Đây là quy định tại Thông tư
08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
Quy chế này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học
viện, trường đại học (bao gồm các trường đại học thành viên của đại học
quốc gia, đại học vùng) được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ và viện
nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi chung là cơ
sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Quy chế này không áp dụng đối với các
chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, các chương trình liên kết đào tạo
trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các cơ sở đào
tạo của nước ngoài do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng và các chương
trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo của Việt
Nam với các cơ sở đào tạo của nước ngoài do hai bên cùng cấp bằng.
Thông tư nêu rõ chương trình đào tạo ở
trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành theo
quy định hiện hành, đáp ứng các điều kiện: Khối lượng học tập tối thiểu
90 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp thạc sĩ và tối
thiểu 120 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp đại học;
chuẩn đầu ra bao gồm kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; kỹ năng
nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;
mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ
năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của người tốt nghiệp trình độ
tiến sĩ phải đạt Bậc 8 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam được phê
duyệt tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Khung trình
độ quốc gia).
Phương thức tuyển sinh theo quy định tại
điểm a, khoản 2, Điều 34 Luật giáo dục đại học. Số lần tuyển sinh trong
năm là 01 lần hoặc nhiều lần.
Điều kiện dự tuyển
Theo quy chế, người dự tuyển đào tạo
trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện: Có bằng tốt nghiệp đại học
loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ; là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo
liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học
hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong
thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải
có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ
sau: Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước
ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng
trong quá trình học tập là tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác; bằng
tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo
của Việt Nam cấp; chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng
chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được
quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính
đến ngày đăng ký dự tuyển…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ điều
kiện để nghiên cứu sinh được xét cấp bằng tiến sĩ: Luận án của nghiên
cứu sinh đã được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện thông qua đủ
03 tháng (90 ngày); nghiên cứu sinh đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung
luận án theo quyết nghị của Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp
trường, viện và được người hướng dẫn, đơn vị quản lý đào tạo, chủ tịch
Hội đồng xác nhận (nếu có); đã đăng trên trang thông tin điện tử của cơ
sở đào tạo và nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam (cả bản in và file pdf)
toàn văn luận án và tóm tắt luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của
nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và xác nhận của thủ trưởng
cơ sở đào tạo sau khi đã bổ sung, sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng
đánh giá luận án cấp trường, viện và Hội đồng thẩm định (nếu có)…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/5/2017./.
Theo chinhphu.vn