Tỷ lệ người dùng IPv6 Việt Nam thấp hơn 300 lần so với thế giới
Phát biểu tại hội thảo “Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung
cấp dịch vụ tới người sử dụng” được tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày IPv6
Việt Nam (6/5), ông Trần Minh Tân cho biết, Việt Nam đã trải qua 5 năm
thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với mục tiêu tổng thể
“Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định với IPv6”. Tại hội nghị
tổng kết Giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 vào 26/4/2016,
Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và cac doanh nghiệp đã
nhận định, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 củaViệt Nam phù hợp với
tình hình chung của thế giới và về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành các
nhiệm vụ, mục tiêu của Giai đoạn II.
Cụ thể, Internet Việt Nam đã sẵn sàng về mặt hạ tầng, doanh nghiệp
sẵn sàng về nhân lực cũng như đủ các điều kiện tiên quyết để triển khai
cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang
đứng trước một thách thức, tồn tại cần sự nỗ lực chung tay trong Giai
đoạn II để thực hiện được mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc
gia về IPv6. “Đó là tỷ lệ người sử dụng IPv6 Việt Nam còn rất thấp so
với hiện trạng triển khai IPv6 toàncầu.Việt Nam đã có động thái thúc đẩy
triển khai IPv6 từ sớm nhưng hiện tại, chúng ta đang đi chậm so với bạn
bè năm châu bốn bể”, ông Tân chia sẻ.
Theo số liệu từ hệ thống thống kê của CISCO, APNIC và Google, tỷ lệ
người dùng IPv6 của Việt Nam hiện nay là 0,03%, còn rất thấp so với con
số trung bình của thế giới (10,41%). Như vậy, hiện tỷ lệ người dùng IPv6
trên thế giới gấp tới hơn 300 lần so với tỷ lệ người dùng IPv6 Việt
Nam.
Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân cũng nhấn mạnh, trong lộ trình thực hiện
Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 có vai trò đặc biệt quan
trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn III – Giai đoạn chuyển đổi (2016 -
2019). Đây cũng là giai đoạn dài nhất, quan trọng nhất, quyết định kết
quả cuối cùng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể quốc gia về triển
khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc
gia về IPv6, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và các doanh nghiệp đã
có sự nhìn nhận khách quan về thực trạng “chờ đợi” trong triển khai
IPv6: ISP chờ doanh nghiệp nội dung; doanh nghiệp nội dung chờ nhu cầu
khách hàng; doanh nghiệp di động chờ triển khai 4G LTE; các doanhnghiệp
đang chờ các chính sách, thể chế áp đặt, chờ đợi lợi ích trực diện từ
việc triển khai IPv6…
“Chúng ta đang chờ nhau. Vậy khi nào là thời điểm triển khai IPv6 một
cách tích cực, toàn diện và thực hiện bằng cách nào? Câu trả lời là
ngay bây giờ và thực hiện cùng nhau, hành động một cách quyết liệt nếu
chúng ta muốn thực hiện đúng hạn mục tiêu quốc gia về IPv6”, ông Tân
khẳng định.
Cam kết chung tay thúc đẩy cung cấp dịch vụ IPv6 đến người dùng
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận cởi mở và tích cực của đại diện các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức về thực trạng cũng như giải pháp
triển khai thực tế IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam nhằm hiện
thực hóa mục tiêu quốc gia về IPv6, kết luận hội thảo diễn ra ngày
6/5/2016, ông Trần Minh Tân đã nêu rõ những nội dung cam kết của các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, cam kết thực hiện hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay
cung cấp dịch vụ tới người sử dụng; cùng nhau tạo lập một môi trường
cộng sinh, đảm bảo sự phát triển và ứng dụng của dịch vụ IPv6 trong hoạt
động Internet Việt Nam.Việc triển khai IPv6 mang tính chất toàn diện,
đồng bộ trên mọi mặt và là nhiệm vụ chung của các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp được đề cập trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, bao
gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, các doanh nghiệp (ISP, nội dung, di
động…), các nhà đăng ký tên miền “.vn”, đơn vị sản xuất thiết bị, phần
mềm, các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực Internet và CNTT…
|
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, Phó trưởng Ban
công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia phát biểu tại hội thảo "Hành
động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ tới người sử dụng”.
|
Thứ hai, xác định vai trò nòng cốt, quan trọng của doanh nghiệp trong
việc quyết định kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam. Các doanh nghiệp
cam kết bám sát kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 để thực hiện việc
chuyển đổi và cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng một cách hiệu quả.
Cụ thể, với các ISP, bên cạnh việc hoàn thiện mạng lưới, đảm bảo mạng
lưới hoạt động ổn định với IPv6, toàn bộ các doanh nghiệp lớn cam kết
cung cấp dịch vụ IPv6 trong năm 2016 và triển khai, mở rộng việc cung
cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, đảm bảo tăng trưởng đều về số lượng
người sử dụng IPv6 trong các năm tiếp theo. Trong năm 2016, những doanh
nghiệp chưa triển khai dịch vụ IPv6 đến khách hàng thực hiện kích hoạt
cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6
thực tế vào năm tiếp theo 2017.
Đối với doanh nghiệp ICP, cùng với việc thiết lập lộ trình chuyển
đổi hệ thống và dịch vụ hỗ trợ IPv6 bám sát Kế hoạch hành động quốc gia
về IPv6, trong năm 2016, các ICP cũng sẽ triển khai công tác chuyển đổi
dịch vụ nội dung số từ IPv4 sang hỗ trợ song song IPv4/IPv6, triển khai
thử nghiệm IPv6 trên một số phân mảng giao diện.
Các nhà cung cấp dịch vụ băng rộng, mobile cam kết triển khai IPv6
cho mạng 4G LTE theo lộ trình triển khai IPv6 quốc gia; đảm bảo hệ thống
hoạt động ổn định, cung cấp IPv6 cho khách hàng trên nền 4G LTE. Doanh
nghiệp lớn cam kết thực hiện triển khai cung cấp IPv6 cho khách hàng
băng rộng trong năm 2016 và nhân rộng việc cung cấp IPv6 cho khách hàng
băng rộng với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm tối thiểu là 200%. Doanh nghiệp
vừa và nhỏ thực hiện cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 trên khách hàng
băng rộng trong năm 2016 và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 thực tế vào
năm tiếp theo 2017.
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm sẽ đảm bảo hoạt động nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phần mềm có hỗ trợ IPv6.
Còn với nhà đăng ký tên miền “.vn”, các nhà đăng ký đảm bảo hệ thống
quản lý, cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền “.vn” và hệ thống máy chủ DNS
cung cấp dịch vụ cho tên miền “.vn” hỗ trợ song song IPv4/IPv6 vào cuối
năm 2016.
Thứ ba, các cơ quan Đảng, Nhà nước là các đơn vị tiên phong trong
công tác triển khai IPv6; Triển khai ứng dụng IPv6 trong các dự án CNTT
vàhệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước.
Và thứ tư, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia giữ vai trò
là trung tâm kết nối; đầu mối tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy; đưa chính sách
khuyến khích triển khai IPv6 vào thực tế; thực hiện công tác nghiên cứu
xây dựng các chính sách xúc tiến thị trường dịch vụ về IPv6.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cam kết cùng
chung tay thúc đẩy cung cấp dịch vụ IPv6 đến người sử dụng, tăng trưởng
lưu lượng người sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt con số 1-2% vào thời điểm
Ngày IPv6 Việt Nam năm 2017.
Ông Trần Minh Tân nhấn mạnh: “Phát huy sức mạnh tổng thể, tôi tin
rằng chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của Giai đoạn III Kế hoạch hành
động quốc gia về IPv6, đảm bảo mục tiêu quốc gia về IPv6 “tới năm 2019,
Internet Việt Nam hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6”./.
Theo ICTnews