Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh
gia tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua là thông tin tại hội nghị dinh dưỡng
Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 3, tổ chức ngày 1/8.
Với chủ đề “Dinh dưỡng trẻ em: tiếp cận từ cộng đồng, trường học và bệnh
viện”, hội nghị đã thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu là các giáo
sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về dinh dưỡng, chuyển hóa và
nhi khoa đến từ Nhật Bản, Australia, Canada và nhiều tỉnh, thành trong
cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với các thách thức lớn về dinh
dưỡng và sức khoẻ của người dân. Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia
tăng dân số cơ học, xu hướng già hóa dân số, sự thay đổi lối sống và ảnh
hưởng của thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh đã dẫn tới một số bất
cập trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ em.
Các báo cáo khoa học tại hội nghị cho thấy, xu hướng thừa cân béo phì,
hội chứng chuyển hóa ở trẻ em trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành
phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng gia tăng.
Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5
tuổi từ 3,7% năm 2000 đã tăng lên 11,5% vào năm 2013; tỷ lệ từa cân béo
phì học sinh phổ thông tăng gấp đôi từ 11,6% năm 2002 lên 21,9% năm
2009.
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhi nội trú lại rất cao, đặc
biệt là trẻ có các bệnh lý bẩm sinh, mạn tính như bệnh thận, bệnh tim
bẩm sinh.
Nguyên nhân chính của các rối loạn dinh dưỡng trên là chế độ ăn của trẻ
em chưa cân đối, cơ thể thừa chất đạm, chất béo trong khi các khoáng
chất, vitamin lại bị thiếu; đồng thời cách thức cho trẻ ăn hiện nay chưa
khoa học, trẻ thường bị ép ăn, ăn vặt, ăn khuya và trẻ ít vận động.
Để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa ở trẻ em,
tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất cần đầu tư hơn nữa
cho lĩnh vực dinh dưỡng. Trong đó, việc tăng cường hơn nữa công tác
truyền thông giáo dục cung cấp kiến thức, xây dựng hành vi dinh dưỡng
hợp lý là giải pháp nòng cốt để giải quyết tận gốc các vấn đề dinh
dưỡng.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến đối tượng học sinh thông qua triển khai tốt
Chương trình dinh dưỡng học đường. Mặt khác, đầu tư nguồn lực cho hoạt
động phòng chống thừa cân béo phì, phòng chống các bệnh không lây bên
cạnh việc duy trì thành quả trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi
chất…
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh,
các bên liên quan cần tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất,
nguồn nhân lực cho các đơn vị thực hiện kế hoạch Chiến lược quốc gia
dinh dưỡng.
Trong đó, tập trung cho Trung tâm Dinh dưỡng thành phố thực hiện tốt
nghiên cứu, giám sát, đào tạo nhân lực, phát hiện kịp thời các vấn đề
dinh dưỡng mới nảy sinh và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo thành phố có
các giải pháp can thiệp thích hợp cho từng giai đoạn.
Các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thực phẩm cần ứng dụng các thành
tựu khoa học để đưa ra thị trường các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng,
phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của các đối tượng trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những thách thức trên, thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí
Minh, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ
suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh trong 25
năm qua từ gần 50% vào đầu những năm 1990 xuống chỉ còn 4,1% vào năm
2013, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 15,3%.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ hơn 50% vào năm 1990 đã giảm xuống còn
6,7% vào năm 2013 (so với cả nước là 25,9%). Tỷ lệ này tương đương với
các nước phát triển. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường
cũng đã giảm đáng kể ở tất cả các cấp học.
Đáng chú ý, nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ
Chí Minh cho biết chiều cao trung bình của học sinh tuổi Tiểu học tại
thành phố đã không chỉ tăng hơn so với thập kỷ trước mà còn vượt 2cm so
với chiều cao trung bình theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới./.
H.Chung (TTXVN)