Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 1/3/2014 14:46'(GMT+7)

Ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.                  Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp                 

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tính đến ngày 20-2, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 1,94% so với tháng 12-2013; huy động vốn tăng 0,83%. Hai tháng đầu năm: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 20,82 tỷ USD; xuất siêu khoảng 244 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-2 ước đạt 99.366 tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện lũy kế từ đầu năm đến ngày 20-2 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt hơn 1,539 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong hai tháng ước đạt 231 triệu USD, tăng 5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước...

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, ngành Ngân hàng sẽ dành khoản tín dụng nhất định cho chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm: tín dụng phục vụ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tín dụng vào mô hình sản xuất mới; Tín dụng phục vụ tăng trưởng xuất khẩu nông - thủy sản. Khoản tín dụng này có thời hạn vay, lãi suất phù hợp. Ðối với việc cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hiện mặt bằng lãi suất còn cao do tính trên mặt bằng lãi suất trước đây. NHNN cùng các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội đang xem lại, hướng sắp tới là tập trung vào một số chương trình thiết yếu, tập trung vào chương trình sản xuất của các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành nông nghiệp cần làm tốt việc dự báo, cập nhật thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu không chỉ lúa gạo mà cả các nông sản khác. Cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nông nghiệp phù hợp thị trường. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đồng tình đẩy mạnh việc giải ngân xây dựng cơ bản (XDCB). Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm lấy ý kiến đóng góp về phương án cho kỳ thi sang năm ngay từ khi nghỉ hè để học sinh có thời gian chuẩn bị; ngành Y tế làm tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em...

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của cúm gia cầm để người dân nhận thức rõ, từ đó góp phần giảm bớt tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Trước việc một số hãng sữa lớn tại Việt Nam đồng loạt tăng giá sữa cho trẻ dưới sáu tuổi vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc này có dấu hiệu các doanh nghiệp (DN) thỏa thuận, do vậy, đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cần vào cuộc làm rõ vấn đề này.

Trước đề xuất của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: Giữ nguyên hiện trạng cầu Long Biên, đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng TP Hà Nội nghiên cứu, tìm phương án khả thi nhất để xây dựng một cầu mới bên cạnh cầu Long Biên; giao các cơ quan chức năng Bộ Tài chính kiểm tra, làm rõ việc một số hãng sữa tăng giá các sản phẩm cho trẻ em gần đây; rà soát, kiểm tra, thẩm định thiết kế, độ an toàn của các công trình dân sinh, nhất là các cầu trên cả nước.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong hai tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc, có nhiều chuyển biến tích cực, là tiền đề thuận lợi thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Ðảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể nhân dân từ T.Ư tới địa phương đều quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người có công, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, bảo đảm người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Ðề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của T.Ư Ðảng, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB từ nguồn trái phiếu Chính phủ, NSNN, vốn ODA giúp các DN triển khai nhanh các dự án đầu tư, kể cả tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng, quyết định vào tăng trưởng kinh tế năm 2014 ngay từ đầu năm.

Thủ tướng yêu cầu NHNN tìm mọi cách phải khẩn trương ưu tiên thu xếp vốn cho thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Thủ tướng giao Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cùng Thống đốc NHNN sớm thống nhất ưu tiên tín dụng vào những lĩnh vực với chương trình cụ thể, có đối tượng cho vay, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại, phù hợp đặc thù quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng hỗ trợ nông dân; đồng thời ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều các tháng trong năm, không dồn vào cuối năm. Bộ Tài chính phối hợp NHNN chủ động, phối hợp chặt đưa vốn ra không để ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa, bảo đảm điều hành lạm phát thấp hơn (khoảng 6%), trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay.

Thủ tướng lưu ý, Thống đốc NHNN coi trọng ổn định tỷ giá ngoại tệ, tập trung xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém; phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); sớm giảm lãi suất cho vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ Công thương phối hợp Bộ NN và PTNT làm tốt việc thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân; nghiên cứu thay thế thức ăn chăn nuôi sử dụng nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu trong nước. Bộ Công thương phối hợp ngành ngân hàng nhân rộng mô hình bình ổn giá ở TP Hồ Chí Minh ra cả nước. Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung trọng tâm là công tác cổ phần hóa các DN này, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nỗ lực thu hẹp, kiểm soát không để dịch cúm gia cầm lây lan; giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; chú trọng công tác giảm nghèo, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác đối ngoại; bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; Bộ Công an kiên quyết trấn áp các loại tội phạm; hạn chế tai nạn giao thông; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả...

* Chiều 28-2, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Về những thắc mắc chung quanh cách tính diện tích chung cư, cũng như tính hợp pháp, hợp lý các văn bản của Bộ Xây dựng liên quan cách tính này đang được dư luận hết sức quan tâm, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Việc ban hành văn bản trên (Thông tư 16/2010/TT-BXD ban hành ngày 1-9-2010, Thông tư 03/2014/TT-BXD ngày 20-2-2014 của Bộ Xây dựng) đều phù hợp Hiến pháp, luật pháp, đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao như Luật Nhà ở (năm 2005), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2008), Nghị định 90/2006/NÐ-CP và sau là Nghị định 71/2010/NÐ-CP của Chính phủ, đồng thời căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, có tham khảo thông lệ các nước, bảo đảm quyền lợi hợp pháp các bên (DN, khách hàng). Trong quá trình áp dụng, việc nghiên cứu, sửa đổi để văn bản luật phù hợp thực tiễn là điều bình thường và cần thiết.

Theo các quy định hiện hành, các nội dung kỹ thuật chi tiết thuộc về lĩnh vực giao dịch dân sự thì Nhà nước không can thiệp. Ngay trong các hợp đồng mua bán nhà cũng ghi rõ, các bên tự lựa chọn phương pháp tính diện tích. Việc tính này không ảnh hưởng quy định đâu là diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng... Trên thế giới tồn tại rất nhiều cách tính diện tích (phủ bì, tim tường, thông thủy). Vừa qua, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03 để bổ sung thống nhất một cách tính (thông thủy) diện tích chung cư thay vì hai cách tính như Thông tư 16. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương sửa đổi Quyết định 08/2008/QÐ-BXD tính phí dịch vụ chung cư theo Thông tư 03 để quyền lợi của người dân được bảo đảm hơn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, vừa qua, có xảy ra tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, như trường hợp ở chung cư Keangnam (Hà Nội). Ðó có thể là do chủ đầu tư không minh bạch, mập mờ hoặc không giải thích rõ cách tính diện tích ghi trong hợp đồng. Hơn nữa, việc tuyên truyền giải thích các văn bản pháp luật chưa được làm triệt để. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, những hợp đồng mua bán nhà nào nếu phát hiện trái các quy định của pháp luật thì sẽ được xử lý nghiêm minh.

Về những thông tin dự án đường sắt đô thị trên cao ở Hà Nội có khả năng bị phạt vì chậm tiến độ, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án trong quá trình triển khai, khối lượng phải giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều và phức tạp, vướng mắc nhiều chỗ. Trước tình hình đó, TP Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án để tăng thời gian GPMB. Bộ GTVT đã làm việc với nhà tài trợ Nhật Bản để có thời gian GPMB. Hiện hai bên đang thảo luận chứ chưa có kết luận cụ thể nào, không hề có chuyện đền bù hay không đền bù...

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất