Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 29/4/2020 14:6'(GMT+7)

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ứng phó với dịch bệnh

(Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)

(Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẶT CHẼ SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Tại Canada, dịch COVID-19 đã lây lan tới ít nhất 600 viện dưỡng lão gây áp lực lớn đối với các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu của đại dịch.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các cơ sở dưỡng lão hạn chế người thăm sau khi hơn 140 cơ sở trên toàn quốc có người mắc COVID-19. Ông Trump cũng đề nghị các cơ sở này chia thành các khu vực dành cho người khỏe mạnh và người bệnh.

Còn ở tâm dịch châu Âu, Italy là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19, tỷ lệ tử vong của Italy ở mức 9%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày được cho là vì Italia có dân số già thứ hai thế giới sau Nhật Bản, với khoảng 23% người trên 65 tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng, yếu tố nhân khẩu học này là một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong ở Italia cao. Viện Y tế Quốc gia (ISS) cho biết, độ tuổi trung bình của người tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy là 78,5 và tuổi trung bình của người nhiễm là 63. Khoảng 98,8% người chết vì COVID-19 có ít nhất một bệnh lý nền, dựa trên nghiên cứu về 3.200 ca tử vong ban đầu ở nước này.

Thực tế cho thấy, người lớn tuổi (trên 60 tuổi) có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 3 - 20 lần so với người trẻ hơn.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong việc phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, người cao tuổi cần phải đưa vào diện ưu tiên trong mọi ứng phó với dịch bệnh, trong cung cấp thông tin, hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết.

Ngày 19-3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký văn bản số 1386/BCĐQG gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử. Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.

Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan có các hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và các đối tượng có nguy cơ khác.

Cụ thể, thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.

Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.

Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).

Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Người dân cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi, người mắc các bệnh không lây nhiễm. Thực hiện dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho các đối tượng người cao tuổi theo các hướng dẫn.

Báo cáo một số nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ “chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam quan tâm phối hợp hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh đối với đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật”

VÌ SAO NGƯỜI CAO TUỔI LẠI LÀ ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ CAO

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2019, số người cao tuổi là 11,4 triệu người, chiếm 11,9% dân số. Phần lớn số người khuyết tật là người cao tuổi, trong tổng số 3,27 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên thì có 2,36 triệu người cao tuổi khuyết tật, chiếm tỷ lên 72,2% tổng số người khuyết tật. Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện lên đến 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt khoảng 64 tuổi. Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa TW, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

Theo phân tích của các chuyên gia, tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể càng nhiều, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hoá còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp. Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, các hàng rào bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng rất kém, các mầm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn) thông qua đường hô hấp trên xâm nhập vào đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) dễ dàng và gây bệnh tại đó.

CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI NHƯ THẾ NÀO

Vậy người cao tuổi cần làm gì hoặc được chăm sóc như thế nào để có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý đường hô hấp.

Các chuyên gia cho rằng, người cao tuổi cần được biết về các bước tự phòng tránh và bảo vệ bản thân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Họ cần được cảnh báo về mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền từ trước (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…).

Trước tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, bao gồm điều trị đúng, đủ và hiệu quả các bệnh lý nền đang mắc, ví dụ kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch...

Ăn đủ chất, uống đủ nước: Người cao tuổi cũng rất cần ăn đủ chất, uống đủ nước, đôi khi chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo cũng làm cho cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch. Cảm giác khát của người cao tuổi gần như không có, do đó người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất 1,5-2l, không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hạn chế ra ngoài: Người cao tuổi cũng nên hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá khắc nghiệt (quá lạnh hoặc quá nóng), khi thời tiết thay đổi, khi có dịch bệnh đang lưu hành, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lan rộng, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị.

Môi trường sống cần thông thoáng: Môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, không khí nên được trao đổi, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

Tránh tập trung đông người, cần giữ vệ sinh chung: Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, người cao tuổi nên tránh nơi tập trung đông người ở không gian hẹp, nên sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

 Bộ Y tế đã đưa ra một yêu cầu quan trọng, đó là: “Người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian”. Lời khuyến cáo này cần được lan rộng trong cộng đồng và khuyến khích người dân nên thực hiện nghiêm túc.

Các phương tiện truyền thông cần đưa ra thông điệp dễ tiếp cận, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa, phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi. Phát huy vai trò của người cao tuổi thông qua Hội Người cao tuổi tại cơ sở, các câu lạc bộ, các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng để tuyên truyền, truyền thông tại cộng đồng về các khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch bệnh COVID, cũng như các cách thức phòng, chống dịch và tham gia vào việc phòng, chống dịch.

Tại các trung tâm bảo trợ xã hội có người cao tuổi cần phải đặc biệt chú ý đến người cao tuổi hơn nữa đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc trong thời gian này.

Cần chú ý và quan tâm đến người cao tuổi sống một mình, có bệnh tật, người nghèo, khuyết tật…), vì trong bối cảnh bệnh tật và hạn chế đi lại, họ sẽ bị cô lập, thậm chí cần phải cung cấp cả thiết bị để họ tiếp cận thông tin.

Ở Việt Nam, do đặc điểm văn hóa, rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn sống chung nhiều thế hệ cùng với con, cháu. Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ những người này đầu tiên phải từ gia đình. Những người trẻ và khoẻ mạnh trong gia đình cần biết rõ về mọi điều cần làm để bảo vệ người có yếu tố nguy cơ. Con cái, thành viên gia đình cần tăng cường quan tâm người cao tuổi, thăm hỏi, động viên, chăm sóc để người cao tuổi tránh bị cô lập và sợ hãi.

Dhruv Khullar, nhà vật lý học và chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Y Weill Cornell ở New York, nói rằng khoảng thời gian cách ly ngắn có thể gây ra chứng lo âu hoặc cảm giác tuyệt vọng “trong vài ngày”. “Chúng ta tiến hóa để trở thành chủng loài có tính xã hội. Trong suốt lịch sử của nhân loại, con người đã luôn được đặt trong các cấu trúc gia đình, trong các nhóm, chúng ta tiến hóa thành chủng loài dựa trên sự tương tác với những cá thể người khác” - ông Khullar nói - “Bởi vậy, khi chúng ta không được tiếp xúc xã hội, điều đó tạo nên khoảng trống lớn”.

Ông Khullar nhận định, người lớn tuổi - những người chịu rủi ro lớn nhất từ COVID-19 - có thể không rành về công nghệ, và có ít lựa chọn giao tiếp xã hội hơn. Nhiều người trong số họ không biết sử dụng hội thảo trực tuyến hay thậm chí nhắn tin qua di động. Bởi vậy, cộng đồng cần quan tâm hơn tới nhóm người này./.

1. Bố trí chỗ ở cho người có nguy cơ cao

Cụ thể, cần tránh xa đường đi thẳng từ cổng vào nhà. Nếu có sân sau, nên bố trí phòng có cửa sổ mở ra sân sau. Nếu nhà nhiều tầng, nên sắp xếp phòng ở trên tầng cao, có nhà vệ sinh riêng trong phòng, cửa sổ hoặc lan can có nắng có gió. Dọn dẹp tất cả đồ đạc không cần thiết ra khỏi phòng, các vật dụng trong phòng nên có mặt phẳng trơn láng, dễ vệ sinh và tẩy trùng.

2. Dọn vệ sinh và tẩy trùng phòng ở, dụng cụ cá nhân… hàng ngày

Lưu ý tẩy trùng tất cả các vị trí tay người có thể chạm vào như nút tắt mở đèn, tay nắm cửa… bằng cồn 70 độ.

3. Trang bị đầy đủ vật dụng vệ sinh cá nhân cần thiết

Khu vực vệ sinh cá nhân cần được bố trí với đầy đủ xà bông, nước sạch, nước muối loãng để súc miệng… và hướng dẫn người có nguy cơ cách thực hiện. Cố gắng “thị phạm” người có nguy cơ thực hành rửa tay, súc miệng… để đảm bảo các động tác vệ sinh đúng và hiệu quả.

4. Người có yếu tố nguy cơ nên hạn chế tiếp xúc

Cụ thể, người có yếu tố nguy cơ ở trong phòng, không tiếp xúc với người ngoài, và hạn chế tiếp xúc cả với người thân nếu trong nhà có người phải đi ra ngoài, nếu cần tiếp xúc gần nên mang khẩu trang.

Lưu ý tránh tất cả nguy cơ lây nhiễm âm thầm (ví dụ mẹ ra ngoài về tiếp xúc với con, nếu bà tiếp xúc với cháu cũng là có một nguy cơ tiếp xúc).

5. Bố trí khu vực vệ sinh

Đối với nhóm có yếu tố nguy cơ, người nhà nên bố trí khu vực vệ sinh tại cửa vào hoặc ở phòng vệ sinh gần cổng vào nhất, sao cho người phải đi ra ngoài về có thể rửa tay, thay quần áo, bỏ khẩu trang… trước khi tiếp xúc với người thân trong nhà.

6. Chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị

Chuẩn bị thuốc uống để điều trị bệnh nền đầy đủ, gọi điện thoại cho bác sĩ trước khi đến khám định kỳ để đến nơi là vào khám ngay, tuân thủ đầy đủ mọi quy tắc an toàn của cơ quan y tế.

Lưu ý việc lây nhiễm trên đường đi: hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

7. Tăng cường sức khoẻ

Biện pháp tăng cường sức khỏe quan trọng nhất là uống đủ nước, thức ăn tuỳ ý, nhưng phải cân đối hợp lý, nhiều rau xanh trái cây, giảm các thức ăn khô, muối mặn, đồ hộp… Tập thể dục và tập thở hàng ngày.

8. Chú trọng các phương tiện giải trí và liên lạc: điện thoại, tivi, sách vở…

Điều duy nhất cần làm trong chống dịch chính là ngăn chặn sự lây lan. Cùng thực hiện bảo vệ mình, nhất là chú trọng bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ không chỉ là thể hiện tình yêu thương mà còn là trách nhiệm của chúng ta với người thân của mình, các bạn nhé. Nếu phòng bệnh thành công, sẽ không cần phải điều trị bệnh!

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất