Thứ Ba, 12/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 16/5/2011 22:1'(GMT+7)

Ứng phó với động đất, sóng thần: Nâng cao ý thức người dân

Bộ đội cơ động giúp dân sơ tán trong cuộc vận hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng ngày 15-5-2011

Bộ đội cơ động giúp dân sơ tán trong cuộc vận hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng ngày 15-5-2011

Qua những điều mà người dân Nhật Bản phải hứng chịu do thảm họa động đất, sóng thần xảy ra, có thể nói việc lắp đặt hệ thống cảnh báo loại thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp này đang là mối quan tâm rất lớn đối với Việt Nam nói riêng và nhiều nước trong khu vực nói chung.

Cảnh báo sóng thần được phát trên vô tuyến

Theo dự kiến, vùng ven biển miền Trung sẽ có 100 điểm cảnh báo sóng thần. Tại Đà Nẵng, khu vực “nhạy cảm” dễ bị ảnh hưởng nặng khi có sóng thần, trong tháng 4, 10 trạm cảnh báo cùng 2 cột cảnh báo tại đầu đường Hoàng Sa thuộc phường Mân Thái–Sơn Trà và tại Trung đoàn Thông tin 575 trên địa bàn Xuân Thiều–Hòa Hiệp Nam–Liên Chiểu đã hoàn thành. Ông Đỗ Phong Doanh, Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Đà Nẵng cho biết: Tại 2 điểm đầu tiên sẽ có ăng-ten thu sóng cao từ 30–35m, còn có hệ thống còi hú, công suất lớn như thời chiến tranh. Khi có nguy cơ sóng thần, các trạm này sẽ thu sóng, hệ thống còi sẽ báo động để người dân tắm biển, tàu bè, các gia đình ven biển biết, khẩn trương triển khai phương án phòng tránh. Tại 8 điểm còn lại, hệ thống sẽ phát âm thanh với các dữ liệu thông tin cảnh báo người dân, như sóng thần mạnh thế nào, bao lâu sẽ ập vào bờ biển, vùng nào ảnh hưởng mạnh nhất, cần di chuyển đến nơi có độ cao bao nhiêu mét so với mực nước biển... Nguyên tắc hoạt động của các trạm cảnh báo sóng thần dựa trên sóng vô tuyến. Tức là hệ thống đã được kết nối kỹ thuật với Viện Vật lý địa cầu Quốc gia - là đầu mối thông tin, có hệ thống cảnh báo sóng thần đồng thời có liên kết với hệ thống thông tin của các nước khác như Nhật, Mỹ để cập nhật tình hình động đất, dư chấn, sóng thần trên biển Đông. Qua phân tích dữ liệu, cường độ nếu thực sự có nguy cơ sóng thần, hệ thống dường như ngay lập tức được báo động đến các địa phương ven biển. Người dân sẽ có 30 phút để xoay xở khi sóng thần ập vào.

Theo Viên Vật lý địa cầu, qua các kết quả của các công trình nghiên cứu cụ thể cho thấy, vùng bờ biển Việt Nam có nhiều khả năng phải chịu sự tác động từ các vùng nguồn sóng thần nằm bên trong khu vực biển Đông. Mối hiểm họa của nước ta là máng sâu Manila ở vùng biển phía Tây Philippines. Máng sâu này gây ra những tâm chấn động đất rất mạnh và có khả năng phát sinh sóng thần lan qua biển Đông vào bờ biển miền Trung của Việt Nam. Kết quả tính thời gian lan truyền sóng thần cho thấy, sau khi phát sinh trên vùng nguồn này, sóng thần chỉ mất khoảng 2 giờ để tấn công vào bờ biển miền Trung. Các khu vực khác như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng có thể có sóng thần ở mức độ nhẹ.

Trước những nguy cơ sóng thần có thể xảy ra ở Việt Nam, cuối năm 2009, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần. Theo đó, kịch bản 4, động đất ở đới đứt gãy Manila (Philippines) 8,6 độ Richter là phương án được chọn để quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội cũng như có các phương án di dân khi xảy ra sóng thần. Khi đó, gần như toàn bộ vùng ven biển Đà Nẵng bị ngập lụt từ 100 - 200m tính từ bờ biển vào với độ sâu cao nhất tới 3m. Ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho rằng: Mặc dù ở Việt Nam chưa xuất hiện sóng thần song qua một số trận động đất gần đây, khả năng xảy ra sóng thần ở Việt Nam là không loại trừ. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 25 kịch bản sóng thần có thể diễn ra là quá ít ỏi so với số lượng hàng hàng nghìn kịch bản mà các quốc gia khác đã xây dựng.

Sóng thần có thể ứng phó nếu ý thức người dân cao

Ông Phương cho rằng, có thể chủ động ứng phó được với thảm hoạ sóng thần. Hiện hệ thống máy móc báo tin động đất ở nước ta đã được kết nối với hệ thống quốc tế. Theo đó, khi có thông tin về động đất có khả năng xảy ra sóng thần trên khu vực biển Đông và ven biển Việt Nam, các thông số của động đất quan trắc được nhập vào hệ thống, công cụ tính toán của hệ thống sẽ tự động lựa chọn kịch bản động đất gây sóng thần gần nhất với trận động đất thực và đưa ra các bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần tương ứng. Từ đó có thể nhanh chóng xác định được các khu vực có khả năng chịu thiệt hại do sóng thần. Cũng trên cơ sở đó sẽ đưa ra các bản tin cảnh báo sóng thần và các biện pháp ứng phó tương ứng. Tuy nhiên, ông Phương cũng bày tỏ: Vấn đề hiện nay là chúng ta phản ứng thế nào khi nhận được thông tin cảnh báo được đưa ra.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thừa nhận: Chúng ta đã quá lúng túng khi đối phó với động đất vào năm 2005, từ Trung ương đến địa phương, sau khi nhận tin báo đã không biết làm gì, làm thế nào. Do vậy, điều cần phải thực hiện ngay là các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn kiểm tra quy chuẩn tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng, diễn tập tình huống đối phó thiên tai. Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung cần kiến nghị để hoàn thiện, có cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin gửi các đơn vị liên quan một cách nhanh nhất khi có động đất, sóng thần xảy ra như điện thoại, fax, điện cơ yếu, thư điện tử, tin nhắn điện thoại di động...

Động đất, sóng thần là những thảm họa thiên tai khó chủ động ứng phó và gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, việc nâng cao ý thức người dân, tập huấn cho họ tự bảo vệ mình, tự ứng phó với các thảm họa thiên tai mới này là việc cần làm trước tiên./.

(Tuấn Cường/ĐĐK)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất