Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 28/6/2014 12:12'(GMT+7)

Xây dựng gia đình Việt Nam trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế

Vai trò của gia đình và tác động của đời sống xã hội tới gia đình hiện nay

Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Từ gia đình, con người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gia đình với hai chức năng cơ bản là tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hóa cá nhân để hình thành nhân cách mỗi con người, là nơi mỗi con người được rèn luyện, phát triển theo hướng chân - thiện - mỹ, từ đó hình thành văn hóa gia đình. Sự tồn tại của mỗi cộng đồng, làng, nước phụ thuộc vào sự tồn tại, phát triển của gia đình, nhất là văn hóa gia đình, vì gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Vì vậy, các chính sách của Nhà nước luôn chú ý tới nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ cũng như việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, chức năng của gia đình. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII cũng bàn đến trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, giá trị gia đình một lần nữa được Đảng nhấn mạnh. Gia đình là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, có trách nhiệm trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình lối sống lành mạnh, có văn hóa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi cuộc đời con người cũng như đối với sự trường tồn và phát triển của quốc gia, dân tộc như vậy chính là do những giá trị văn hóa được gia đình trao truyền qua các thế hệ. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội; phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, tộc người, dân tộc và khu vực khác nhau, được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội nhất định.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Sự giao lưu, mở cửa đem đến cho gia đình Việt Nam cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại và điều kiện phát triển kinh tế. Song, mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình Việt Nam. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó, đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình hình mới cũng tiềm ẩn những thách thức, tạo ra xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; làm xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của gia đình. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, hiện tượng hôn nhân đồng giới và quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng như nạo phá thai trong giới trẻ có xu hướng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng tăng. Sau hôn nhân, nhiều phụ nữ di cư theo chồng ra nước ngoài, tạo khoảng trống khách quan trong duy trì mối quan hệ gia đình, đặt ra mối quan ngại cho toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện phai nhạt. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình đang diễn ra dưới nhiều hình thức, làm ảnh hưởng tới sự bền vững của gia đình. Bên cạnh đó, gia đình Việt Nam còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của các tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình.

Từ thực tế trên, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình, hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày nay, để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình. Để xây dựng gia đình Việt Nam theo chuẩn mực văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần xây dựng gia đình Việt Nam theo những nấc thang giá trị mới, vừa kế thừa được những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ của các tư tưởng nhân văn, tiên tiến trên thế giới, vừa bảo đảm các điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gia đình hạnh phúc, bền vững sẽ là điểm tựa quan trọng để xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng gia đình trong tình hình mới

Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trở nên vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời xây dựng ba đề án là: Đề án nâng cao chất lượng các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; Đề án kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Vụ cũng triển khai thực hiện tốt Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2010 - 2020” và xây dựng dự thảo “Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; tiếp tục tham mưu trình xin chủ trương xây dựng kế hoạch “Chương trình giáo dục quốc gia về đời sống gia đình”.

Để hoàn thành tốt chủ đề công tác gia đình năm 2014 là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, những giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi người, mọi gia đình về tầm quan trọng của gia đình

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, chức năng của gia đình. Vì vậy, ngày 15-5-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 1460/QĐ-BVHTTDL phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2014 thuộc Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp qua nhiều kênh thông tin như báo chí, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chính trị các đoàn thể nhân dân, hội nghị, hội thảo… Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, về bình đẳng giới, về công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; thấy được quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Cần tăng cường truyền thông giáo dục trong mỗi gia đình; đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi ở các địa phương, đưa việc giáo dục những giá trị truyền thống vào trong nhà trường cũng như về tận các gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chương trình giáo dục quốc gia về đời sống gia đình cũng cần được tăng cường triển khai, hướng đến việc nâng cao trách nhiệm người cao tuổi trong vấn đề giáo dục con cái, khuyến khích cha mẹ dành thời gian cho con cái nhiều hơn, tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình...

Thứ hai, xây dựng gia đình văn hóa phải gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Đại hội XI của Đảng chỉ rõ cần kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam. Đây là nội dung quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về nhiệm vụ xây dựng, phát triển nguồn lực con người trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, việc xây dựng gia đình gắn chặt với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới; cần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng hình thức; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và phúc lợi xã hội; giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, lồng ghép hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trong việc thực hiện các tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25 tháng 11 và nhất là ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6 năm nay, với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, hướng tới sự trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam trong bữa cơm đầm ấm, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên, cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả và bền vững các chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế và an sinh xã hội

Sự tác động của kinh tế trong thời kỳ hội nhập tới văn hóa gia đình là rất lớn. Trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, khi các thành viên trong gia đình còn dành nhiều thời gian cho việc kiếm sống thì sự chăm lo dành cho các thành viên trong gia đình và ngay chính bản thân chưa kịp thời và đầy đủ, cơ hội tham gia các hoạt động xã hội không nhiều. Do vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước xác định như một tiền đề cơ bản giúp gia đình ổn định và phát triển. Việc nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo là công tác thường xuyên và cần được đẩy mạnh. Đảng ta cũng chỉ đạo cần đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn tự vươn lên thoát nghèo bền vững; kết hợp các chính sách của Nhà nước với sự trợ giúp có hiệu quả của toàn xã hội. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, tạo điều kiện hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ tư, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình

Hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình là nhóm hoạt động vừa mang tính kinh tế vừa mang ý nghĩa xã hội rộng khắp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thời gian, kiến thức để phát triển gia đình. Hệ thống dịch vụ gia đình bao gồm các hoạt động chủ yếu như dịch vụ giáo dục đời sống gia đình, chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ khoa học - kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ hoặc các loại dịch vụ phục vụ sinh hoạt gia đình. Việc phát triển hệ thống dịch vụ này không có nghĩa là tách các thành viên gia đình ra khỏi các trách nhiệm với gia đình mà chỉ là sự hỗ trợ để các thành viên gia đình có nhiều thời gian quan tâm đến nhau hơn. Hoạt động này tuy sẽ phát triển tốt hơn ở khu vực kinh tế phát triển nhưng sẽ vẫn rất cần được thực hiện ngay tại cả những vùng mà điều kiện kinh tế còn hạn chế. Khi được hỗ trợ những hoạt động gia đình, các thành viên lao động chính sẽ tập trung cho đầu tư sản xuất, tăng trưởng kinh tế; việc chăm sóc người già, trẻ em vẫn được bảo đảm. Đối với khu vực thành thị, việc phát triển hệ thống dịch vụ gia đình giúp người phụ nữ có nhiều điều kiện chú ý tới những yếu tố khác để duy trì hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ được giảm nhẹ công việc sẽ có trạng thái tâm lý tốt để chăm sóc chồng con, góp phần giữ được sự yên ổn, hòa thuận trong gia đình. Bảo đảm cho các hộ gia đình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Ưu tiên cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở huyện nghèo, xã nghèo vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình; chú trọng xây dựng các dịch vụ gia đình phù hợp với thực tế từng vùng, địa phương và nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng; kết hợp với việc rà soát thực trạng và tăng cường kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các dịch vụ đó.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phổ biến hệ thống giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam

Nghiên cứu khoa học về các giá trị của gia đình truyền thống là hoạt động rất quan trọng đối với việc củng cố, điều chỉnh và xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng văn hóa gia đình giai đoạn nào cũng cần phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá chính xác những giá trị đã định hình từ truyền thống. Việc đánh giá này phải được tiến hành trong nhiều thời điểm, dưới nhiều góc độ, bởi lẽ, tại các thời điểm nghiên cứu khác nhau, các chuẩn giá trị truyền thống có thể sẽ được khai thác không đồng nhất. Nghiên cứu đầy đủ về văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng chuẩn mực định hướng cho gia đình Việt Nam các giai đoạn; cơ sở cho quá trình nghiên cứu các nội dung, biện pháp giáo dục gia đình phù hợp với các đối tượng, các nhóm dân cư và vùng địa lý; nghiên cứu sự phối hợp giữa quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội với vai trò tự quản của gia đình trong việc củng cố các quan hệ gia đình, thực hiện vai trò và chức năng của gia đình; nghiên cứu phương pháp làm cân bằng giữa công việc và gia đình trong xã hội công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giúp các thành viên gia đình vừa có điều kiện cống hiến cho xã hội vừa có điều kiện chăm sóc gia đình... Trước yêu cầu mới, ngày 09-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Nghị quyết cũng chủ trương thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế./.

Trần Tuyết Ánh
Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(Nguồn: TCCS)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất