Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 30/3/2011 17:24'(GMT+7)

Rác từ ý thức

Đừng để ý thức trở thành một thứ rác nguy hại.

Đừng để ý thức trở thành một thứ rác nguy hại.

Nếu ai đã từng nhìn thấy rùa Hồ Gươm nổi lên ngậm trong mồm xác con mèo chết thì không khỏi giật mình về ý thức giữ gìn môi trường sống, không khỏi lo ngại về nạn xả rác bừa bãi mà thủ đô Hà Nội từng nhiều lần tuyên chiến nhưng vẫn thất bại. Thực ra, không chỉ ở Hà Nội, mà nơi nào cũng vậy, mọi loại vật chất nếu biết xử lý, tái chế thì không có gì là rác. Chỉ có ý thức, nếu mỗi người không biết tự điều chỉnh, xử lý, mới trở thành một thứ rác nguy hại vô chừng.

Hà Nội từng có nhiều văn bản của các cấp, các ngành liên quan, từng nhiều lần hô hào ra quân tuyên chiến với nạn xả rác bừa bãi, nhưng dường như lần nào cũng “đánh trống bỏ dùi”. Phong trào tổng vệ sinh chung vào thứ Bảy, Chủ nhật không duy trì được. Có những nơi người dân tham gia tích cực nhưng chỉ được vài lần rồi cũng nản lòng, buông xuôi, thôi thì tự mình lo cho mình vậy.

Nhiều năm trước, Hà Nội được tài trợ một dự án phân loại rác, làm thí điểm ở mấy phường, ban đầu tỏ ra hiệu quả nhưng khi hết dự án thì tất cả lại trở về như cũ. Các dự án xây dựng bãi tập kết và nhà máy xử lý, tái chế rác cũng ở trong tình trạng tương tự, tức là có phát nhưng không động, hoặc có động nhưng nửa chừng nằm im do bất cập về quy hoạch địa điểm, về quy mô, vốn đầu tư… Tình hình ô nhiễm môi trường vì thế ngày càng bức xúc. Hành vi đổ rác thải, phế thải bừa bãi vẫn diễn ra thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc.

Có rất nhiều lý do và nghe ra đều xuôi tai cả. Chẳng hạn như người dân cho rằng thiếu thùng rác công cộng. Nhưng năm 2010, dịp chuẩn bị cho Đại lễ nghìn năm, Hà Nội cho lắp đặt hàng nghìn thùng đựng rác thì lại gặp phải sự phản ứng của chính người dân. Nhiều người kiên quyết không cho để thùng rác trước cửa nhà mình. Một số nơi chính quyền phải ra tay, chỉ định chỗ đặt thùng rác công cộng, và thế là chỉ sau vài ngày đã thấy thùng rác bị sứt mẻ, mất nắp, có nơi mất cả thùng rác.

Đây rõ ràng là biểu hiện của ý thức, của lối tư duy cá nhân, ích kỷ cao độ, không có một chút trách nhiệm nào với cộng đồng. Do cách nghĩ đó nên họ sẵn sàng phạm pháp, phá phách, trộm cắp tài sản công cộng, chứ xả rác bừa bãi đối với họ chỉ là “chuyện nhỏ”. Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy những người ấy mà vào ăn uống trong nhà hàng hay nơi công cộng sẽ thản nhiên vứt từ vỏ lon bia, xương cá, cho đến khăn giấy, tăm xỉa răng… vung vãi quanh chỗ ngồi. Về nhà, họ sẽ tranh thủ lúc nhập nhoạng mà ném túi rác ra lối đi chung, suỵt chó mèo đến cửa nhà khác làm bậy.

Về mặt vật chất, những hành vi như vừa kể là đổ trách nhiệm dọn rác cho người khác trong khi chính mình tạo ra rác. Tuy bẩn thỉu nhưng những thứ rác ấy còn xử lý được. Còn thứ rác trong ý thức của những người có hành vi ấy mới khó xử lý và nguy hại không chỉ đối với những người xung quanh, mà với chính những cá nhân chưa điều chỉnh, thay đổi được lối suy nghĩ ấy. Thật khó xử lý khi họ cho rằng đó là cách biểu hiện “quyền lực của đồng tiền”. Còn khó xử lý hơn nữa ở những người cho rằng đó là cách “trả thù” xã hội, và trong trường hợp này sự nguy hại là vô chừng.

Cổ nhân nói “Lành dữ do giáo dục mà nên”. Đối với từng cá nhân, sự giáo dục bắt nguồn từ gia đình. Trẻ con không bao giờ xả rác bừa bãi, thậm chí chúng sẵn sàng nhặt rác rơi bên ngoài bỏ vào thùng rác công cộng, nếu sau đó nhận được lời khen của người lớn, hoặc chỉ cần cái gật đầu đồng tình hay nụ cười tự hào của người làm mẹ, làm cha. Đối với người trưởng thành, ngoài ý thức cá nhân cần có ý thức cộng đồng, xã hội, nên cùng với giáo dục cần có cả chế tài xử phạt và việc này phải được thực thi nghiêm minh.

Còn rác còn xả bừa bãi. Ý thức của từng cá nhân và của cộng đồng chỉ thực sự chuyển biến khi trong nhà, người lớn làm gương và thường xuyên nhắc nhở con cháu không xả rác bừa bãi. Ở trường học là thầy giáo, cô giáo dạy bảo học sinh, bạn bè nhắc nhở, thi đua nhau. Trong các cuộc họp cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể cũng nên đưa vấn đề này ra thảo luận. Ra ngoài đường, ở nơi công cộng hay đi trên xe buýt… mọi người nên quan tâm nhắc nhở nhau. Có như vậy mới mong tới một ngày không còn tệ xả rác bừa bãi./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất