1. Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hòa Bình, Mai Châu được biết đến không chỉ bởi cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc Thái. Vốn là dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời, người Thái nơi đây tự hào là một tộc người có bản sắc riêng, phong phú, đa dạng, vừa mang những nét văn hóa truyền thống vừa có sự hòa nhập văn hóa khu vực. Nền văn hóa ấy ảnh hưởng sâu xa, thấm đẫm tới từng cá nhân trong cộng đồng người Thái, góp phần làm phong phú thêm giá trị cho nền văn hóa đa dân tộc ở miền đất này. Thực tế cho thấy do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do công tác tuyên truyền, cổ động về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách bảo vệ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn chậm đến được với người dân, dẫn đến trong cộng đồng dân tộc Thái còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Một bộ phận nhân dân còn thờ ơ, bàng quan với các chủ trương, chính sách văn hóa của Đảng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ văn hóa cũng như bộ máy quản lý văn hóa của huyện còn bộc lộ nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ làm CTTT chưa có đủ năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị BSVH dân tộc. Việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa là nhiệm vụ trọng yếu và mang tính chiến lược nhưng chưa được tổ chức triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhiều lúc chưa phù hợp với trình độ nhận thức và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, cá biệt có nơi còn coi nhiệm vụ giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, vì thế còn có tư tưởng “khoán trắng”, xem nhẹ hoặc bỏ trống nhiệm vụ này. Hơn nữa với sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thái nói chung, và người Thái ở huyện Mai Châu nói riêng đang bị mai một, pha trộn, lai căng, không còn giữ được bản sắc. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số cũng đang là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược được đặt ra đối với huyện Mai Châu, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng đều và vững chắc cho tỉnh Hòa Bình, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trước tình hình đó thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, nóng hổi trong giai đoạn hiện nay.
Qua gần 5 năm thực hiện, phong trào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở huyện Mai Châu bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định. Những kết quả đạt được trong xây dựng các mô hình văn hóa đã góp phần tạo nền tảng tinh thần cho xã hội, vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực để phát triển kinh tế. Huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy giá trị BSVH dân tộc, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết theo từng giai đoạn. Qua đó đã chỉ đạo các ngành chức năng thẩm định, thành lập “Câu lạc bộ bảo tồn và phát triển văn hóa Thái Mai Châu”, từ năm 2010 tới nay, đã mở được 06 lớp dạy và học chữ Thái cho 200 học viên, 01 lớp chế tác nhạc cụ khèn bè Thái cho 30 học viên, 01 lớp múa xòe truyền thống dân tộc Thái cho 100 học viên, 01 lớp hát khắp (hát đối đáp) cho 40 học viên, tổ chức thành công các lễ hội truyền thống như lễ hội “Xên Mường” dân tộc Thái, lễ hội “Cầu Tào” dân tộc Mông vào dịp đầu năm mới. Công tác giữ gìn, bảo vệ di tích Lịch sử trong toàn huyện, trong đó có 5 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận gồm: Hang Khoài (Xăm Khòe), Hang Chiều (Thị trấn Mai Châu), Hang Nhật, Hang Láng, Hang Mỏ Luông (Chiềng Châu) được quan tâm, phục vụ tốt cho việc giáo dục truyền thống cách mạng. Các giá trị văn hóa của đền thờ “Ông Tướng Sứ” tại xã Chiềng Châu được nghiên cứu, chỉ đạo và đang hoàn thiện Đề án đề nghị cấp bằng công nhận là di tích Lịch sử, văn hóa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hoạt động thăm quan, du lịch trên địa bàn. Các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của người Thái trong việc cưới, việc tang, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống và nét kiến trúc ngôi nhà sàn cơ bản đã được bảo tồn. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của CTTT, khẳng định giá trị to lớn của CTTT đã góp phần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc Thái trong các năm qua.
Trong nhiều năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, trong năm 2014, Huyện ủy Mai Châu đã chỉ đạo, triển khai Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, các thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng bổ sung, hoàn thiện phục vụ ngày càng tốt hơn sinh hoạt của cộng đồng. Đến nay, huyện có 01 nhà văn hoá trung tâm, 01 sân vận động, 01 sân khấu ngoài trời, và 02 nhà văn hoá cấp cơ sở (Nhà luyện tập thể thao Thị trấn Mai Châu và Nhà văn hóa, thể thao xã Tòng Đậu). Hệ thống thư viện gồm: Thư viện huyện có diện tích 196m2, được trang bị 7.850 đầu sách, 14 số báo và tạp chí các loại. 65 thư viện cơ sở là trường học, 22 tủ sách tại các bưu điện văn hóa xã, 23 tủ sách pháp luật, khuyến nông có đủ các đầu sách cơ bản, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và nâng cao kiến thức về mọi mặt cho nhân dân. Việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá làng, bản theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được các xã, các khu dân cư trong toàn huyện chủ động triển khai, thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 30/6/2014 toàn huyện đã có 113/137 làng, bản xây dựng được nhà văn hóa, đạt 82,48%. Trong đó, số nhà văn hóa có đủ diện tích phục vụ nhân dân trong dịp lễ tết, ngày hội mới chỉ đạt 40%, có 46/113 nhà văn hóa làng, bản được trang bị tăng âm, ti vi, loa, đài… từ chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa ở cơ sở. 100% đường huyện, đường liên xã, gần 60% đường nội làng, bản được cứng hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của cấp trên và nghị quyết của Huyện ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phần lớn những đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình. Thủ tục nghi lễ đám cưới được đơn giản hóa, không ăn uống kéo dài, tục thách cưới và các hủ tục rườm rà cơ bản được loại bỏ, tôn trọng tình cảm tự nguyện của các cặp kết hôn.
Việc duy trì nếp sống văn hóa ở các làng, bản, tổ dân phố cũng như trong các cơ quan, trường học, trạm y tế…trên địa bàn huyện Mai Châu đã được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong cơ quan, đơn vị được chú trọng và duy trì thường xuyên đã góp phần tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ nhân dân có tác dụng thúc đẩy sự phát triển KT - XH, giữ vững an ninh - quốc phòng. Ban chỉ đạo nếp sống văn hóa của huyện cũng đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế về nhận thức, về tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị, đồng thời đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển phong trào phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng cơ sở nên phong trào xây dựng đời sồng văn hóa ở Mai Châu ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Hoạt động của 475 tổ hoà giải ở các làng, bản và một số mô hình, phong trào dân vận khéo xuất hiện như: Phong trào chuyển đổi ruộng một vụ trồng cây có năng xuất cao (xã Cun Pheo), phong trào toàn dân tham gia cứng hoá giao thông nông thôn (xã Mai Hịch), phong trào vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (thị trấn Mai Châu), phong trào xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh (xã Nà Mèo), phong trào xây dựng nông thôn mới (xã Tòng Đậu), phong trào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc (xã Tân Sơn), phong trào xoá đói, giảm nghèo (xã Ba Khan)… đã đem lại nhiều hiệu quả cho xã hội.
Nhận thức sâu sắc vai trò của gia đình trong việc duy trì nòi giống, ổn định và phát triển xã hội, CTTT đã hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa đi vào chiều sâu và thiết thực hơn. Do có những định hướng đúng đắn phù hợp nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng và hiệu quả. Kết quả, phong trào: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” trên địa bàn huyện là một minh chứng cho sự nỗ lực đó, trung bình hàng năm có 65,66% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 30,28% số làng, bản đạt danh hiệu làng, bản văn hoá; 78,27% cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hoá và 83,83% các trường học đạt trường văn hoá.
Do làm tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nên tổ chức làng, bản đã có những chuyển biến tích cực, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được khơi dậy, phát huy; công tác an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn được củng cổ và ổn định. Vai trò của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín được phát huy hiệu quả. Đời sống, thu nhập của người dân địa phương ngày càng được nâng lên, đây cũng chính là điều kiện cần thiết để Mai Châu thực hiện tốt việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được triển khai sâu rộng và thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Từ đó đã tạo nên những bước chuyển biến đáng kể trong xây dựng môi trường văn hoá tiến bộ, giàu bản sắc; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu. Hiện nay, nhiều tục lệ lạc hậu đã giảm và cơ bản xoá bỏ. Lễ hội thực hiện đúng quy định, an toàn, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được bản sắc. Công tác bảo tồn các công trình văn hoá vật thể, phi vật thể đã tập trung quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, dân tộc.
Các tổ chức, cá nhân tích cực sưu tầm nét đẹp về phong tục, tập quán, trường ca, xây dựng sách văn hoá Thái Mai Châu, xây dựng khu trưng bày các hiện vật, cổ vật dân tộc Thái. Xuất bản tác phẩm sử thi Ẳm ệt luông, sưu tầm và biên soạn cuốn sách Lịch sử - Xã hội - Văn hóa người Thái Mai Châu. Từng bước hoàn thiện lễ hội “Xên bản, Xên Mường”, lễ hội “Chá Chiêng” và được coi là điểm nhấn văn hóa tiêu biểu của huyện. Thành lập câu lạc bộ bảo tồn và phát triển văn hoá Thái Mai Châu với hơn 30 thành viên. Khuyến khích nhân dân tự tìm hiểu, truyền cho nhau cách học, đọc và mở lớp dạy học chữ viết Thái. Tích cực tham gia chương trình bảo tồn tri thức bản địa vì sự phát triển bền vững miền núi. Việc dịch sách cổ, luật tục Thái được quan tâm, trong đó, tác phẩm “ẳm ệt Luông” đã ra mắt bạn đọc. Nghề thủ công truyền thống được duy trì, đặc biệt là dệt thổ cẩm đã tạo thành những sản phẩm hàng hoá được du khách trong, ngoài nước ưa thích. Công tác xây dựng, bảo tồn, giữ gìn các làng, bản du lịch văn hóa cộng đồng được huyện quan tâm đầu tư như: bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn... Tại các bản, làng này vẫn giữ được phong cảnh, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá, ẩm thực truyền thống. Với BSVH độc đáo, Mai Châu trở thành điểm du lịch được Tạp chí uy tín của Mỹ Business Insider bình chọn là một trong 10 điểm đến thú vị nhất thế giới sánh ngang với những địa danh nổi tiếng như Santiago (Chi Lê), Rio de Janeiro (Brazil)...
2. Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trên thực tế công tác tư tưởng nói chung, nhiệm vụ giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc Thái ở huyện Mai Châu nói riêng còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, thể hiện trên các mặt, đó là: Nhận thức của một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở về vị trí, vai trò của CTTT với việc giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc chưa thực sự sâu sắc và toàn diện. Công tác phổ biến các giá trị bản sắc văn hoá chưa được chú trọng đúng mức, chưa thực sự trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cấp, mỗi ngành. Nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách cho cấp uỷ đảng, chính quyền về nhiệm vụ phát triển văn hoá còn chậm và mang tính sự vụ.
Những vấn đề đặt ra của vai trò công tác tư tưởng với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình hiện nay là: cần giải quyết mối quan hệ giữa việc giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc Thái với sự nhận thức không đúng của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp về vai trò CTTT với giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hoá còn nhiều yếu kém. Giải quyết mối quan hệ việc giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Thái với việc đấu tranh phê phán, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời phản văn hoá đang tồn tại trong đời sống xã hội của dân tộc Thái. Giải quyết mối quan hệ giữa việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại; giữa văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại. Giải quyết mối quan hệ giữa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với sự phát triển KT - XH còn chậm, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại và phát huy vai trò của công tác tư tưởng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở huyện Mai Châu hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của công tác tư tưởng với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Trên cơ sở quán triệt những quan điểm định hướng, chỉ đạo của Đảng ta về giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc, huyện Mai Châu cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức hơn nữa về vai trò của CTTT với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị BSVH dân tộc. Chú trọng việc khai thác, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa truyền thống của người Thái, như: các giá trị vật thể và phi vật thể được thể hiện trong các di tích lịch sử văn hóa, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, dân ca, các loại trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử… Xây dựng kế hoạch cụ thể để duy trì và phát triển một số lễ hội đặc trưng của người Thái.
Hai là, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong việc nâng cao vai trò công tác tư tưởng với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền địa phương trong huyện cần xây dựng một hệ thống các thể chế, chính sách phù hợp tình hình thực tế để CTTT, các lực lượng làm CTTT phát huy vai trò của mình, đề ra các biện pháp tích cực, tạo sự liên kết chặt chẽ đồng bộ giữa các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc. Các cấp chính quyền có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng đã đề ra, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động, kịp thời xử lý, uốn ắn những sai phạm, đảm bảo mọi hoạt động luôn tuân thủ đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội phải làm tốt công tác vận động quần chúng, giải thích, động viên, thuyết phục, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, thực hiện nhiệm vụ chính trị do địa phương phát động. Trong quá trình tổ chức thực hiện ngoài việc phối hợp chặt chẽ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phải luôn đi sâu, đi sát phong trào của quần chúng, hướng dẫn, cổ vũ, động viên và khích lệ những nhân tố tích cực của phong trào, đồng thời quan tâm giúp các cơ quan Nhà nước thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng và tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, cần quan tâm đến nhu cầu, sở thích của đối tượng tuyên truyền như thích xem văn nghệ, thích chơi thể thao… để xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, có tính nghệ thuật nhằm vận động thuyết phục, thu hút được mọi đối tượng là đồng bào dân tộc tham gia. Công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, tránh tình trạng làm hình thức chiếu lệ, mang tính phong trào và phải tiến hành đồng thời nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như: tổ chức các đợt học tập, nghiên cứu nghị quyết, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; tổ chức tọa đàm trao đổi, hội thảo khoa học, tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân; giới thiệu các gương điển hình tiên tiến theo chủ đề “người tốt, việc tốt” trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức giao lưu, gặp gỡ lãnh đạo các cấp với đồng bào các dân tộc, tăng cường hoạt động của đội thông tin lưu động, loa phát thanh của các thôn bản.
Bốn là, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhất là cán bộ cơ sở ngang tầm nhiệm vụ. Cán bộ tư tưởng trong giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc là cán bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trình độ lý luận chính trị và tri thức khoa học; Có phẩm chất chính trị và đạo đức; Có năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Để có được những cán bộ tuyên giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong hình hình mới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần chủ động tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTTT đủ sức thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay. Hàng năm, trên cơ sở rà soát, đánh giá cán bộ, chọn cán bộ có khả năng, tố chất phù hợp với CTTT để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo là những người tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có lập trường, quan điểm tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách trong mọi tình huống, ra sức bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đưa công tác lý luận của Đảng vào phong trào quần chúng cách mạng, biến lý luận của Đảng trở thành lực lượng vật chất trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.
Bên cạnh công tác quy hoạch, đào tạo việc sử dụng cán bộ làm CTTT, cần khắc phục tình trạng thất thoát cán bộ là con em các dân tộc ở địa phương tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành chức năng nên có chính sách cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em các dân tộc có năng lực, trình độ, có cơ hội được rèn luyện thử thách trong môi trường thực tiễn, đóng góp những tri thức của mình phục vụ quê hương.
Năm là, tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tư tưởng tham gia tích cực vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Mai Châu. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các thiết chế tư tưởng, thiết chế văn hóa và các trang thiết bị. Tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ, triển khai thực hiện các dự án, công trình phục vụ hoạt động CTTT trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành tỉnh duy trì các hoạt động của: “Câu lạc bộ bảo tồn và phát triển văn hóa Thái Mai Châu”, lễ hội “Xên Mường” lễ hội “Cầu Tào”. Có kế hoạch tu bổ, bảo vệ 13 di tích Lịch sử, phục vụ cho du khách tham quan, du lịch, thông qua đó giới thiệu, quảng bá các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng dân tộc Thái tới du khách trong và ngoài nước.
Sáu là, tăng cường phối hợp công tác tư tưởng với công tác quản lý văn hóa để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”. Tăng cường phối hợp công tác tư tưởng với công tác quản lý văn hóa không những có ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái như đã phân tích ở trên mà nó còn góp phần đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, góp phần thực hiên thắng lợi phương châm “xây” đi đôi với “chống”.
Bảy là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, từng bước nâng cao đời sống cho các tầng lớp nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương cần phải có những định hướng chỉ đạo cụ thể, phù hợp, cùng với những giải pháp thiết thực đẩy nhanh phát triển KT - XH. Đưa sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cụm trung tâm xã, thị trấn, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, đảm bảo giao thông thông suốt, phấn đấu 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch, được sử dụng điện lưới quốc gia vào cuối năm 2015. Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ góp phần tích cực đến việc giáo dục tư tưởng cho đồng bào dân tộc và có ý nghĩa to lớn trong việc khôi phục và giữ gìn, phát huy BSVH dân tộc Thái.
Đây sẽ là những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền để đạt tới hiệu quả cao nhất trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa của Mai Châu trong giai đoạn mới.
Tống Đức Chiến