Qua cầu Sông Đuống, xe dừng lại, tôi say mê ngắm hai bờ tả ngạn đang đổi thịt thay da nhanh chóng trong thời kỳ công nghiệp hóa. Tôi nhớ như in, năm 1948, nhà thơ tài danh Hoàng Cầm viết bài thơ “Bên kia sông Đuống” với những câu thơ nao lòng: “Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về Sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì/ Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…”. Hôm nay đây, sông Đuống rộn ràng những đoàn tàu chở cát, xi măng, vật liệu xây dựng… đến những công trường với hàng chục cần cẩu cao ngất đang hối hả ngày đêm; những đoàn tàu rẽ sóng ra sông Hồng đầy ắp hàng xuất khẩu, hướng về cảng Hà Nội, Hải Phòng sôi động. Những hình ảnh rộn ràng ấy, càng làm tôi xao xuyến với đoạn kết bài thơ: “Bao giờ về bên kia sông Đuống/Anh lại tìm em/ Em mặc yếm thắm/Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh nắng muôn lòng xuân xanh.”
Thưa nhà thơ Hoàng Cầm, hôm nay, tôi đang đứng bên hai bờ tả hữu dòng sông vừa vui tràn trề, vừa xót xa thầm lặng. Vui vì vùng đất này đang chuyển mình với sức xuân phơi phới, nhưng xót xa vì đại dịch COVID-19 vẫn đang ẩn náu, rập rình. Chính vì vậy, để bảo toàn sự an bình cho con người và cả vùng đất công nghiệp hóa này, các khu du lịch, bảo tàng, chùa chiền… tạm chưa mở cửa. Các “liền anh”, “liền chị” với yếm thắm, lụa hồng, khăn mỏ quạ, nón quai thao… chưa thể xuất hiện trong ngày Hội Lim truyền thống. Nhưng trong tâm khảm mọi người, những hình ảnh ấy như vẫn đang hiện hữu, là chất kết dính lòng người với vùng đất Kinh Bắc, tạo nên “sức mạnh mềm” trong thời công nghệ số.
Nhắc đến Bắc Ninh, trước hết nhiều người nhắc đến những dấu ấn lịch sử sống động truyền thống văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc Kinh Bắc được kết tinh trong những di sản văn hóa, các lễ hội dân gian. Đến nay, tỉnh đã nâng tầm giá trị “Dân ca quan họ Bắc Ninh” với 44 làng quan họ thực hành và hàng trăm câu lạc bộ quan họ tại các địa phương; có 1.589 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 4 di tích hạng quốc gia đặc biệt và 424 di tích cấp tỉnh, 4 di sản được UNESCO công nhận, trong đó 1 di sản văn hóa đa quốc gia, 2 di sản văn hóa đại diện nhân loại; 8 lễ hội làng nghề truyền thống được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là địa phương thứ ba xây dựng Văn Miếu với 677 vị đại khoa, chiếm 1/3 tổng số vị đại khoa của cả nước được vinh danh. Bắc Ninh, nơi có thành cổ Luy Lâu, nơi Sĩ Nhiếp truyền bá Hán học; nơi có chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp là những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam. Cùng với các làn điệu quan họ làm say đắm lòng người, Bắc Ninh còn có các làng nghề nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, làng gốm Phù Lãng, làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng rèn Đa Hội, làng đúc đồng Đại Bái, làng dệt Hồi Quan… Về Kinh Bắc, không thể không đến thăm các di tích lịch sử có tiếng như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - thờ thủy tổ Việt Nam; đền Đô - thờ 8 vị vua triều Lý; đền Phụ Quốc, đình làng Đình Bảng, chùa Cổ Lũng – mỗi di tích mang trong mình sức sống văn hoá bền lâu. Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, nhưng Bắc Ninh có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Sức mạnh của văn hóa tinh thần đã góp sức tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong hơn 35 năm đổi mới đất nước. Năm 2020, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước bùng phát đại dịch COVID-19 với tốc độ chóng mặt. Thêm một lần, con người Bắc Ninh được thử thách tột cùng về ý chí kiên cường; sự năng động, sáng tạo được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ. Với truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “trong cái khó ló cái khôn”…, cùng với sự giúp đỡ kịp thời của các bộ, ban, ngành ở Trung ương; sự cổ vũ của đồng bào, đồng chí cả nước, Bắc Ninh đã trụ vững, cho đến nay, đã và đang đưa cuộc sống trở lại “trạng thái bình thường mới”!
Tại trụ sở Tỉnh ủy, vào giờ ngọ, tôi may mắn được gặp Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan vừa đi tiếp dân buổi đầu năm về. Trong câu chuyện tâm tình, cởi mở, tôi hiểu niềm vui và nỗi băn khoăn cứ đan xen trong tâm trí người lãnh đạo. Vui vì nhân dân thể hiện sự tin cậy, đã giải bày những vướng mắc trong thực thi chính sách an sinh xã hội; nhưng mặt khác cũng băn khoăn khi một số cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân chưa kịp thời; hoặc có người đã được trả lời và giải quyết thỏa đáng nhiều lần, nhưng vẫn chưa ưng ý. Tôi chia sẻ: trong một bó đũa đồ sộ, tránh sao lẫn dăm ba cây đũa lệch?! Vấn đề là ở chỗ, người lãnh đạo với phương châm “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân,” sẽ được dân tin, dân mến, cùng đồng cảm, sẻ chia… Chị đã nghĩ và đang làm làm như vậy, nên tạo được bầu không khí đoàn kết, tin yêu giữa các tầng lớp nhân dân với lãnh đạo các cấp.
Nói về khí thế lao động những ngày đầu năm, chị cho biết: đến ngày 8/2/2022, 90% số lao động ở các nhà máy, xí nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đã chính thức làm việc. Rất mừng là, những người đứng đầu các cơ quan sản xuất, đều thấu suốt phương châm: lao động đi liền với thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch. Sự phối hợp, liên kết của các ngành được triển khai ngay từ ngày đầu năm, nhằm tạo nên khí thế thi đua mới, chào mừng 25 năm tái lập tỉnh - một mốc son đáng nhớ trên chặng đường xây dựng tỉnh Bắc Ninh từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 77,3%. Nông - lâm nghiệp chỉ còn 2,7%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 14%/năm và quy mô kinh tế tăng nhanh, Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng cao của vùng kinh tế trọng điểm vùng Bắc Bộ, vùng Thủ đô. Những con số có sức cuốn hút tôi, vào năm 1997 tái lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Hồng và góp đóng góp không đáng kể (0,64%) vào GDP cả nước. Với sự năng động, quyết tâm bứt phá, Bắc Ninh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ…
Trong giai đoạn 2011 – 2021, với nền tảng của gần 15 năm trước đó, cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, đã tạo đà Bắc Ninh tăng tốc. Đến năm 2021, quy mô GDP đã tăng lên 227,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 9.878 triệu USD), gấp 5 lần năm 2020, gấp hơn 54 lần năm 1997; chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 6.398 ha; có 10 khu đã đi vào hoạt động; 21/35 cụm công nghiệp đi vào sản xuất. Tổ hợp Samsung quy mô lớn của thế giới, đã tạo ra “kỳ tích”, đưa Bắc Ninh có tên trên bản đồ thế giới về sản xuất hàng điện tử. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2021 đã tăng lên 1.500 nghìn tỷ đồng, gấp 13,5 lần năm 2010 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước.
Cùng với sự phát triển công nghiệp; các ngành thương mại, dịch vụ đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn; hoạt động ngoại thương có bước đột phá với việc thu hút vốn đầu tư từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 45 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch cả nước và đứng vị trí thứ nhất. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 20.000 tỷ, gấp 86 lần năm 1997; tỷ lệ chi bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong chi thường xuyên tăng từ 1,7% năm 1997, lên 7,9% năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người/năm gần gấp đôi bình quân cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển, có nhiều chỉ tiêu đứng đầu cả nước; thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và tiến bộ công bằng, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 10,35% năm 1997, đã giảm xuống còn 1,15% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Hoạt động thông tin truyền thông được coi trọng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng thành phố thông minh được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Giáo dục, y tế có bước tiến mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng…
Nhấn mạnh những thành tựu to lớn nói trên, trong Báo cáo tổng kết 25 năm tái lập tỉnh, đã chỉ rõ các hạn chế, thiếu sót. Đó là, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng còn thiếu ổn định, kinh tế phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu của ngành điện tử. Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu chưa ổn định, hiệu quả chưa cao. Các ngành dịch vụ, thương mại chưa tạo đột biến để gia tăng tỷ trọng. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư công, tài chính… tại một số nơi có mặt bất cập. Quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, phát triển đô thị còn hạn chế. Hoạt động của lực lượng y tế cơ sở chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mực. Vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, tận tuỵ, tiên phong trong công tác và lối sống…
Chia sẻ với Chị, tôi nói mấy câu có phần “hình tượng”: “Chị à, nước Sông Đuống, sông Cầu có lúc đầy, lúc cạn; có bên lở, bên bồi. Vấn đề là ở chỗ, người lãnh đạo biết nắm bắt kịp thời hiện tượng, tổng kết tìm ra quy luật, hiểu thấu cái chủ quan và khách quan, để điều chỉnh dòng sông tự chảy theo dòng chính, đều đặn tải phù sa bồi đắp bãi bờ, làm xanh thêm bãi mía, nương dâu và những cánh đồng đang gieo trồng giống mới. Cái đáng sợ của người “cầm chịch” là, chỉ vui nhìn trời cao xanh và mùa vàng mát mắt; chỉ thấy những khu công nghiệp nối nhau mở rộng quy mô, mà quên nhìn ra các rào cản nảy sinh từ thực tiễn sản xuất bộn bề và đa dạng. Tôi mừng là, trong báo cáo tổng kết 25 năm tái lập tỉnh, chúng ta đã có tầm nhìn khách quan, toàn diện, chỉ rõ ưu điểm, thiếu sót cùng nguyên nhân…”
Vì lẽ đó, tôi có niềm tin sâu sắc vào bước phát triển mới đầy ấn tượng sau dấu mốc lịch sử quan trọng này của Bắc Ninh - vùng đất Kinh Bắc thân thương của cả nước!
PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh