Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 28/11/2008 21:42'(GMT+7)

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Sáng nay (28/11) tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc Đối thoại lần thứ tư về phòng, chống tham nhũng với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế về chủ đề “Vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng”. Tham gia cuộc đối thoại có đại diện các nhà tài trợ nước ngoài; Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam cùng nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham gia đối thoại đánh giá cao Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của báo chí trong công tác tuyên truyền, phát hiện tham nhũng; đồng thời đề xuất các biện pháp để báo chí tham gia có hiệu quả hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là việc phân định rõ quyền và trách nhiệm của báo chí, tính công khai, minh bạch về cơ chế tham gia của báo chí vào phòng chống tham nhũng.

Bà Kegelin Mckenly, Tư vấn quốc tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, vai trò của báo chí phục vụ lợi ích của Việt Nam tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Việt Nam là tăng cường đào tạo các nhà báo và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả; tăng cường kỹ năng tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra thật chính xác, khách quan, vì thế đạo đức nghề nghiệp đối với các nhà báo là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay cả nước có 712 cơ quan báo chí, 15.000 nhà báo có thẻ hành nghề. Trong đó có hàng ngàn nhà báo chuyên viết về phòng chống tham nhũng. Một số bài viết phản ánh tiêu cực tham nhũng lớn, nổi bật là các sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang), Đồ Sơn (Hải Phòng)… đều được Chính phủ chỉ đạo làm rõ. Tuy nhiên, nhiều vụ việc vì không thu thập đủ chứng cứ, nguồn tin không xác thực, dẫn đến thông tin sai lệch, gây hậu quả xấu.

Các nhà tài trợ đặt vấn đề: Làm thế nào để báo chí Việt Nam tiếp cận thông tin về phòng, chống tham nhũng một cách thuận lợi; Việc các cơ quan nhà nước xử lý thông tin đăng tải trên báo chí như thế nào; Và mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản với báo chí ra sao; Thứ trưởng Đỗ Quỹ Doãn cho biết, cuối năm 2009 sẽ thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), sẽ quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của báo chí nhưng cũng phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng…

Sau khi nghe các nhà tài trợ cho biết, họ sẵn sàng tài trợ các cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài trợ để nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo viết về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời nêu kinh nghiệm của một số nước trong việc quản lý báo chí cũng như việc bảo vệ các nhà báo khi tác nghiệp, đấu tranh chống tham nhũng.

Kết thúc cuộc đối thoại, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nêu rõ: hệ thống pháp luật Việt Nam về báo chí và phòng chống tham nhũng đang từng bước hoàn thiện; nhiều thông tin trên báo chí về chống tham nhũng đều được các cơ quan nhà nước phản hồi.

Cũng tại cuộc đối thoại, Thanh tra Chính phủ đã thông báo về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ tháng 6/2008 đến nay; phương hướng nhiệm vụ chủ yếu của năm 2009; Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông báo về việc xử lý một số vụ án mà các nhà tài trợ quan tâm; vụ hai nhà báo đưa tin sai sự thật về vụ án PMU18 và vụ đưa và nhận hối lộ trong dự án hành lang Đông- Tây ở thành phố Hồ Chí Minh.

9 tháng của năm nay, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ 10 cuộc thanh tra (trong đó có 9 cuộc từ năm ngoái chuyển sang) đã phát hiện sai phạm tổng giá trị hơn 1.040 tỷ đồng; trên 45.000 USD Mỹ và việc sử dụng sai phạm 8.500 ha đất. Thanh tra ngành và địa phương cả nước phát hiện sai phạm trị giá hơn 1.000 tỷ đồng và việc sử dụng sai phạm trên 2.300 ha đất./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất