Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 12/8/2012 9:21'(GMT+7)

Về nơi cội nguồn cách mạng

Sơn Dương – Cội nguồn cách mạng

Những ngày này, các cán bộ cũng như nhân dân huyện Sơn Dương đang tất bật chuẩn bị lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào (dự kiến tổ chức vào ngày 16/8).

Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hoá và sinh thái Quốc gia Tân Trào tự hào giới thiệu: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có tổng diện tích 2.500 ha, trên diện tích 10 xã của 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Trong đó, huyện Sơn Dương có 4 xã là Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên; huyện Yên Sơn có 6 xã là Kim Quan, Phú Thịnh, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh; với tổng thể 177 di tích, trong đó có 40 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia, 30 di tích được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh…

Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca…

Cũng theo bà Loan, nhằm xây dựng Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thành trọng điểm thu hút khách và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, điển hình như: Khu cổng vào khu du lịch lịch sử và nơi đón tiếp; Nhà dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng các khu vui chơi giải trí, khu làng văn hóa dân tộc…

Ngôi nhà sàn ông Nguyễn Tiến Sự - người đã nhường nhà cho Bác Hồ sống và làm việc trong thời gian khi Người mới trở về từ Pác Bó, nằm cách cây đa Tân Trào khoảng 50 m. Giờ đây, ông Sự không còn nữa nhưng các thế hệ con cháu ông vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh và những việc làm của Bác. Bà Hoàng Thị Mai, con dâu trưởng của ông Nguyễn Tiến Sự, năm nay đã 71 tuổi kể lại: Những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 khí thế cách mạng rất tưng bừng, bà con các dân tộc quyết tâm một lòng theo Bác, theo cách mạng.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng

Đến Sơn Dương hôm nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đến từng nhà, chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán. Điều đáng chú ý nhất qua hơn 1 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Sơn Dương đó là các địa phương trong huyện đã biết phát huy sức dân để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và vận chuyển đến thôn, bản; chính quyền cơ sở và các thôn, bản, tổ, xóm tự giải phóng mặt bằng; nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, công lao động để xây dựng đường bê tông nông thôn. Theo thống kê, hơn 1 năm qua, toàn huyện đã làm được gần 340 km đường bê tông nông thôn.

Không chỉ thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Sơn Dương còn là “điểm sáng” của tỉnh Tuyên Quang về thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong việc phát triển cây mía. Với vùng nguyên liệu trồng mía đạt hơn 4.700 ha - mía đang được xác định là cây mũi nhọn trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của huyện Sơn Dương.

Được biết, trước đây, cây mía ở huyện Sơn Dương cũng trải qua rất nhiều thăng trầm và thường rơi vào cảnh được mùa thì mất giá, không những vậy việc tranh mua, tranh bán diễn ra rất lộn xộn. Có năm chưa đến vụ thu hoạch đã có thương lái đến đặt tiền mua trước, nhưng có năm lại rơi vào cảnh mong mãi cũng chẳng thấy thương lái nào đến tiêu thụ, nhiều nhà phải đầu tư máy ép thủ công, nhưng cũng không thu hoạch hết mía, phải đốt bỏ. Nhưng từ khi Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và người nông dân ký kết hợp đồng mua bán mía nguyên liệu thì mọi chuyện đã hoàn toàn đổi khác. Theo đó, hàng năm trước khi vào vụ trồng mía mới Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương tổ chức hội nghị đánh giá công tác phát triển vùng nguyên liệu mía và ký cam kết đảm bảo thu mua toàn bộ mía nguyên liệu cho các hộ nông dân, với giá thị trường, theo hướng có lợi cho người trồng mía theo chỉ đạo của Hiệp hội mía đường Việt Nam. Đồng thời, triển khai chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng mía như: Mỗi ha đất đang trồng cây lâu năm nay chuyển sang ký hợp đồng trồng mía ổn định lâu dài với công ty từ 3 năm trở lên được hỗ trợ 2,5 triệu đồng; ứng trước vốn đầu tư cho các hộ dân vay chăm sóc mía 18 triệu đồng/ha trồng mới, trồng lại; 10 triệu đồng/ha chăm sóc mía lưu gốc... Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không chỉ giúp vùng nguyên liệu mía phát triển bền vững, mà còn đem lại lợi nhuận cho cả người nông dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương vui mừng cho biết: Ðảng bộ huyện Sơn Dương vinh dự và tự hào được trưởng thành từ cái nôi của cách mạng, quê hương Tân Trào lịch sử. Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng bộ và nhân dân Sơn Dương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và sát với điều kiện thực tế của địa phương để phát triển. Trong đó, tập trung vào bốn lĩnh vực đột phá là: thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông; du lịch; giáo dục và dạy nghề. Huyện Sơn Dương phấn đấu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu người/năm; 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá… để xứng đáng là quê hương giàu truyền thống cách mạng./.

Vũ Quang Đán

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất