Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 24/8/2013 22:3'(GMT+7)

Vai trò của trí thức Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân

Khí thế vùng lên của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25/8/1945. (Ảnh: Tư liệu).

Khí thế vùng lên của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25/8/1945. (Ảnh: Tư liệu).

Bên cạnh sự chuẩn bị về nhiều mặt của Xứ ủy Nam Kỳ và tinh thần quyết không chịu làm nô lệ của đông đảo quần chúng nhân dân, thành công của cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn còn có sự đóng góp to lớn của lực lượng trí thức, nhân sĩ yêu nước...

Vào thời điểm đó, Giáo sư Trần Văn Giàu, với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã cùng các Xứ ủy viên bàn tính cặn kẽ, đưa ra những kế sách thích ứng với mọi hoàn cảnh cụ thể, nhằm tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời cố gắng không để cuộc đấu tranh lâm vào đổ máu, gây nguy hại cho nhân dân. Sài Gòn ở thời điểm đó đang có hàng vạn binh lính Nhật với trang bị vũ khí và các phương tiện nhà binh, mặc dù đang chờ quân Đồng Minh đến giải giáp, nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ phản kháng tiềm ẩn và những dã tâm khác.

Tháng 5/1945, Xứ ủy Tiền Phong (một tên gọi khác của xứ uỷ Nam Bộ), mặc dù chưa liên lạc được với Trung ương, song căn cứ vào nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 11/1939), trên cơ sở phân tích và dự báo tình hình thế giới cũng như trong nước, đã đề ra các nội dung cụ thể cho việc chuẩn bị khởi nghĩa. Do vị trí đặc biệt của khu vực Sài Gòn, Xứ uỷ Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng (sau này hợp nhất thành Xứ uỷ Nam Kỳ) đều xác định: nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn sẽ là lực lượng hạt nhân trong quá trình đấu tranh giành chính quyền tại chỗ, đồng thời quyết định tới việc cuộc khởi nghĩa nổ ra ở toàn Nam bộ; lực lượng trí thức và nhân sĩ yêu nước sẽ là những nhân tố tích cực góp phần vào thành công của cuộc khởi nghĩa...

Đồng chí Dương Đình Thảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, nguyên phát ngôn viên chính thức Trưởng Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris (1973) nhớ lại: Vào thời điểm ấy, trên mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn đã dấy lên nhiều phong trào tập hợp quần chúng, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của lực lượng trí thức Nam Bộ. Tháng 7/1945, đồng chí Lý Chính Thắng, một trí thức của Đảng Cộng sản đã vượt qua nhiều vòng vây nguy hiểm của địch về đến Sài Gòn, mang theo Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo. Trước đó, tháng 6/1945, đồng chí Dương Bạch Mai, lúc này đang hoạt động ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tình nguyện về tham gia phong trào tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Trước sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, Xứ uỷ Nam Kỳ dự báo cuộc khởi nghĩa sẽ có nhiều thuận lợi cho Cách mạng. Đồng chí Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp sau khi bàn bạc với các đồng chí trong Xứ uỷ Nam Kỳ đã quyết định: sau khi Tổng khời nghĩa giành thắng lợi, sẽ lấy tên “Lâm uỷ hành chánh Nam bộ” để đặt cho chính quyền cách mạng lâm thời.

Tình hình cách mạng khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn càng diễn biến nhanh chóng, sôi nổi, quyết liệt hơn sau khi bác sỹ Phạm Ngọc Thạch - người chủ xướng "Thanh Niên Tiền Phong" - tuyên bố công khai cùng nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Tranh thủ chớp thời cơ, Xứ ủy và Ban Cán sự thành phố Sài Gòn đã đưa những đảng viên là trí thức có năng lực đến với quần chúng để tuyên truyền, vận động, trong đó đặc biệt chú trọng đến lực lượng thanh niên yêu nước, học sinh - sinh viên, trí thức trong nhóm "Báo Thanh niên” do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ nhiệm.

Những cuộc gặp gỡ, tuyên truyền, vận động thông qua các hạt nhân là đảng viên trí thức đã lôi cuốn đông đảo thanh niên cùng hưởng ứng và đứng về phía những người Cộng sản, sẵn sàng hoạt động, đấu tranh theo yêu cầu của Đảng.

Sáng ngày 21/8/1945, Hội nghị Xứ ủy Tiền Phong quyết định thời điểm khởi nghĩa ở Tân An (nay là Long An) vào đêm 22 rạng 23/8/1945, đồng thời bàn những nội dung liên quan đến thời gian, cách thức tổ chức cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn; huy động lực lượng nông dân làm các “vành đai đỏ”; dự định nhân sự tham gia vào Lâm  ủy Hành chánh Nam Bộ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân...

Đêm 24/8/1945, lực lượng quần chúng (công nhân, nông dân, thanh niên) cách mạng Sài gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một đã tổ chức thành các đoàn, mang theo vũ khí (giáo mác, tầm vông vạt nhọn…) kéo vào trung tâm Sài Gòn bằng mọi phương tiện, tập trung tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Lực lượng đoàn viên  Công đoàn và Thanh niên Tiền phòng lúc này đã có mặt ở những địa điểm trọng yếu, sẵn sàng chiếm những mục tiêu đã định. Từ 19 giờ đến 22 giờ, lực lượng  khởi nghĩa đã tiến vào chiếm các điểm: Sở cảnh sát, Nhà Ga, Bưu điện, Nhà đèn... Tráng đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm dinh Khâm Sai, cờ Quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ Sao Vàng được kéo lên...

Cuộc chiếm “Soái Phủ Nam kỳ” hầu như không vấp phải sự kháng cự nào vì đa số các viên chức, trí thức trước đó đều đã được tuyên truyền, vận động tham gia vào tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Riêng tại sở Mật thám (Sở lính kín) Catinat, có sự chống cự yếu ớt, nhưng liền bị lực lượng khởi nghĩa của nhân dân đè bẹp.

Từ làn sóng thắng lợi ở Hà Nội, Huế và cao trào tại Sài Gòn dâng cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định Tổng khởi nghĩa Sài Gòn - Chợ Lớn nổ ra vào sáng sớm ngày 25/8/1945. Dưới sự huy động lực lượng của các tổ chức công khai và bí mật, trong đó có vai trò tuyên truyền, vận động, thuyết phục của lực lượng nhân sĩ, trí thức đóng chân trên Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận, cả triệu quần chúng đã ào ạt tiến vào trung tâm thành phố, với khí thế hừng hực quyết giành chính quyền cách mạng.

Sáng 25/8/1945 tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà (thuộc quận I - TP. Hồ Chí Minh ngày này) nhân dân đã tập trung đông đảo hưởng ứng cuộc Mít tinh lớn, cờ đỏ Sao vàng được kéo lên trong nền nhạc, lời bài hát Quốc Tế CaTiến quân ca vang dội. Cùng với cờ đỏ Sao vàng là những khẩu hiệu được trương lên tại nhiều khu vực trung tâm Sài Gòn: “Độc lập hay là chết", “Việt Nam độc lập muôn năm”, "Chính quyền về tay nhân dân”... đã tạo nên một khí thế chuyển động khắp cả thành phố Sài Gòn và lan truyền rộng ra nhiều vùng ở Nam bộ.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò to lớn của của lực lượng nhân sĩ, trí thức Sài Gòn. Từ việc quyết định công khai cùng nhân dân đấu tranh giành chính quyền, bất chấp nguy hiểm, lực lượng nhân sĩ, trí thức đã góp phần làm thổi bùng lên ngọn lửa và tinh thần quyết tâm đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lỵ miền Nam.

Bên cạnh đó, với sự tuyên truyền, vận động có lý có tình của những người Cộng sản trí thức, đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy "soái phủ Nam Kỳ". Đặc biệt, lực lượng “Thanh niên Tiền phong” và những người tập hợp trong nhóm "Báo Thanh niên” đã góp phần to lớn vào việc nêu gương, đi đầu trong các cuộc nổi dậy, vận động lực lượng thanh niên, học sinh - sinh viên tham gia đấu tranh cách mạng ngay từ khi cuộc khởi nghĩa mới bắt đầu nhen nhóm. Làm sóng sức mạnh từ nhân dân vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lỵ Nam Bộ làm nên thắng lợi của Tổng khời nghĩa Tháng Tám được bắt đầu từ những hạt nhân của lực lượng trí thức cách mạng.

Với tinh thần dân tộc, thông qua sự vận động, tuyên truyền của những trí thức cách mạng, khối đại đoàn kết của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ được củng cố, tạo nên làn sóng cách mạng to lớn, quyết định đến thắng lợi của Tổng khởi nghĩa.

Cũng từ công tác vận động và đầu mối tập hợp từ những người cộng sản và trí thức cách mạng, các tầng lớn nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đều nhiệt tình tham gia các hoạt động mít-tinh, biểu tình, diễu hành, cướp chính quyền một cách có tổ chức, phù hợp với từng bối cảnh cụ thể, nên không hề có đổ máu trong cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 25/8. Đây là điều mà Xứ uỷ Nam Kỳ đã bàn tính kỹ trước khi quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa. Điều này có giá trị to lớn trong bối cảnh ngay tại Sài Gòn thời điểm đó, một lực lượng lớn với hơn 3 vạn quân Anh, Pháp vào giải giáp vũ khí của hành chục vạn lính Phát xít Nhật./.   

Thạc sĩ  Phạm Bá Nhiễu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất