KHÁI NIỆM VỀ VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA ASEAN
Hiện
nay, khái niệm vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) vẫn chưa có sự thống nhất, nhất là trong giới nghiên cứu và phân
tích. Khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN được bắt nguồn từ khoảng
giữa những năm 90 của thế kỷ XX, song phải đến khi Hiến chương ASEAN ra
đời năm 2007 và có hiệu lực vào năm 2008, khái niệm vai trò trung tâm
ASEAN mới được pháp điển hóa trong Hiến chương. Trong đó, Hiến chương
ASEAN nêu rõ mục tiêu chính của ASEAN là “duy trì vai trò trung tâm và
chủ động của ASEAN như là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với
các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao
trùm”. Theo đó, “ASEAN sẽ là lực lượng chính trong các thỏa thuận khu
vực mà khối này khởi xướng và duy trì vai trò trung tâm của mình trong
hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng”(1). Cho đến nay, vai
trò trung tâm của ASEAN thường được gắn với các thuật ngữ, như “người
cầm lái”, “điểm tựa của các thể chế khu vực”, “người xây dựng đầu tiên”
và “người triệu tập” đối với các thể chế đa phương ở châu Á, hoặc là
“nhà lãnh đạo”, “trung tâm thể chế”, “đội tiên phong”, “hạt nhân”...
Các
học giả cũng có những quan điểm không trùng khớp nhau về việc nhìn nhận
vai trò trung tâm của ASEAN. Học giả Tan See Seng của Trường Nghiên cứu
quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Xin-ga-po cho
rằng, vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện ở chỗ khối này được nhìn nhận
với tư cách là một “người triệu tập”(2). Cựu Tổng Thư ký
ASEAN Rô-đôn-phô Xê-vê-ri-nô (Rodolfo Severino) nhận định, vai trò trung
tâm của ASEAN có thể được hiểu là “vai trò lãnh đạo”. Cùng quan điểm
này, nghiên cứu của Li Giôn (Lee Jones)(3) (Đại học London, Anh) và Ri-sác Xtúp (Richard Stubb)(4)
(Đại học McMaster, Ca-na-đa) coi vai trò trung tâm của ASEAN là khả
năng lãnh đạo việc thiết lập nền tảng cho sự tham vấn và ảnh hưởng của
khu vực, hoặc định hình cách thức thảo luận các vấn đề liên quan. Mê-ly
Ca-ba-lê-rô - An-tô-ni (Mely Caballero-Anthony)(5), Trường
RSIS (Xin-ga-po) cho rằng, vai trò trung tâm của ASEAN cần có sự ủng hộ
của các cường quốc. Đồng thời, ông nhấn mạnh các cường quốc châu Á -
Thái Bình Dương không có khả năng lãnh đạo các thể chế khu vực châu Á vì
thiếu sự tin tưởng lẫn nhau và thiếu tính hợp pháp, do vậy, ASEAN có
sức mạnh “triệu tập” các quốc gia trong khu vực.
Trong
khi đó, A-mi-táp A-cha-ri-a (Amitav Acharya), Đại học American, (Mỹ)
lập luận rằng, sự cạnh tranh giữa các cường quốc mới thực sự hỗ trợ cho
vai trò trung tâm của ASEAN(6). Đồng thời, trong nghiên cứu
khác, A-cha-ri-a cho rằng, ASEAN là “nguồn gốc” hoặc là nhóm khu vực khả
thi đầu tiên ở châu Á... và vai trò trung tâm của ASEAN có nghĩa là
ASEAN cung cấp “mô hình” cho các nhóm tiểu vùng khác nhau ở khu vực châu
Á - Thái Bình Dương và rộng hơn nữa(7). Tuy nhiên, Tan See
Seng cho rằng quan niệm về vị trí trung tâm của ASEAN trong chủ nghĩa
khu vực không phải do sức mạnh vật chất hay cấu trúc tổng hợp của các
quốc gia thành viên, mà do tổ chức hoạt động như một người triệu tập
và/hoặc thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Đông Á. Năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ
Hi-la-ry Clin-tơn mô tả ASEAN là “một điểm tựa cho cấu trúc khu vực mới
nổi (châu Á) của khu vực”(8).
Từ những thành quả đạt được, ASEAN đã cụ thể hóa vai trò trung tâm của khối trên năm khía cạnh:
Một là,
vai trò trung tâm của một ASEAN độc lập, tự cường. Theo đó, Tuyên bố
Bangkok (năm 1967), Hiến chương ASEAN (thông qua năm 2007 và có hiệu lực
từ năm 2008) đã thể hiện rõ mục tiêu xây dựng vai trò trung tâm của
ASEAN đối với khối, trong đó ASEAN khẳng định việc nâng cao khả năng tự
cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chính trị,
an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN
trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng
Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) cũng
định hình vai trò trung tâm của khối đối với hợp tác nội tại. Do vậy,
việc hoạch định các chiến lược phát triển của các nước thành viên theo
hướng phù hợp với các cam kết của ASEAN.
Hai là,
vai trò trung tâm trước các vấn đề nóng ở khu vực. Chẳng hạn như vấn đề
Biển Đông từ năm 1992 đã chính thức trở thành vấn đề của ASEAN thông
qua tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông(9). ASEAN cũng thể
hiện vai trò thông qua việc đàm phán với Trung Quốc về Tuyên bố về ứng
xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tích cực đàm phán Bộ Quy
tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoài ra, vấn đề Biển Đông là một trong
những chương trình nghị sự quan trọng tại các hội nghị thượng đỉnh của
ASEAN cũng như trong các hội nghị của ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Ba là,
vai trò trung tâm trong quan hệ với nước lớn và đối tác, đối thoại
khác. Vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện trong khía cạnh này tương đối
rõ ràng. Trong Hiến chương ASEAN cũng khẳng định “duy trì vai trò trung
tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chủ chốt trong quan hệ và hợp
tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch
và thu nạp”(10). Các đối tác bên ngoài của ASEAN, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hiện nay đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Bốn là,
vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Hiện nay, các nước lớn đều có
tham vọng thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực theo cách riêng của mình,
tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt khiến các nước
lớn buộc phải ủng hộ một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm với vai trò
trung tâm của ASEAN. Theo đó, sự vận hành của cấu trúc hiện nay dựa
trên các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, chẳng hạn như Diễn đàn khu vực
ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)...
Năm là,
vai trò trung tâm trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức mang
tính toàn cầu. Tham vọng của ASEAN không chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam
Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương, mà còn thể hiện vai trò trung
tâm của mình thông qua việc tham gia giải quyết các thách thức mang tính
toàn cầu, trong đó có các thách thức an ninh phi truyền thống, các vấn
đề nóng, như xung đột vũ trang ở những khu vực ngoài ASEAN, nhưng có tác
động toàn cầu. ASEAN là tổ chức tiên phong xác lập các cơ chế để các
bên có mâu thuẫn có thể ngồi lại với nhau, nhất là khi các bên khó có
thể tiến hành các đối thoại song phương hiệu quả.
THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG ĐỐI VỚI VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA ASEAN
Về thách thức hiện nay
Thứ nhất,
sự tranh cãi về vai trò trung tâm của ASEAN. Cho đến nay, quan niệm về
vai trò trung tâm của ASEAN vẫn là chủ đề còn nhiều tranh cãi, không chỉ
trong giới học giả, mà còn cả trong giới lãnh đạo ASEAN. Đối với một
thuật ngữ được sử dụng rộng rãi như vậy trong giới học thuật và chính
sách, về mặt lý thuyết, vai trò trung tâm của ASEAN vẫn chưa được xác
định rõ ràng trong một thời gian dài. Vai trò của ASEAN với tư cách là
một tác nhân trung tâm trong chủ nghĩa khu vực Đông Á đã được mô tả theo
nhiều cách khác nhau. Chỉ gần đây, một số học giả giải thích vai trò
trung tâm của ASEAN đã đạt được như thế nào và có thể tồn tại trong
những điều kiện nào. Tuy nhiên, việc xác định rõ nội hàm của khái niệm
“vai trò trung tâm ASEAN” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Điều
này sẽ tránh được nhiều cách giải thích khác nhau về vai trò trung tâm
của khối, đồng thời tránh rơi vào tình huống bị coi là nội hàm không
chuẩn xác dưới góc nhìn của các học giả từ các trường phái lý thuyết
quan hệ quốc tế.
Hiện
nay, vai trò trung tâm của ASEAN đang ở ngã rẽ, chính vì vậy đã đến lúc
ASEAN cần xem xét lại liệu các khuôn khổ quy chuẩn và các quy trình
không chính thức còn phù hợp với môi trường an ninh mới hay không. Cựu
Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pi-xu-oăn (Surin Pitsuwan) đã mô tả về vai trò
trung tâm của ASEAN chủ yếu thể hiện về hình thức song thiếu thực chất.
Đồng thời, năm 2009, ông cũng phân biệt giữa “vai trò trung tâm biểu
hiện ở sự thiện chí bề ngoài” và “vai trò trung tâm mang tính thực
chất”. Nói cách khác, định nghĩa về vai trò trung tâm của ASEAN phải
vượt ra ngoài “tính hình thức”, tức là ASEAN không chỉ thể hiện vai trò
trung tâm đối với các thể chế như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF và EAS, mà còn
cần đi vào thực chất hơn thông qua việc xác định trọng tâm và chương
trình nghị sự của các diễn đàn này, giúp định hình tương lai hội nhập
khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương và giải quyết các bất đồng trong khu
vực. Thông qua các tiến trình khu vực do ASEAN khởi xướng hoặc dẫn dắt,
ASEAN phải tạo ra nền tảng cho một loạt đối thoại, hợp tác và hành động
về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và an ninh vì tương
lai chung của khu vực. Để đạt được vai trò trung tâm và vai trò lãnh
đạo, trước hết ASEAN phải dựa vào sức mạnh nội tại của Cộng đồng ASEAN
(AC). Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên ASEAN phải đoàn kết, tăng
cường phối hợp và tham gia như một nhóm gắn kết với các mục tiêu chung
rõ ràng và với sự hỗ trợ tích cực của Ban Thư ký ASEAN.
Thứ hai,
sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, nhất là trong
vấn đề Biển Đông, đang tạo những thách thức to lớn đối với vai trò trung
tâm của ASEAN. Mặc dù trong những năm gần đây, cạnh tranh Mỹ - Trung
Quốc có xu hướng ngày càng quyết liệt hơn, nhưng ASEAN vẫn phải xây dựng
mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Kiên định với vai trò là “người
trung gian trung thực”, ASEAN phần lớn vẫn đứng ngoài cuộc trong cạnh
tranh Mỹ - Trung Quốc, bởi ASEAN không muốn bị rơi vào “cái bẫy
Thucydides”(11). Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long từng bày tỏ
quan ngại về cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc và những tác động đối với
tương lai của châu Á(12). Tương tự, cựu Thủ tướng
Ô-xtrây-li-a Ken-vin Rút đã nhắc đến khả năng xảy ra xung đột vũ trang
giữa Mỹ và Trung Quốc, và một cuộc “Chiến tranh lạnh mới 2.0”(13).
Thứ ba,
sự thiếu đoàn kết nội bộ trong khá nhiều trường hợp dường như làm suy
yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Đáng chú ý đó là sự gắn kết nội khối
ASEAN đang có biểu hiện giảm dần. Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy sự
đoàn kết của ASEAN đang suy giảm. Kể từ năm 2012, các thành viên ASEAN
ngày càng phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì đoàn kết. Đơn
cử như việc ASEAN cần thống nhất trong việc phối hợp tìm kiếm giải pháp
hiệu quả đối với vấn đề khủng hoảng ở Mi-an-ma, trong đó có việc hỗ trợ
người dân Mi-an-ma vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch
COVID-19.
Bên
cạnh đó, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của các nước thành
viên cũng ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Là một tổ chức đưa
ra nguyên tắc không đứng về bên nào trong cạnh tranh quyền lực giữa các
nước lớn, song xu hướng hiện tại của một số quốc gia ASEAN trong việc
xích lại gần một số cường quốc là một phép thử khác đối với tính trung
tâm và thống nhất của ASEAN.
Thứ tư, sự hoài nghi về năng lực của ASEAN trong việc xây dựng vai trò trung tâm của khối. Trong
một vài năm trở lại đây, vai trò trung tâm của ASEAN đã phải đối mặt
với những thách thức nghiêm trọng, đe dọa sự gắn kết với tư cách là một
cộng đồng khu vực. Một số thách thức về chính trị, kinh tế và an ninh
xuất hiện làm lung lay niềm tin về ASEAN như một liên kết chặt chẽ giữa
các quốc gia vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở
Đông Nam Á(14). Do vậy, các học giả hoài nghi về tính hiệu
quả của ASEAN trong vai trò quản lý trật tự khu vực, trong đó có một số
biểu hiện như ASEAN thiếu sức mạnh về thể chế (chẳng hạn như các thể chế
do ASEAN lãnh đạo như ARF và EAS không có ban thư ký riêng...(15).
Bên cạnh đó, căng thẳng địa - chính trị gia tăng có thể làm chia rẽ
ASEAN và khiến khối này trở nên kém hiệu quả và có những điểm chưa phù
hợp cần được đánh giá lại, nhất là trong bối cảnh trật tự khu vực đang
thay đổi nhanh chóng(16).
Hơn
nữa, vai trò trung tâm phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo ASEAN của từng
quốc gia. Theo cơ chế luân phiên, mỗi năm, vai trò chủ tịch ASEAN được
một nước thành viên đảm nhận, do đó ASEAN có sự vận hành theo mong muốn
khác nhau của nước chủ tịch trong việc thúc đẩy, thực hiện vai trò trung
tâm của ASEAN. Không chỉ vậy, những vấn đề chính trị và an ninh nội bộ
của các nước thành viên ASEAN cũng làm suy yếu cam kết của các nước
thành viên đối với sự thống nhất trong ASEAN. Điều này ảnh hưởng trực
tiếp đến vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ năm,
tính trung lập của khối, không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh
giữa các cường quốc. Trong những năm qua, ASEAN đã nâng cao uy tín và
hiệu quả của mình bằng cách đóng vai trò một người trung gian trung
thực, song dường như vai trò này phần nào bị ảnh hưởng khi sự cạnh tranh
giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á ngày càng nóng lên. Mặc dù sức ép
của cạnh tranh các nước lớn tại khu vực đang gia tăng đối với ASEAN,
nhưng ASEAN vẫn giữ nguyên tắc trung lập. Điều này khiến chính sách của
cả Mỹ và Trung Quốc đối với ASEAN bị ảnh hưởng mặc dù cả hai nước vẫn
tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ sáu, khả năng “xã hội hóa” các ý tưởng của ASEAN nhằm đạt được trật tự khu vực theo như mong muốn(17).
Hay nói cách khác, những ý tưởng và cam kết ASEAN đưa ra có đủ sức
thuyết phục hay buộc các nước lớn trong và ngoài khu vực thực hiện theo
hay không. Rõ ràng, các cường quốc có những tính toán chiến lược riêng
của mình, mặc dù về mặt hình thức họ vẫn tuyên bố ủng hộ vai trò trung
tâm của ASEAN. Vì vậy, cần nhận thức giữa việc các nước lớn tuyên bố ủng
hộ vai trò trung tâm của ASEAN với hành động thực tế của họ. Điều này
có thể làm xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ bảy,
vai trò trung tâm của ASEAN bị ảnh hưởng trong bối cảnh chủ nghĩa đa
phương đang bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn như trường hợp
Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), sự suy yếu của một loạt hệ thống
quốc tế khác. Theo nhận định của cựu Tổng Thư ký ASEAN X. Pi-xu-oăn,
“thế giới giờ đây đã khác, và ASEAN phải vươn lên trước thách thức.
ASEAN sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh”. Ông nhấn mạnh thêm rằng,
“chủ nghĩa đa phương, trong đó có ASEAN, đang bị tấn công”, và hiện nay
sẽ là chủ nghĩa đơn phương, hay chủ nghĩa song phương giữa hai quốc gia.
Vì vậy, ông X. Pi-xu-oăn đề xuất ASEAN cần hội nhập hơn, không bị phân
tán để tránh việc trở thành một con tốt trong kịch bản “chia để trị”(18).
Về triển vọng đối với vai trò trung tâm của ASEAN
Nhìn
một cách tổng thể, mặc dù còn nhiều thách thức, song vai trò trung tâm
của ASEAN vẫn có nhiều cơ hội được củng cố trong thời gian tới. Một thực
tế là hiện nay, hầu hết các cường quốc đều muốn gia tăng quan hệ với
ASEAN. Trong khi đó, trải qua hơn 55 năm phát triển, ASEAN đã có những
nỗ lực xây dựng và thúc đẩy vai trò trung tâm của mình. Chính vì vậy,
trong bối cảnh thiếu sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc dẫn đến
những nước này chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN nhiều hơn(19).
Yếu tố ẩn chứa đằng sau khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN gắn liền
với khái niệm về niềm tin và bản sắc cốt lõi của ASEAN. Điều này cũng có
nghĩa ASEAN xây dựng một chủ nghĩa khu vực dựa trên “phương cách ASEAN”
bao trùm, cởi mở và không ràng buộc. ASEAN có thể khiến các cường quốc
“có thể chấp nhận” các thể chế do ASEAN lãnh đạo như một “diễn đàn thảo
luận” để gắn kết lẫn nhau trong việc xây dựng lòng tin và tạo ra sự hiểu
biết chung về các vấn đề an ninh khu vực(20).
Mặc
dù vậy, với vai trò là động lực xây dựng thể chế khu vực ở châu Á -
Thái Bình Dương, ASEAN có thể sẽ tận dụng tốt “đặc quyền” trong việc
thiết lập chương trình nghị sự và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải
quyết vấn đề, thay vì chỉ dàn xếp cho những tuyên bố mang tính chất tham
vọng của các bên. Do nguồn lực của ASEAN còn hạn chế, ASEAN cần tìm
không gian mới, nơi an ninh hợp tác có thể hoạt động tốt nhất. Do đó,
trong khi ASEAN cần nhiều hơn các quy trình không chính thức, chẳng hạn
như “phương cách ASEAN”, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và cạnh
tranh quyền lực giữa các cường quốc ở khu vực, thì đại dịch COVD-19 tuy
là một thách thức khác đối với ASEAN, nhưng lại là cơ hội tốt để khối
này sử dụng các quy trình không chính thức trong giải quyết các thách
thức. Hơn nữa, điều này có thể thúc đẩy vai trò trung tâm của khối trong
thời gian tới. Có thể thấy rằng, việc giải quyết các thách thức an ninh
phi truyền thống, như đại dịch, an ninh lương thực và hỗ trợ nhân đạo
mang lại cho ASEAN không gian và nền tảng để gia tăng vai trò trung tâm
của mình.
Như
vậy, về mặt nhận thức, việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không
chỉ đem lại lợi ích cho khối, mà còn đối với các quốc gia thành viên,
trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc các quốc gia thành viên tích
cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ
lợi ích của mình. Việt Nam cũng xác định, “vai trò trung tâm” được hiểu
là ASEAN luôn phối hợp quan điểm và hành động trong quan hệ với các đối
tác, giữ vững vai trò “động lực chính” trong hợp tác, cũng như ở “vị trí
trung tâm” trong nỗ lực định hình cấu trúc hợp tác ở khu vực dựa trên
các khuôn khổ, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Với sự ra đời
của Hiến chương ASEAN, “vai trò trung tâm” đã được pháp điển hóa, vừa
trở thành mục tiêu, vừa trở thành nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt
động của ASEAN.
Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN
(8/8/1967 - 8/8/2022) và kỷ niệm 27 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN
(28/7/1995 - 28/7/2022) tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Trong
khi vai trò trung tâm của ASEAN đang gặp phải những thách thức, cả bên
trong cũng như bên ngoài, thì nỗ lực của các nước thành viên tích cực
như Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm của khối, có ý nghĩa quan
trọng. Trên thực tế, Việt Nam đã tích cực và có những nỗ lực không ngừng
trong việc củng cố vai trò trung tâm của khối. Chẳng hạn như trong năm
Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tích cực thúc đẩy vai trò trung tâm trong
một năm đầy thách thức. Trong các cuộc trao đổi song phương và đa phương
với các đối tác bên ngoài, Việt Nam kêu gọi các nước đối tác ủng hộ vai
trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng vai
trò trung tâm của ASEAN không phải là một điều hiển nhiên mà có, vì đó
là kết quả của cả một quá trình lâu dài với những nỗ lực không ngừng
nghỉ của ASEAN. Vai trò trung tâm cũng giống như quyền lực, có thể là
một đặc điểm nhất thời của chính trị quốc tế. Giống như vai trò trung
tâm có thể đạt được, nó cũng có thể bị mất đi. Thông qua việc gia tăng
tính tự cường và gắn kết nội khối, ASEAN có thể củng cố đáng kể vị thế
của mình ở môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, các quốc gia thành viên
cần ý thức được đoàn kết nội bộ là nhân tố nền tảng để củng cố vai trò
trung tâm của ASEAN.
Bên
cạnh đó, trong bối cảnh cục diện thế giới ngày càng chia rẽ sâu sắc như
hiện nay, sự cạnh tranh giữa các cường quốc trở nên quyết liệt hơn.
Theo đó, niềm tin giữa các nước lớn ngày càng suy giảm mạnh mẽ. Song,
các nước lớn tiếp tục đặt niềm tin vào ASEAN, tin tưởng vào vai trò
trung tâm của ASEAN. Điều này sẽ là một cơ hội tốt để ASEAN khẳng định
một cách vững chắc và toàn diện hơn vai trò trung tâm của mình. Do đó,
các quốc gia thành viên cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định vai
trò trung tâm của ASEAN một cách thực chất hơn. Trong bối cảnh các nước
lớn không thể ngồi lại với nhau và thừa nhận nhau thì họ vẫn có thể
thông qua vai trò trung tâm của ASEAN. Đồng thời, việc ASEAN cần xác
định rõ ràng vai trò trung tâm của khối hiện nay không chỉ có ý nghĩa
đối với bản thân khối này, mà còn đối với các đối tác của ASEAN. Lộ
trình ASEAN xây dựng vai trò trung tâm đồng hành với các khái niệm về
trọng tâm, động lực và định hình cấu trúc khu vực... Theo nghĩa này,
động lực không chỉ là cung cấp khả năng lãnh đạo, mà còn là đưa ra định
hướng hành động.
Có
thể thấy, ASEAN đóng “vai trò trung tâm” trong ngoại giao và hợp tác ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Mặc dù phải đối diện với
nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN trở thành yếu tố then
chốt định hình tương lai phát triển của ASEAN. Việc Việt Nam và nhiều
quốc gia thành viên ASEAN tích cực và chủ động thúc đẩy vai trò trung
tâm của ASEAN cũng chính là gia tăng “sức đề kháng” cho ASEAN và cho
chính mình trong một môi trường quốc tế nhiều bất ổn hiện nay./.
PGS. TS. DƯƠNG VĂN HUY
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
_______________________
(1) ASEAN: The ASEAN Chapter (Tạm dịch: Hiến chương ASEAN), https://asean.org/wp-content/uploads/images/archive/publications/ASEAN-Charter.pdf.
(2)
Tan See Seng: Rethinking "ASEAN centrality" in the regional governance
of East Asia (Tạm dịch: Suy ngẫm lại về “vai trò trung tâm của ASEAN”
trong quản trị khu vực ở Đông Á), The Singapore Economic Review 63, số 1, 2016, tr.721-740.
(3)
Lee Jones: Still in the "driver’s seat", but for how long? ASEAN’s
capacity for leadership in East Asian international relations (Tạm
dịch: “Vai trò người cầm lái” trong bao lâu? Năng lực lãnh đạo của ASEAN
trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á), Journal of Current Southeast Asian Affairs 20, số 3, 2020, tr.95-113.
(4)
Richard Stubbs: ASEAN’s leadership in East Asian region-building:
Strength in weakness (Tạm dịch: Sự lãnh đạo của ASEAN trong việc xây
dựng khu vực Đông Á: Điểm mạnh trong điểm yếu), The Pacific Review 27, số 4, 2014, tr.523-541.
(5) (16) Mely Caballero - Anthony: ASEAN Centrality Tested (Tạm dịch: Kiểm chứng vai trò trung tâm của ASEAN), The Routledge Handbook of Asian Security Studies, 2nd Edition, Routledge, 2017, tr.226, 217.
(6)
Acharya, Amitav: ASEAN can survive great-power rivalry in Asia (Tạm
dịch: ASEAN có thể tồn tại trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở
châu Á), East Asia Forum, ngày 4/10/2015, www.eastasiaforum.org/2015/10/04/asean-can-survive-great-power-rivalry-in-asia/.
(7) (19) (20) Amitav Acharya: The Myth of ASEAN Centrality? (Tạm dịch: Câu chuyện về vai trò trung tâm của ASEAN), Contemporary Southeast Asia, t.39, 2017, tr.274, 275, 276.
(8)
Council on Foreign Relations: Hillary Clinton’s Speech on America’s
Engagement in the Asia-Pacific (Tạm dịch: Bài phát biểu của Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton về sự can dự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình
Dương), ngày 28/10/2010, www.cfr.org/asia-and-pacific/clintons-speech-americasengagement- asia-pacific-october-2010/p23280.
(9)
Duong Van Huy: Why ASEAN’s centrality matters: Managing disputes in
the South China Sea (Tạm dịch: Tại sao vai trò trung tâm của ASEAN quan
trọng trong quản ký các tranh chấp ở Biển Đông), Policyforum, ngày 22/8/2022, https://www.policyforum.net/why-aseans-centrality-matters/.
(10) ASEAN: ASEAN Charter (Tạm dịch: Hiến chương ASEAN), tháng 2/2008, https://asean.org/wp-content/uploads/2021/09/21069.pdf.
(11)
Một thuật ngữ được sử dụng để chỉ nỗi sợ bá chủ về một cường quốc đang
trỗi dậy gây ra sự cạnh tranh, cuối cùng dẫn đến đối đầu, thậm chí là
chiến tranh.
(12) Lee Hsien Loong: The endangered Asian century (Tạm dịch: Thế kỷ châu Á có nguy cơ sụp đổ), Foreign Affairs, tháng 7 và 8/2020, https://www.foreignaffairs.com/articles/asia/2020-06-04/lee-hsien-loong-endangered-asian-century.
(13)
Rudd, K.: Beware the guns of August in Asia: How to keep U.S. -
Chinese tensions from sparking a war (Tạm dịch: Hãy coi chừng những
phát súng trong tháng 8 ở châu Á: Làm thế nào để giữ căng thẳng Mỹ -
Trung Quốc không châm ngòi chiến tranh), Foreign Affairs, ngày 3/8/2020, https://www.foreignaffairs.com/ articles/united-states/2020-08-03/beware-guns-august-asia.
(14)
Mely Caballero - Anthony: The ASEAN way and the changing security
environment: navigating challenges to informality and centrality (Tạm
dịch: Phương cách ASEAN và môi trường an ninh đang thay đổi: Vượt qua
các thách thức đối với tính phi chính thức và trung tâm) (2017), Tlđd, tr.217.
(15)
Nischalke TI: Does ASEAN measure up? Post-Cold war and the idea of
regional community (Tạm dịch: ASEAN sẽ như thế nào? Thời kỳ sau Chiến
tranh lạnh và ý tưởng về cộng đồng khu vực), The Pacific Review
15(1):89-117, 2002; Narine S.: ASEAN in the twenty-first century: A
sceptical review (Tạm dịch: ASEAN trong thế kỷ XXI: Đánh giá đầy hoài
nghi), Cambridge Review of International Affairs 22, 2009, tr. 369-386.
(17) Leifer Michael: “The ASEAN process: A category mistake” (Tạm dịch: Tiến trình ASEAN: Một sai lầm), Tlđd, tr. 25-38.
(18) Bangkok Post: ASEAN at 50 (Tạm dịch: ASEAN ở tuổi 50), ngày 15/2/2017, https://www.bangkokpost.com/world/1193581/asean-at-50.
(Nguồn: TC Cộng sản)