Chiều 3/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm xem xét đánh giá kết quả công tác chủ yếu tháng 3 và Quý I/2024, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và định hướng lớn công tác Quý II/2024.
Tham dự có: Phó Chủ tịch
Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn
Khắc Định, Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quý
I/2024, căn cứ tình hình thực tiễn, các cơ quan đã tham mưu, phục vụ tổ
chức thành công 2 Kỳ họp bất thường của Quốc hội, 8 phiên họp của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, thông qua và cho ý kiến đối với 2 luật,
4 nghị quyết của Quốc hội, 66 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận,
góp ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp
thứ 7, Quốc hội khóa XV; tổ chức thành công Hội nghị đạị biểu Quốc hội
chuyên trách và 5 Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Công tác tham mưu, phục vụ triển khai các hoạt động lập pháp tiếp tục
được ưu tiên, chú trọng, chất lượng tiếp tục được nâng lên, bám sát Kết
luận 19 của Bộ Chính trị, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2024, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, 19
nhiệm vụ lập pháp mới được bổ sung vào Kế hoạch số 81 nhằm kịp thời
triển khai các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cùng với đó là việc tham mưu, phục vụ triển khai tích cực hoạt động
của các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
tổ chức thành công phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ
31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị triển khai Nghị quyết số
969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải
trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Đồng thời tham mưu, phục vụ ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ
họp bất thường lần thứ 5 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia; việc sử dụng dự phòng chung, dự
phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai
đoạn 2021 - 2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn
Điện lực Việt Nam; 2 nghị quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 6 về nhân
sự.
Các công tác đối ngoại bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước được
triển khai một cách chủ động, tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh
vực, song phương và đa phương. Công tác đại biểu, công tác dân nguyện,
công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được triển khai thực hiện tốt,
ngày càng đi vào nề nếp.
Trong Quý II, các cơ quan của Quốc hội sẽ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu
trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 9 dự án luật, 1 dự
thảo nghị quyết; hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các báo cáo thẩm tra để
trình Quốc hội cho ý kiến về 11 dự án luật đã có trong Chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh.
Sau khi nghe ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
đánh giá cao trong tháng 3 và Quý I/2024, các cơ quan của Quốc hội đã
thực hiện khối lượng công việc rất lớn, khoa học; bám sát kế hoạch của
Đảng đoàn Quốc hội, đồng thời thực hiện linh hoạt các phát sinh. Công
tác của các cơ quan nhạy bén, sát với thực tiễn, bám sát chỉ đạo của Ban
Bí thư, đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động của Quốc hội triển khai toàn diện trong các lĩnh vực lập
pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; công
tác dân nguyện; đối ngoại; công tác tham mưu; giám sát, chỉ đạo hoạt
động của HĐND; tổ chức tốt các kì họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các thiết chế trong tổ
chức chính trị... Khối lượng, chất lượng các công việc đáp ứng yêu cầu
từ thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến đều
đánh giá cao và nhất trí cơ bản với báo cáo. Chủ tịch Quốc hội đề nghị
Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến phát biểu, rà soát lại tổng thể
toàn bộ những nội dung công việc từ nay đến hết tháng 4 và quý II/2024,
trong đó đặc biệt là những nội dung liên quan đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc
hội; rà soát, xem xét rồi đưa vào chương trình làm việc Phiên họp thứ
32, thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các văn bản pháp luật và văn bản có tính quy phạm pháp luật
cần rà soát đưa vào chương trình của Phiên họp thứ 32, Phiên họp thứ 33
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo một số nguyên tắc. Cụ thể, Chủ tịch
Quốc hội nhấn mạnh đến việc ưu tiên trước hết cho Kỳ họp thứ 7, những
nội dung chưa phải họp thì để lại sau. Tất cả các dự án luật và dự thảo
nghị quyết nếu như chưa có trong chương trình của Quốc hội quyết định
thì phải yêu cầu Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ trình để Ủy ban Thường vụ
Quốc hội xem xét qua Ủy ban Pháp luật để đưa vào chương trình kỳ họp.
Các Ủy ban của Quốc hội làm việc với các bộ có liên quan phối hợp với
Chính phủ, cơ quan hữu quan để xác định những nội dung cấp bách và đã
chuẩn bị hồ sơ thì đưa vào Phiên họp tháng Tư; nội dung chưa đủ điều
kiện thì đưa vào phiên họp tháng Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội tiếp tục
rà soát tất cả các nhiệm vụ liên quan đến đề án của Đảng đoàn, để dự
kiến đưa vào họp Đảng đoàn. Đối với một số dự án luật, dự thảo nghị
quyết có thể tổ chức thêm một số buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ trưởng các đơn vị, Chủ nhiệm các Ủy
ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng các Ban rà soát lại quy chế,
nguyên tắc làm việc; đồng thời lưu ý nội dung khen thưởng đột xuất công
tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị rà soát và
yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm quy định về thực thi công vụ.
Các cơ quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong mọi
mặt công tác, đồng thời tăng cường công tác phối hợp cả bên trong và bên
ngoài trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao./.
TTXVN