Thứ Năm, 26/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 20/3/2017 20:32'(GMT+7)

UBTVQH thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua hơn 6 năm thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước.

Luật cũng tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thông qua cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

Đồng thời, Luật tạo điều kiện cho các địa phương huy động vốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài; cơ cấu nợ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng vay nợ trong nước, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Qua đó góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết, Luật đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công. Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh...

“Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới”, Báo cáo thẩm tra nêu.

Về hồ sơ dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra cho rằng, ban soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị công phu từ khâu tổng kết, đánh giá thực tiễn, rà soát pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đến xây dựng dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến góp ý của các đối tượng có liên quan, đánh giá tác động của dự án Luật.

Hồ sơ dự án Luật về cơ bản đã bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để thuận lợi cho quá trình xem xét, cho ý kiến, hồ sơ trình cần bổ sung một số văn bản như: Bản đối chiếu, so sánh những sửa đổi, bổ sung giữa dự thảo Luật và luật hiện hành; bản tổng hợp, thống kê các nội dung đã được luật hóa từ các các văn bản dưới luật hiện hành.

Bên cạnh các mục tiêu, quan điểm thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị việc sửa đổi Luật phải nhấn mạnh các mục tiêu, quan điểm cơ bản là: Bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng nợ công; khắc phục được những tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện; bảo đảm tính khả thi, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Thảo luận về dự án luật, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về cơ bản, nội dung của dự thảo luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, luật hóa nhiều nội dung hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật, các quy định về cơ bản phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về phạm vi sửa đổi, bảo đảm việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, an toàn nợ công, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép...

Đồng thời, dự án Luật cần bám sát quan điểm, mục tiêu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật nhằm phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công. Cân nhắc, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý; luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, góp phần giảm thiểu số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.

Để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của Luật, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nội dung liên quan, hạn chế các nội dung phải dẫn chiếu nhằm giảm thiểu các văn bản dưới luật, tạo sự ổn định, thuận tiện cho quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị dự án Luật cần được xây dựng cụ thể hơn, bảo đảm khi luật được xây dựng và ban hành phải có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ trong quản lý nợ công, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản dưới luật. Trong quá trình xây dựng dự án Luật cần chú ý tới việc xin ý kiến, tạo sự thống của các bộ, ngành hữu quan để khi dự án Luật được ban hành tạo được sự thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ ngành trong tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong dự án Luật, vấn đề huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đã được quy định khá đầy đủ, song để sử dụng thực sự hiệu quả nguồn vốn vay như thế nào thì dự án Luật cần đề ra các quy định cụ thể hơn nữa về quản lý nợ công, phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, vấn đề về nguyên tắc quản lý nợ công, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công; huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ… cũng là những vấn đề lớn được nhiều thành viên UBTVQH tập trung thảo luận và cho ý kiến.

Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một dự án luật hết sức quan trọng và cũng là một trong những nhiệm vụ mà đất nước cần tập trung giải quyết về vấn đề nợ công, nợ xấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH cơ bản thống nhất về mục tiêu, quan điểm việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công; yêu cầu đặt ra là việc sửa đổi lần này phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công... và khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trước đây của luật và tiếp thu tốt các thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tập trung phân tích, đánh giá tác động của dự án Luật, tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của Luật; sớm hoàn thiện dự án Luật trình UBTVQH xem xét, quyết định./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất