Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 16/8/2008 16:40'(GMT+7)

Vài nét về hoạt động định hướng dư luận xã hội

1. Định hướng dư luận xã hội, một hoạt động quan trọng trong công tác tuyên giáo

Với tư cách là một hoạt động quan trọng trong lĩnh vực tuyên giáo, hoạt động định hướng dư luận xã hội là việc sử dụng các phương thức thông tin nhất định tác động vào các nhóm đề mang tính thời sự.

Ở đây dư luận xã hội được hiểu là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự”. Cách tiếp cận này cho thấy dư luận xã hội là hình thức tập hợp ngẫu nhiên ý kiến cá nhân thành những luồng ý kiến khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau cùng đánh giá, phán xét về một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng nào đó, nó có thể đúng, có thể sai, vì vậy người ta không thể dựa vào số đông người phản ánh làm căn cứ để kết luận sự đúng đắn của một vấn đề mà sự phản ánh đó bước đầu chỉ là sự bộc lộ của trạng thái tâm lý mang tính chủ quan của người đánh giá như tâm trạng, thái độ, tình cảm, mong muốn, nhu cầu… Các trạng thái tâm lý này luôn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, lối sống của người phán xét. Số lượng người tán thành hoặc phản đối nhiều hay ít về một vấn đề nào đó một mặt có ý nghĩa như là sự thể hiện thái độ, tâm tư, nguyện vọng của nhóm xã hội mang ý kiến đó, mặt khác nó thể hiện quan điểm cá nhân của họ được quy định bởi hệ thống giá trị, chuẩn mực, lối sống trong quá trình xã hội hoá mà họ được tham gia. Điều này nói lên rằng công tác nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội có vai trò hết sức quan trọng đối với qúa trình định hướng dư luận xã hội. Cái khó của việc sử dụng thông tin dư luận xã hội là ở chỗ phải có cơ sở khách quan cho việc lựa chọn và sử dụng một luồng ý kiến nào đó trong số các luồng ý kiến đa dạng và trái ngược nhau đã được thu thập, phân loại để đưa ra kết luận, loại bỏ yếu tố chủ quan trong các luồng ý kiến khác nhau, phân tích, so sánh đối chiếu một cách khoa học, tìm ra ý nghĩa thực của những luồng thông tin thu được. Sử dụng thông tin dư luận không phải là sự chấp nhận đa số ý kiến tán thành, ủng hộ hay phản đối một vấn đề nào đó mà điều quan trọng là dựa trên cơ sở nào để tìm hiểu, đánh giá đúng đắn nguyên nhân phát sinh các luồng ý kiến đó trong các nhóm xã hội khác nhau.

Mục đích của định hướng dư luận xã hội là  góp phần điều chỉnh hành vi, hướng tới làm thay đổi thái độ, nhận thức và hành động của các nhóm xã hội theo hướng có lợi cho một giai cấp nhất định. Vì vậy định hướng dư luận xã hội là một trong những hoạt động lãnh đạo chỉ đạo quan trọng thuộc về giai cấp và mang tính giai cấp.
Ở nước ta việc định hướng dư luận xã hội được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu và lý tưởng XHCN, hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Cấp độ định hướng dư luận.

Định hướng dư luận sử dụng các nguồn thông tin chính thống tác động đến cá nhân, nhóm và cộng đồng làm thay đổi nhận thức, thái độ của họ, tạo ra sự nhất trí và đồng thuận thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng đề ra, định hướng dư luận có phạm vi tác động ở 3 cấp độ: Cấp độ cá nhân, cấp độ nhóm xã hội và cấp độ cộng đồng. xã hội. Tuy nhiên sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối.

a) Định hướng ở cấp độ cá nhân là việc thông qua những phương pháp mang tính tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục tác động đến cá nhân làm thay đổi thái độ, nhận thức của họ theo hướng có lợi cho tập thể. Cá nhân vừa là chủ thể mang ý kiến,vừa là chủ thể nhận thức và phản ánh vào dư luận xã hội quan điểm, thái độ, phán xét của họ về những sự kiện xuất hiện liên quan đến trực tiếp hoặc gián tiêp đến lợi ích mà họ được hưởng. Cá nhân thường gắn mình với các nhóm xã hội và mang đặc trưng của các nhóm xã hội đó vì vậy so với một nhóm xã hội nhất định cá nhân vừa có điểm chung của nhóm đó vừa có điểm riêng đặc trưng của nhóm xã hội khác, ngoài ra cá nhân còn có những đặc trưng riêng có của mình.

Việc cung cấp thông tin, cơ sở chứng cứ, lý lẽ phù hợp với nhận thức của chủ thể có vai trò hết hức quan trọng trong quá trình chuyển đổi trạng thái nhận thức: từ không hiểu đến hiểu, từ chưa nhận thức rõ đến nhận thức rất rõ, từ phản đối đến tán thành …hoặc quá trình chuyển đổi trạng thái tâm lý : từ ghét đến yêu, từ không chấp nhận đến chấp nhận, từ không thích đến rất thích…Trên thực tế các cá nhân có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng nếu như họ được giác ngộ và ý thức rõ ràng về sự hy sinh đó…Ngược lại khi chưa có sự giác ngộ và ý thức rõ ràng về mục đích rất dễ dẫn đến sự chống đối bằng mọi giá. Định hướng ở cấp độ cá nhân cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể đặc biệt là các quan hệ về lợi ích

b) Cấp độ định hướng nhóm xã hội.

Các cá nhân luôn được gắn với một nhóm nhất định, chịu sự tác động, ràng buộc bởi các quy tắc, chuẩn mực của nhóm và tuân thủ các quyết định của nhóm xã hội đó. Có nhiều tiêu chí để xác định một nhóm xã hội, các ngành khoa học khác nhau tiếp cân dựa vào những đặc trưng cơ bản, trên cơ sở tính bền vững và tính tính tương đối đồng nhất của các cá nhân mà người ta có thể xác định những nhóm xã hội khác nhau ví dụ trong xã hội học có nhóm quy chiếu (nhóm thực, nhóm tượng trưng), nhóm sơ cấp, nhóm thứ cấp… Việc lựa chọn các tiêu chí xác định nhóm luôn phụ thuộc vào mục đích và tính chất của vấn đề cần nghiên cứu…

Khi định hướng dư luận trong nhóm xã hội thì việc thông qua những người có uy tín, địa vị cao trong nhóm có vai trò hết sức quan trọng. Ví dụ bí thư đoàn thanh niên định hướng dư luận cho đoàn viên, chủ tịch HPN định hướng dư luận cho hội viên, chủ tịch công đoàn định hướng DLXH cho công nhân…Những người đứng đầu tổ chức, đơn vị thường có vai trò định hướng rất rõ đối với các thành viên thuộc tổ chức của mình vì vậy việc trang bị cho người định hướng những thông tin có định hướng rõ ràng, chính xác, đầy đủ ý nghĩa về nội dung một thông điệp nào đó đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng là rất quan trọng.
Bên cạnh đó cũng cần đánh giá đúng mức mối quan hệ giữa những thành viên với thiết chế nhóm vì mỗi thành viên có thể tham gia vào nhiều nhóm trong cùng một thời điểm, những nhóm có lợi ích cơ bản và chủ yếu thường được ưu tiên tham gia nhiều hơn và nhiệt tình hơn trong kế hoạch hoạt động của cá nhân so với những nhóm khác.

c) Cấp độ định hướng cộng đồng (xã hội)

Định hướng cộng đồng có phạm vi tác động rộng hơn định hướng nhóm xã hội, là hoạt động định hướng mang tính chất liên nhóm, các thông điệp đưa vào quá trình định hướng thường mang lợi ích chung của cộng đồng, vì một mục đích chung liên quan đến cộng đồng. Phương tiện chủ đạo tham gia vào quá trình định hướng cộng đồng thường là báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, đây cũng là những phương tiện phổ biến có sức lan toả nhanh, có tác động trên diện rộng và trực tiếp đến các nhóm đối tượng khác nhau. Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông đại chúng, các loại ấn phẩm, xuất bản phẩm đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi cho công tác định hướng dư luận xã hội, những nội dung cần định hướng được chuyển tải dễ dàng hơn, dưới nhiều hình thức phong phú hơn nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra những khó khăn nhất định đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của quá trình truyền thông vì nếu sản phẩm truyền thông mang nội dung định hướng dư luận tốt sẽ tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Ngược lại nếu nội dung các sản phẩm truyền thông không mang tính định hướng rõ ràng hoặc tính định hướng về tư tưởng, về giá trị không cao sẽ có thể phản tác dụng việc định hướng dư luận thậm chí tạo ra những tâm trạng hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội vì vậy việc giám sát hoạt động truyền thông đang là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay.

3. Nâng cao hiệu quả của công tác định hướng dư luận xã hội

Hiệu quả của việc định hướng dư luận xã hội phụ thuộc vào việc nhóm định hướng nắm bắt và làm chủ dư luận xã hội, chủ động đến các sự kiện xã hội và dự báo được xu thế phát triển của các sự kiện xã hội đó (bao gồm các sự kiện xã hội đã, đang và sẽ nảy sinh). Vì vậy nhiệm vụ đánh giá đúng đắn cường độ, phạm vi tác động của các sự kiện xã hội đến các nhóm lợi ích có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác định hướng dư luận, nó giúp cho nhóm định hướng đưa ra những phương pháp định hướng phù hợp và có hiệu quả cao.

Công tác tuyên giáo và công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay đang có nhiều thuận lợi thể hiện ở chỗ bầu không khí dân chủ mở rộng ngày càng được nâng cao, sự đồng lòng, nhất trí trong các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được thể hiện rất rõ nét, những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật đang tạo ra những động lực mới cho sự phát triển toàn diện, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể quan trọng hơn, có uy tín ngày càng cao trong đời sống nhân dân. Báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, các ấn phẩm, xuất bản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú tạo điều kiện chủ động thông tin cho mọi người dân trong quá trình học tập, lao động và sản xuất.

Bên cạnh đó công tác định hướng dư luận xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng gặp không ít những khó khăn, đặc biệt dưới sự tác động của kinh tế thị trường, lối sống cá nhân ích kỉ, vụ lợi xuất hiện và đang len lỏi, thâm nhập vào các cá nhân, các nhóm xã hội. Sự phân tán về tư tưởng có dấu hiệu gia tăng, sự phân hoá về mức sống, về quan điểm, tư tưởng trong các nhóm xã hội, các giai tầng xã hội đang là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt trong nội bộ các nhóm, các tổ chức xã hội.
 Xét dưới góc độ của công tác tuyên giáo, việc sử dụng đội ngũ công tác viên, thông tin viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên và những người có uy tín trong cộng đồng trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng song vẫn còn nhiều điểm hạn chế về cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chính trị; về chất lượng và hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền; về trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong quá trình nắm bắt, phản ánh, định hướng các luồng dư luận xã hội cũng đang là những vấn đề cần xem xét, đối mới cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Trong công tác tuyên giáo hiện nay, việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội là rất quan trọng và cần thiết. Để làm được điều đó,công tác định hướng dư luận cần phải chú trọng đến những vấn đề sau:

Thứ nhất: Lãnh đạo các tổ chức, đơn vị trước hết phải nắm bắt kịp thời các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự liên quan đến tổ chức, đơn vị mình, các sự kiện, hiện tương liên quan đến lợi ích của giai cấp, quốc gia dân tộc cũng như nắm bắt và làm chủ được dư luận xã hội về sự kiện, hiện tượng đó để làm cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội.

Thứ hai: Đánh giá khách quan hệ quả và sự tác động của báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nhóm công chúng và dự báo được những phát sinh từ hệ quả tác động của báo chí. Những tình huống có thể phát sinh bao gồm cả những phản ánh tích cực hay phản ánh tiêu cực, đồng thuận hay không đồng thuận, ủng hộ hay phản đối … về một nôi dung thông tin nào đó được cung cấp đến công chúng .

Thứ 3: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, trong đó việc nghiên cứu cần phải làm rõ tính quy luật và những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh các luồng ý kiến khác nhau cũng như cơ sở khoa học để đánh giá, phán xét một luồng ý kiến nào đó, nâng cao vai trò chức năng dự báo, chức năng phản biện xã hội trong các nghiên cứu dư luận xã hội. Việc nắm bắt dư luận xã hội cần tuân thủ chặt chẽ các khâu, các công đoạn, các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khách quan và khoa học trong quá trình thu thập thông tin.

Thứ 4: Định hướng dư luận xã hội cũng là việc minh bạch hoá các nguồn thông tin, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt trong xã hội. Điều này cũng đòi hỏi đội ngũ công tác viên, thông tin viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên và những người có uy tín trong cộng đồng phải có năng lực nhất định trong việc phân tích đánh giá, phán xét các sự kiện xã hội, phân biệt rõ giữa DLXH và tin đồn cũng như những tác động tiêu cực của tin đồn trong đời sống xã hội. Nâng cao khả năng dự báo, tham mưu trong quá trình nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội./.


Ths. Nguyễn Mậu Việt Hưng
Viện NCDLXH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất