(TG) - Để phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải đổi mới tiếp cận chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế, đổi mới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và phát triển hệ thống y tế số.
Cho đến nay, các thành quả từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những xu hướng chuyển đổi số đã được ứng dụng hoặc thử nghiệm trên thực tế: từ phẫu thuật bằng robot; công nghệ in 3D trong y tế; ứng dụng SMAC đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y học: phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), phần mềm kết nối các máy xét nghiệm (LIS), phần mềm kết nối các máy chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (PACS), Telemedicine giữa bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên, Telemedicine và IoT ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe tại nhà, phần mềm chẩn đoán bệnh với trí tuệ nhân tạo …
Tuy nhiên, nhìn chung, những ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế ở nước ta còn rất hạn chế. Hiện nay, phần lớn các bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện nhưng hầu như mới chỉ kết nối trong mạng LAN, chưa kết nối internet nên không thể chia sẻ thông tin, hội chẩn từ xa. Mặt khác, phần mềm quản lý bệnh viện chủ yếu phục vụ mục đích quản lý nguồn thu, thuốc, vật tư, các thông tin từ người bệnh, chứ chưa được khai thác cho mục đích bệnh án điện tử, trí tuệ nhân tạo. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại tuyến xã và tại cộng đồng còn thiếu năng lực, hệ thống bác sỹ gia đình và phòng khám gia đình đã hình thành nhưng chưa có đủ nguồn nhân lực hỗ trợ và chưa có cơ chế thích hợp. Telemedicine, Mobile health, Y tế điện tử… còn rất yếu và chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Vậy làm thế nào để có thể triển khai thí điểm các ứng dụng của các xu hướng chuyển đổi số vào y học và hệ thống y tế trong bối cảnh Việt Nam?
Hiện nay, ngành Y tế nước nhà đang đứng trước nhiều thách thức lớn: Chuyển đổi dịch tễ học với gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ, xu hướng già hóa dân số, các bệnh dịch mới nổi hoặc tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu...Trong khi đó, hệ thống y tế chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với các vấn đề nêu trên. Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên quá tải trong khi hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất và cán bộ. Tác động bảo vệ tài chính của các chính sách y tế còn hạn chế. Phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh chưa hợp lý. Sự bất bình đẳng về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm dân cư, thiệt thòi đối với người nghèo, người có học vấn thấp và người dân tộc thiểu số gây bức xúc trong xã hội.
Song bên cạnh đó, cũng có rất nhiều thời cơ và thuận lợi để đầu tư phát triển y tế: kinh tế vĩ mô của đất nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng ở mức hợp lý tạo điều kiện để bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục tăng đầu tư cho y tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và những cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do tạo điều kiện cho ngành Y tế và người dân tiếp cận với những dịch vụ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội khu vực nông thôn cũng góp phần nâng cao đời sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân ở khu vực này, góp phần giảm tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền. Một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội có tác dụng định hướng và hỗ trợ cho phát triển y tế, nhất là phát triển công nghệ kỹ thuật cao, ngang tầm khu vực và quốc tế như: điều trị can thiệp, mổ nội soi, ghép tạng…
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thể hiện rõ nét nhất là việc Đảng ta ban hành Nghị quyết số 20 - NQ/TW ngày 25 - 10 - 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”.
Để phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải đổi mới tiếp cận chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế, đổi mới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và phát triển hệ thống y tế số. Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống các cơ sở y tế được quản trị và điều hành ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin mà cốt lõi là hệ thống SMAC (hệ thống bao gồm mạng xã hội và an ninh mạng; các thiết bị di động; phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây) và trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của hệ thống y tế.
Để phát triển hệ thống y tế số, trước hết phải tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông làm cho cán bộ, nhân viên y tế thực sự hiểu biết và có nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc điểm, những lợi thế cũng như cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó có cách tiếp cận chủ động với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo một cách phù hợp nhất, có những lựa chọn thông minh nhất cho từng kỹ thuật, từng tuyến y tế và từng cơ sở y tế cụ thể, để người dân tiếp cận sử dụng, để các ban, ngành nhận thức đúng, tích cực tham gia và tăng cường đầu tư. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế trên cơ sở của chuyển đổi số đồng bộ với đổi mới toàn diện đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại các trường đại học và cao đẳng y tế. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân người bệnh, người dân và cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế, cán bộ nhân viên y tế, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Đào tạo và đào tạo liên tục cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không những giỏi về chuyên môn, tinh thông kỹ thuật y học mà còn phải thuần thục các kỹ thuật công nghệ thông tin để cán bộ, nhân viên y tế nắm bắt và ứng dụng kịp thời các công nghệ thông tin dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trí tuệ thông minh (phẫu thuật robot, học sâu…), big data và kỹ thuật 3D trong y học… Phát huy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ y học gắn liền với xu hướng chuyển đổi số và hệ thống y tế số. Hoạt động nghiên cứu khoa học y học và phát triển công nghệ y học phải tạo ra được các sản phẩm thông minh, các thiết bị y tế thông minh và các phần mềm ứng dụng thông minh dựa trên nhận dạng các hành vi của người bệnh trong quản lý hệ thống y tế số, quản lý các cơ sở y tế, nhất là quản trị, điều hành hệ thống bệnh viện hiện nay ở nước ta. Cần đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế để xây dựng hệ thống quản trị thông minh đối với hệ thống y tế hiện nay, tạo ra các cơ sở y tế thông minh trong tương lai. Cùng với đó là những hướng dẫn về kỹ thuật, cơ chế, chính sách quản lý, quản trị, điều hành để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống y tế dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số.
Ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển hệ thống y tế số ở nước ta không chỉ có ý nghĩa trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin trong quản lý y tế nói chung; trong quản lý bệnh viện, quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế; trong cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, mà còn là cơ sở vững chắc cho phát triển mạnh mẽ và bền vững hệ thống y tế. Trên cơ sở đó, bảo đảm cho mỗi người dân Việt Nam được thụ hưởng dịch vụ y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả./.
GS.TS. Đào Văn Dũng
TS. Nguyễn Kim Phượng
____________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo in số 9/2018