Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Trịnh Hải Yến nhấn mạnh “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua gần 70 năm trước đã đánh dấu một thời khắc lịch sử về quyền cơ bản của con người. Đây không chỉ là sự ghi nhận các quyền tự do cơ bản của con người, mà còn là sự nỗ lực chung của toàn cầu trong việc tạo ra một tập hợp chung các giá trị nhân bản phổ quát trên khắp thế giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam được phân công là cơ quan điều phối trong thực hiện Kế hoạch tổng thể về triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc để tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, thông tin và giáo dục...
Tại tọa đàm, Đại diện UNDP tại Việt Nam, ông Dennis Curry khẳng định Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào hoạt động của hệ thống nhân quyền quốc tế, phê duyệt 7/9 công ước, tổ chức nhiều hội thảo về quyền con người và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc… Việt Nam chấp thuận và thực hiện nhiều khuyến nghị liên quan đến việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt vừa qua đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn.
Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam còn thông qua Bộ Luật hình sự sửa đổi và Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, tạo bước tiến tích cực trong việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Chia sẻ tại tọa đàm, sinh viên Học viện Ngoại giao Mai Ngân Hà cho rằng việc sửa đổi và ban hành Hiến pháp 2013 là nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Các quyền cơ bản của con người như học tập, tự do tín ngưỡng, thông tin… ngày càng được bảo đảm một cách đầy đủ hơn.
Đặc biệt, việc Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua quyền chuyển đổi giới tính, thừa nhận quyền của người chuyển giới, đồng tính... là bước tiến rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền của con người./.
Theo TTXVN