


Lê Na/Đại đoàn kết





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất