Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 10/6/2009 22:56'(GMT+7)

Văn bản chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng

Mới quản lý được hơn 6% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Mới quản lý được hơn 6% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Chiều nay (10/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc quản lý ATVSTP trong điều kiện sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm phân tán như nước ta; làm thế nào để quản lý chặt, hiệu quả khi vấn đề ATVSTP liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu; Qui định như thế nào về trách nhiệm của cơ quan quản lý ở trung ương…

Văn bản nhiều như lá…

Theo thống kê, hiện có 134 văn bản qui phạm pháp luật (QPPL), nhiều địa phương chỉ thống kê được từ 13 văn bản trở lên để áp dụng, trong khi thực tế có tới 337 văn bản QPPL do các cơ quan Trung ương ban hành và 930 do các cơ quan địa phương ban hành. Theo thống kê sơ bộ, còn có 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung quy định không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP còn chưa đồng bộ giữa các văn bản với cùng một hành vi vi phạm (Nghị định 128/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với cơ sở chế biến thủy sản 3 – 5 triệu đồng, tuy nhiên, Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 10-15 triệu, trong đó có lĩnh vực thủy sản).

Theo ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học-công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Văn bản quá nhiều, chồng chéo nhau ảnh hưởng tới người thực thi.

Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết: “Khi khảo sát ở địa phương, một số  doanh nghiệp được hỏi về nhu cầu của họ về văn bản trong lĩnh vực ATVSTP thì nhận được câu trả lời là đã đủ. Thế nhưng, nhiều cán bộ điều hành lại không nắm được đã có văn bản về vấn đề đó hay chưa và đề nghị Quốc hội nên ban hành thêm văn bản. Khi đó đoàn giám sát chỉ ra tên văn bản thì cán bộ đó mới biết”.

Ông Nguyễn Đăng Vang đưa ra dẫn chứng về trường hợp một tư nhân quản lý một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản. Chủ doanh nghiệp đến tận trang trại quản lý nguồn nguyên liệu. Và bao nhiêu năm qua hàng của doanh nghiệp này được phía Nhật Bản chấp nhận tốt, chưa bao giờ bị trả lại. Cũng là đất nước này, vậy tại sao khi tư nhân quản lý thì lại hiệu quả như vậy? “Điều này chứng tỏ thực thi luật pháp của chúng ta hiện nay chưa đạt yêu cầu”- ông Nguyễn Đăng Vang nói.

Để khắc phục tình trạng văn bản nọ “chồng” lên văn bản kia, đại biểu Phan Xuân Dũng (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, các cơ quan chức năng cần chú ý đến văn hoá ban hành văn bản. “Ban hành văn bản thì phải xem có ai đọc hết, hiểu hết để thực hiện. Chúng ta cần rà soát hệ thống văn bản này để loại bỏ những văn bản không cần thiết, giúp người thực thi dễ hiểu, dễ làm. Cần tránh tình trạng làm xong văn bản để vào một chỗ”.

Mà vẫn không xác định rõ trách nhiệm

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, quản lý công tác ATVSTP hiện nay rất cần một người “nhạc trưởng”. Trước Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang nói: Khi Uỷ ban KH-CN & MTyêu cầu Bộ Tài nguyên – Môi trường báo cáo về tình hình quản lý ATVSTP thì Bộ này bảo là không liên quan. Tìm trong các văn bản pháp lý thì Bộ có chức năng cấp giấy phép sản xuất, chế biến chứ không giám sát qui trình này.

“Chính phủ ban hành văn bản chồng chéo, không rõ trách nhiệm cho cơ quan nào nên dễ dẫn đến đổ lỗi cho nhau, nhưng lúc có thành tích thì lại nhiều nơi nhận” - đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (đoàn Nam Định) nói.

Đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, chưa có sự quản lý thống nhất trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh thực phẩm của các ngành liên quan như y tế, nông nghiệp, công thương, khoa học công nghệ. Cụ thể trong sản xuất rau, lương thực: chăn nuôi do ngành Nông nghiệp quản lý hướng dẫn, sau khi khai thác giết mổ đưa ra thị trường thì do ngành Công thương quản lý và đến tay người tiêu dùng, bếp ăn thì do ngành Y tế quản lý(!).

- Khoảng 17.000 lò mổ không được kiểm soát.
- 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được quản lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Tính đến năm 2008, mức đầu tư cho ATVSTP mới đạt 1.100đ/người dân/năm, chỉ bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan.
- Năm 2008, cả nước xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm làm 7.828 người mắc và 61 người chết.
- Mỗi tỉnh chỉ có 0,5 cán bộ làm công tác ATVSTP.

Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, theo kết quả giám sát của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, hiện nay có khoảng trên 1.000 người tham gia công tác ATVSTP ở cấp xã mà không được trả lương và không gọi được tên của họ (vì kiêm nhiệm). “Như vậy, chúng ta gọi là có lực lượng mà không có lực lượng nào cả” – ông Nguyễn Đăng Vang nói.

Phát biểu kết luận phiên làm việc chiều nay, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “Bộ Y tế là cơ quan quản lý ở Trung ương. Chính phủ cần có qui định cụ thể về quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ trì”.

Theo đại biểu Đào Xuân Nay, thì sự phân công quản lý giữa các bộ, ngành đã cụ thể nhưng lại bị chia cắt bởi quan hệ chỉ huy giữa bộ này, bộ khác. “Chúng ta cần một nhạc trưởng tài ba nếu không sẽ xảy ra tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” - đại biểu Đào Xuân Nay nói.

Giải trình ngay sau khi kết thúc phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thường trực phải rõ ràng và phát huy hình thức ban chỉ đạo. “Phối hợp liên ngành phải có ban chỉ đạo, phải có chế tài đủ mạnh và thực tế là ngành nọ chỉ huy ngành kia là rất khó”-Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói.

Cần thiết ban hành luật

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) Việc xử phạt và chế tài trong lĩnh vực ATVSTP thời gian qua còn lỏng lẻo, thiếu tính răn đe. Xử phạt chưa nghiêm, mức độ còn quá nhẹ. “Cần phạt tương đương với khoản lợi nhuận từ kinh doanh gian dối. Công khai tên doanh nghiệp chưa đủ mà còn cần phải rút giấy phép kinh doanh, buộc đóng cửa một số cơ sở vi phạm, nặng hơn nữa là truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức cao nhất”-đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Trước tình trạng văn bản về lĩnh vực ATVSTP nhiều và chồng chéo như hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, rất cần thiết phải ban hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong giai đoạn trước mắt, cần bổ sung nhân lực, tài chính cho công tác ATVSTP và cần nâng Cục ATVSTP lên thành Tổng cục ATVSTP mới có đủ năng lực và thẩm quyền hoạt động. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập và ổn định Chi cục an toàn, vệ sinh thực phẩm, chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tại các tỉnh, thành phố với biên chế đầy đủ và kiện toàn bộ máy quản lý, ATVSTP đến cấp xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: cần khẩn trương rà soát tổng thể chính sách hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng VSATTP để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới; Tăng tính pháp lý của các quy định pháp luật, đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm; qui định cụ thể về nhiệm vụ, nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.

Công tác thông tin, tuyên truyền ATVSTP cũng được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Phan Xuân Dũng cũng cho rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền văn hoá mua hàng nội như các nước đã làm thì sẽ không có chỗ cho hàng tiểu ngạch. Bên cạnh đó, nhà sản xuất, nhà phân phối cũng cần phải coi trọng người tiêu dùng trong nước hơn. Ở Việt Nam, cái gì ngon, tốt thì xuất khẩu. Tư duy này cần được chấm dứt. Đã đến lúc chúng ta phải sản xuất hàng tốt hơn cho người Việt Nam dùng. “Người trong nước còn không tin vào chất lượng hàng hoá thì làm sao người nước ngoài tin chúng ta được?”- đại biểu Phan Xuân Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng của Quốc hội về VSATTP.

Ngày mai, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Dự kiến, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ là người đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.

TG- VOV 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất