Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 2/8/2008 14:55'(GMT+7)

Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới hơn và quy định cụ thể hơn so với Luật Báo chí ngày 28/12/1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999.
Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí
Theo Dự thảo Luật, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật cũng như không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Dự thảo nêu rõ, báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng.
Phát triển toàn diện nền báo chí Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng và phát triển toàn diện nền báo chí Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời Nhà nước có chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động báo chí; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động báo chí; nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách trợ cước, trợ giá phát hành và chính sách hỗ trợ khác đối với báo chí phục vụ thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật quy định rõ, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí sử dụng thông tin được cung cấp phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Dự thảo Luật, báo chí bao gồm các thể loại: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Bộ  Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ báo chí cho hội viên; giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thông tin - báo chí.
Mời bạn đọc nhấn vào đây để xem toàn văn Dự thảo Luật và góp ý.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất