Tập trung phát triển công nghệ cơ bản, nâng cao năng lực nghiên cứu về công nghệ vật liệu là mục tiêu chính của Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu.
Giáo sư. TSKH Thân Đức Hiền – Chủ nhiệm Chương trình cho biết: Chương trình đã triển khai thực hiện 31 nhiệm vụ trong đó có 26 đề tài và 5 dự án sản xuất thử nghiệm. Mục tiêu Chương trình hướng đến là tập trung phát triển công nghệ cơ bản, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ trong nước về công nghệ vật liệu; nâng cao khả năng lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến công nghệ trong một số lĩnh vực như công nghệ điện tử, quang điện tử, vật liệu hợp lim chất lượng cao, vật liệu y sinh và vật liệu có cấu trúc nano, tạo cơ sở cho việc nhập, chuyển giao và phát triển công nghệ trong những lĩnh vực này; tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng và giá trị gia tăng cao…
Trong thời gian 5 năm (2006 – 2010), Chương trình đã hoàn thành 247 sản phẩm đáp ứng các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đã hoàn thành 247 sản phẩm trong đó có 112 loại vật liệu, 23 loại máy móc – thiết bị, 5 dây chuyền công nghệ, 134 quy trình công nghệ. Trong số các sản phẩm của Chương trình, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa, như: vật liệu polyme siêu hấp thụ nước, túi cao su trữ nước, đệm hơi, ống tuột, các loại vật liệu composit vật liệu polyme chất lượng cao, vật liệu gốm sứ, lõi neo cáp bê tông ứng lực, gối cầu cao su cốt bản thép, vật liệu fucoidan tinh chế, vật liệu kích thích sinh trưởng, vật liệu ứng dụng trong lĩnh vực chiếu sáng,… Một số sản phẩm của Chương trình như các cảm biến điện hóa, cảm biến khí, các vật liệu có kích thước nano ứng dụng trong lĩnh vực chiếu sáng, vật liệu xúc tác dùng cho việc tăng cường thu hồi dầu,… là những sản phẩm tiên tiến có giá trị gia tăng cao.
Chương trình đã huy động được sức mạnh của cộng đồng các nhà khoa học, dưới sự tham gia của hàng trăm tiến sỹ, thạc sỹ có trình độ chuyên môn cao từ 7 trường đại học, 10 viện nghiên cứu và 34 doanh nghiệp thuộc 7 Bộ, ngành. Việc thực hiện thành công các kết quả đề tài, dự án của Chương trình đã tạo ra các quy trình công nghệ tiên tiến, các loại vật liệu mới, các thiết bị khoa học với giá thành hạ,… Đó cũng là cơ sở, nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm cuối cùng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam./.
PV