Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 27/5/2011 22:0'(GMT+7)

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

* Từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều đề tài khoa học công nghệ vào lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi, không những mở rộng diện tích mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm một cách bền vững. Điển hình là hơn 40.000 ha các loại cây trồng vụ Đông Xuân đều đạt hiệu quả cao, trong đó có khoảng 20.000 ha lúa nước 2 vụ. Hàng trăm công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng, các loại giống mới cũng được nhanh chóng đưa vào thay thế cơ cấu giống cũ, thoái hóa.

Dự án phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao đã được ứng dụng đưa vào gieo cấy hơn 85% diện tích ở vùng trọng điểm Ayunhạ, chi phí sản xuất lúa trong vùng dự án giảm bình quân 20% nhờ bón phân cân đối, lượng phân bón giảm, số lượng giống gieo sạ giảm 50%. Trong khi đó, năng suất lại tăng cao hơn so với giống cũ từ 20% - 25% và giá bán sản phẩm cũng cao hơn từ 10% - 15%. Dự án cải tiến nâng cao chất lượng đàn bò, mỗi con bò lai có trọng lượng bình quân cao hơn bò địa phương là 40kg, nên giá trị tăng cao hơn từ 1,2 - 1,4 triệu đồng, với tổng số trên 12.000 con bê lai ra đời, giá trị sản phẩm tăng thêm được từ 14 - 16 tỷ đồng...

* Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng ngày một nâng cao. Tỉnh quan tâm việc đưa các giống mới và công nghệ sinh học vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tiêu biểu nhất là đề tài "Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê vối của tỉnh Đắk Lắk" đã tạo được sự đột phá bằng phương thức sản xuất tiên tiến, đem lại hiệu quả nhiều mặt. Từ việc áp dụng thành công kết quả của đề tài nghiên cứu và ứng dụng thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng vườn nhân chồi ghép các dòng cà phê vối (Rubosta) chọn lọc, cung cấp trên 1,2 triệu chồi ghép đủ tiêu chuẩn để ghép cho 6.000 ha cà phê cần phải cải tạo, tương ứng với 400 ha cà phê quy đông đặc. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ghép chồi cà phê của dòng vô tính chọn lọc, đã tạo được những vườn cà phê năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có khả năng kháng bệnh rỉ sắt là loại bệnh nguy hiểm đối với cà phê. Đến năm 2011, toàn tỉnh có 55.000 ha cà phê cải tạo và trồng mới bằng ghép chồi với dòng chọn lọc có những đặc điểm ưu tú, góp phần đưa năng suất cà phê của địa phương đạt bình quân trên 2 tấn nhân/ha.

Trong quá trình phát triển sản xuất và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình bón phân hợp lý, phù hợp với đặc điểm đất đai và điều kiện sinh thái các tiểu vùng. Qua việc áp dụng bón phân cân đối, đã giúp nông dân tiết kiệm được 10% chi phí đầu tư phân bón. Với công thức bón 250 kg đạm Ni tơ, 80 kg lân và 275 kg Kali trên diện tích 1 ha cà phê trên nền đất đỏ bazan đã đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cây cà phê để đạt năng suất từ 3 đến 3,5 tấn sản phẩm. Việc áp dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cơ sở dự báo và phun thuốc cục bộ có tác dụng hạn chế bệnh rỉ sắt, góp phần tăng năng suất cà phê khoảng 0,15 tấn nhân/ha. Gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã nghiên cứu thành công và đưa ra giải pháp đơn giản để phòng trừ nạn ve sầu hại cà phê, đang được nông dân và các doanh nghiệp áp dụng.

Qua thực tế sản xuất, việc xây dựng các xưởng chế biến cà phê ướt quy mô nhỏ trên dây chuyền nhập khẩu từ Nam Mỹ, có công suất phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình (600 kg quả tươi/giờ), tiêu thụ ít nước (1m nước/tấn sản phẩm) chỉ bằng 15%-20% lượng nước tiêu thụ của dây chuyền chế biến cà phê quả tươi do trong nước sản xuất. Nhờ áp dụng công nghệ chế biến cà phê ướt, chi phí sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm được cải thiện, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động.

* Việc chăn nuôi gia súc ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt; mặt khác sức kéo trâu bò trong sản xuất nông nghiệp đang giảm dần xuống hàng thứ yếu. Bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Nhà nước và các nguồn vốn khác, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai đã mua máy cày, bừa thay cho sức kéo truyền thống bằng trâu bò.

Theo ông Phạm Đình Quê, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai: Do thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và tăng trưởng đàn trâu bò. Vì vậy cần có phương án thay thế để thích nghi bằng cách định hướng cho bà con chuyển dần tập tục canh tác nông nghiệp truyền thống năng suất thấp, từ sử dụng sức kéo trâu, bò sang sức kéo của máy móc hiện đại.

Phòng Nông nghiệp huyện Sa Pa cho biết, việc chuyển đổi máy cày thay trâu, bò được nhiều gia đình nông dân ở 17 xã trong huyện nhiệt tình hưởng ứng. Chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp đã từng bước đưa nông nghiệp Sa Pa phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Với nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ bà con trong huyện hơn 150 chiếc máy cày, giúp người dân giảm chi phí, sức lao động, tăng năng suất cây trồng; tuyên truyền vận động người dân thành lập các tổ giúp đỡ nhau về sức kéo, tăng cường phục hồi sức khỏe cho đàn gia súc, đồng thời tiếp tục khuyến khích bà con mua máy móc để dần thay thế sức kéo của trâu, bò.

* Sinh ra và lớn lên bằng nghề nông, ông Nguyễn Văn Sáng (còn gọi là ông Tư Sáng) ở khu vực 4, phường 1, thành phố Vị Thanh ( Hậu Giang) hiểu rất rõ nỗi nhọc nhằn, cực khổ của người nông dân khi làm ra được hạt lúa. Có lần, khi mang lúa ra lò sấy, trong khi cào lúa trong lò, ông hít phải bụi quá nhiều về nhà sinh bệnh phải nhập viện nhiều ngày. Từ đó ông trăn trở, suy nghĩ tìm cách chế tạo ra một loại máy có thể thay thế cho sức lao động vất vả của nông dân. Chiếc máy xúc lúa trong lò sấy cùng hàng loạt những chiếc máy khác ra đời sau này của nhà phát minh nông dân Tư Sáng xuất phát từ suy nghĩ đó.

Mặc dù trình độ chỉ mới học xong lớp Nhất (tương đương với lớp 5 ngày nay) nhưng ông Tư Sáng rất chịu khó mày mò suy nghĩ, sáng tạo. Tháng 4/2007, vốn có chút ít kinh nghiệm từ nghề thợ hàn cửa sắt, ông nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy xúc lúa trong lò sấy đầu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử, chiếc máy đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như máy xúc cả lúa hạt lẫn bụi vào trong bao nên các thương lái không thích mua. Thế là ông lại tiếp tục mày mò nghiên cứu, chế tạo thêm hệ thống lọc bụi; máy chỉ xúc lúa vào bao còn bụi thì được hút sang một ống khác tách riêng, hạt lúa khi vào bao sạch hơn, đẹp hơn. Đến tháng 7/2007, chiếc máy xúc lúa trong lò sấy hoàn chỉnh ra đời. Với chiếc máy này, sau khi lúa được sấy xong chỉ cần 3 người làm việc, thay thế cho 9 người làm việc khi chưa có máy nhưng năng suất lao động lại tăng gấp đôi. Những công việc nặng nhọc, khó khăn nhất trong khâu xúc lúa đã được chiếc máy làm thay thế.

Chế tạo thành công máy xúc lúa trong lò sấy, ông Tư Sáng lại tiếp tục nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại máy khác phục vụ công tác sau thu hoạch như: máy cào lúa, máy xúc lúa đống trên sân. Đến nay, ông Tư Sáng đã có 5 sản phẩm bán ra thị trường, phục vụ sau thu hoạch thay thế sức lao động cực nhọc của nông dân. Đó là máy xúc lúa trong lò sấy, máy cào lúa trong lò sấy loại cào 1 lò, máy cào lúa 2 lò, máy cào lúa nhiều lò và máy xúc lúa đống trên sân. Từ khi chế tạo thành công chiếc máy xúc lúa đầu tiên, đến nay các loại máy mang nhãn hiệu Tư Sáng đã bán được trên 80 chiếc cho nông dân Hậu Giang và các tỉnh trong khu vực. Bình quân mỗi năm ông bán được khoảng hơn 20 chiếc, giá bán mỗi máy dao động từ 7 đến 18 triệu đồng. Hiện nay, ông Tư Sáng tiếp tục nghiên cứu để chế tạo máy cắt lúa gom thành mớ, phục vụ cho những miếng ruộng có diện tích nhỏ, bị ngập nước mà máy gặt đập liên hợp không hoạt động được và máy trộn trở lúa hạt trong lò. Dự kiến đến cuối năm nay, những sản phẩm mới này sẽ ra mắt và được đăng ký thương hiệu trên thị ttrường.

Tuy cơ sở sản xuất chỉ nằm gọn trong một căn nhà nhỏ trên đường Đồ Chiểu, thành phố Vị Thanh, nhưng ông Tư cho biết nếu có thêm nhiều khách hàng, ông sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất. Cái khó lớn nhất của sản phẩm Tư Sáng hiện nay là mặc dù nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm là rất lớn nhưng chỉ có ít nông dân biết đến sản phẩm của ông vì chưa được quảng bá giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với những phát minh sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, ông Tư Sáng đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thưởng “Sao Thần nông”…

* Sau một thời gian tiến hành lai tạo, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) phối hợp với Trường đại học Cần Thơ, triển khai thực hiện dự án nhân giống lúa chịu được độ mặn 10%o, với tên gọi là lúa Sỏi. Hiện diện tích lúa gieo cấy phát triển khá tốt, hứa hẹn sự thành công, tạo bước đột phát trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất đa cây- con vùng đất nhiễm phèn, mặn ở |địa phương này.

Địa điểm thực hiện dự án trên đồng ruộng với diện tích là 400 m2, tại gia đình ông Trần Hoàng Văn, (ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân). Với 4 kg giống siêu nguyên chủng được lai tạo ban đầu trong phòng thí nghiệm của Trường đại học Cần Thơ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân, đã tiến hành sạ giống trước một phần và sau đó cấy mạ cùng thời điểm sạ phần còn lại để so sánh đối chứng. Thời gian gieo, cấy giống lần 1 là ngày 21/4, đến nay mạ và lúa đang phát triển khá tốt.

Theo quy trình sản xuất, từ 400 mét vuông, sau 45 ngày thì mạ sẽ được nhổ để cấy ra diện tích 4.000m2. Để sản xuất lấy giống lúa Sỏi nhân rộng trong vụ mùa 2011 – 2012 cho các xã vùng chuyển đổi, đất thường có độ mặn cao, không thể sản xuất mô hình luân canh lúa - tôm như trước đây mà phải ứng dụng theo cách làm trên. Tổng giá trị của dự án này là hơn 450 triệu đồng, đầu tư từ nguồn ngân sách huyện.

Hứa hẹn sự thành công của giống lúa Sỏi chịu được độ mặn cao, sẽ góp phần tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi sản xuất ở vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân. Huyện Hồng Dân có trên 20.000ha đất sản xuất lúa- tôm kết hợp. Khoảng tháng 9, 10 dương lịch hàng năm, ở khu vực này độ mặn tăng lên đến 10%o nên lúa không sống được. Hàng ngàn hộ dân ở đây buộc phải nuôi tôm quanh năm dù biết rằng sản xuất độc canh rủi ro cao, thiếu bền vững./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất