Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 26/5/2009 16:46'(GMT+7)

UNESCO đã chính thức công nhận thêm Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới

Vẻ đẹp thơ mộng của Cù Lao Chàm (Ảnh:dulichthienthai)

Vẻ đẹp thơ mộng của Cù Lao Chàm (Ảnh:dulichthienthai)

Từ ngày 21-29/5/2009, Kỳ họp thứ 21 của Uỷ ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MBA) của UNESCO nhóm họp tại Jeju- Hàn Quốc, thảo luận các hoạt động chung, đồng thời xét duyệt các hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cù Lao Chàm nằm cách Hội An 19km về phía biển Đông (thuộc xã đảo Tân Hiệp), gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, lớn nhất là Hòn La với tổng diện tích 15km2, là nơi có dân cư sinh sống với dân số 3.000 người thuộc các thôn Bãi Làng, Cấm, Bãi Oong và Bãi Hương. 85% thu nhập của dân đảo là từ nguồn lợi biển (đánh bắt thuỷ sản).

Cù Lao Chàm có 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước với sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Trong đó có 500ha rong, tảo, cỏ biển, 5 thảm cỏ biển, 8 thảm rong biển; 165ha san hô gồm khoảng 188 loài, 61 giống và 13 họ; khoảng 202 loài cá thuộc 85 giống, 36 họ. Sự đa dạng loài của các sinh vật đáy lớn bao gồm các loài thân mềm, loài giáp xác, động vật da gai và các loài giun nhiều tơ với mật độ trung bình 259 cá thể/400m2… Như vậy, hiện Cù Lao Chàm có gần 1.000 loài sinh vật sống trên và trong vùng nước quanh đảo.

Khu dự trữ sinh quyển quốc tế mũi Cà Mau có diện tích 368.321ha. Tại đây, có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nước ta và là nơi sinh sống của hơn 100 loài động vật quý hiếm.

MBA của UNESCO cho rằng bộ hồ sơ về Cù Lao Chàm của Việt Nam còn giải thích chưa rõ và điều chỉnh tiêu chí giữa Khu Di sản và Khu Dự trữ sinh quyển, nhưng các chuyên gia Việt Nam và một số nhà khoa học nước ngoài đã kịp thời bổ sung.

Việc Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, đồng thời đặt ra trách nhiệm rất nặng nề trong công việc gìn giữ, phát huy giá trị trong tương lai.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hội An cho biết: “Sự kiện này ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của chúng ta trong quá trình phấn đấu đảm bảo những tiêu chí qui định về Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Bằng mọi giá phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy Khu Dự trữ sinh quyển thế giới này, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống của thảm thực vật và các loài động vật quí hiếm ở đây”.

Cùng với Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau của Việt Nam, còn có 3 khu dự trữ sinh quyển của một số quốc gia khác được công nhận đợt này, nâng tổng số lên 22 khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

TG (theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất