Dự án Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 điều; trong đó, có những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách an ninh mạng, nguyên tắc, biện pháp bảo vệ an ninh mạng, hợp tác quốc tế về an ninh mạng và các hành vi bị nghiêm cấm.
Ngày 27/9, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6 để đóng góp ý kiến về dự án Luật An ninh mạng.
Tham dự và chủ trì phiên họp có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Dự kiến trong 3 ngày làm việc (từ 27-29/9), các đại biểu sẽ tập trung nghiên cứu, thảo luận và xem xét, cho ý kiến để dự án Luật An ninh mạng đang được hoàn thiện và trình Quốc hội sớm thông qua.
Dự án Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 điều; trong đó, có những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách an ninh mạng, nguyên tắc, biện pháp bảo vệ an ninh mạng, hợp tác quốc tế về an ninh mạng và các hành vi bị nghiêm cấm.
Trong tờ trình Quốc hội về Dự án Luật An ninh mạng của Bộ Công an nêu rõ cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng.
Mặt khác, việc ban hành Luật An ninh mạng cũng góp phần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm công tác an ninh mạng của Việt Nam có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế./.
(TTXVN)