Tự hào là nơi ra đời Chi bộ Đảng của tỉnh Lai Châu, bản Lướt hôm nay vẫn
phát huy được truyền thống cách mạng từ sự tự vươn lên phát triển kinh
tế của người dân, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.
Cách thị xã Lai Châu chừng 100 cây số, bản Lướt (xã Mường Kim, huyện miền núi Than Uyên) như một “hòn đảo” nằm giữa những cánh đồng xanh màu lúa trù phú. Tự hào là nơi ra đời Chi bộ Đảng của tỉnh Lai Châu, bản Lướt hôm nay vẫn phát huy được truyền thống cách mạng từ sự tự vươn lên phát triển kinh tế của người dân, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.
Chúng tôi tìm đến nhà đồng chí Lường Văn Pâng, Bí thư Chi bộ bản Lướt không khó bởi con đường bê tông gần như dẫn đến cổng. Tự hào nói về những đổi thay ở bản mình, đồng chí Pâng cho biết: Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà bản Lướt giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, đường giao thông nội bản, trình độ nhận thức của bà con… tất cả đều có sự thay đổi. So với trước kia, bà con đã biết tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn vật nuôi phù hợp, làm cho kinh tế của bản ngày một khởi sắc hơn.
Vì lợi ích chung của người dân, bản Lướt đã lập ra những quy ước riêng về văn hóa, an ninh, trật tự. Qua đó ý thức của bà con được nâng lên, cùng nhau chung sức giữ bình yên, sạch đẹp bản làng. Bản Lướt có gần 150 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Hết năm 2012, toàn bản chỉ còn khoảng 30 hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu/năm. Hai năm trở lại đây, không có hộ nào sinh con thứ 3; trên 90% số hộ được công nhận là gia đình văn hóa; 80% hộ dân trong bản sử dụng các loại phân bón và giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng nên cho năng suất cao, đạt 65 tạ/ha; nhiều hộ tự chủ động mua các loại máy để cơ giới hóa nông nghiệp… Đây thực sự là những nỗ lực vươn lên của một bản vùng núi còn nhiều khó khăn.
Dưới sự dẫn dắt của Chi bộ bản, bà con còn biết tận dụng những diện tích đất trống để đào ao, thả cá, nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã xây dựng và coi mô hình VAC là mô hình kinh tế vững chắc. Đồng chí Bí thư chi bộ bản phấn khởi cho biết thêm: Chúng tôi luôn tuyên truyền đến các hộ gia đình. Hộ nào có kinh nghiệm nuôi, trồng thì hay chia sẻ cho các hộ khác. Bà con cùng giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế thì mới có thể làm giàu cho quê hương được. Hiện bản có trên 10 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 30 hộ khá, mỗi năm phấn đấu sẽ giảm 10 hộ nghèo trở lên.
Một trong những yếu tố quan trọng để bà con trong bản yên tâm làm kinh tế chính là cây cầu sắt vững chắc bắc qua sông Nậm Mu nối bản với quốc lộ 32. Cầu được đưa vào sử dụng năm 2007, bà con không phải lội suối như trước nữa. Bà Vàng Thị Say, người dân trong bản cho biết: Trước kia khi không có cầu, mùa mưa nước chảy siết, không ai dám qua. Từ khi Nhà nước dựng cho cây cầu sắt kiên cố này, mùa mưa đi lại cũng không sợ. Bà con dễ dàng vận chuyển nông sản cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Tất bật xếp những bao thóc ra ven đường để chờ thương lái từ huyện xuống thu mua, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của nông dân Hà Văn Pầng. Không vui sao được khi vụ vừa rồi gia đình anh thu về được nhiều thóc và ngô. Anh phấn khởi nói: Là nông dân có đất có ruộng mà không vận động chân tay thì không thể có ăn. Vụ vừa rồi cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn cách trồng giống lúa mới nên năng suất thu về cao hơn. Cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn trước, cũng đủ ăn và còn đủ mua những vật dụng thiết yếu…
Tới đây, khi gần 4km đường giao thông nội bản được nâng cấp, mở rộng theo chương trình nông thôn mới sẽ là cơ hội mới để bà con trong bản có điều kiện thông thương, buôn bán. Đồng chí Hoàng Văn Sam, Bí thư Đảng ủy xã Mường Kim nhận định: Là địa phương đầu tiên xây dựng nông thôn mới của xã Mường Kim, bản Lướt thực sự đã đổi thay rất nhiều, nhất là về kinh tế. Có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình phúc lợi được hoàn thành, các hoạt động cộng đồng được phát huy, qua đó góp phần xây dựng một bản làng cách mạng, bản làng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao./.
Quang Duy (TTXVN)