Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/2/2009 10:23'(GMT+7)

Vẫn chưa hết khó khăn với thị trường chứng khoán.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới đã tạo ra những tác động tiêu cực trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó thể hiện rõ rệt nhất là trong tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Những tác động tiêu cực này đã kéo theo hệ luỵ hàng loạt các ngân hàng, các công ty chứng khoán phá sản và đang đứng bên bờ phá sản... Trong cuộc khủng hoảng đó, mặc dù Việt Nam không nằm trong vòng xoáy nhưng cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt hơn 1 năm qua luôn phải gánh chịu những tác động sụt giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư hoang mang... tạo nên một cảnh tượng đìu hiu trong các phiên giao dịch.

Theo ông Vũ Bằng-Chủ tịch UBCK Nhà nước: Tính đến cuối năm 2008, mức vốn hóa thị trường của 338 công ty niêm yết là 225.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,5% GDP 2008. Tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán, kể cả qua phát hành tăng vốn, huy động trái phiếu, trong năm 2008 đạt khoảng 29.000 tỷ đồng, bằng khoảng 23% mức vốn huy động của năm 2007 (năm 2007 vốn huy động là 127.000 tỷ đồng). Năm 2008, UBCKNN cấp phép cho 101 đợt phát hành nhưng tỷ lệ thành công chỉ khoảng 55% so với lượng thực hiện.

Đánh giá theo dõi thị trường khu vực, lượng phát hành huy động vốn cũng sụt giảm vào khoảng 65 - 75% so với năm trước, với chúng ta con số này là 70 - 75%. Trong diễn biến thị trường như vậy, tình hình quốc tế hiện nay vẫn còn là ẩn số, tác động với Việt Nam. Với các nước, đầu tiên là đi vào cầm cố, đi qua bảo hiểm, đến chứng khoán, rồi từ chứng khoán đến sản xuất kinh doanh và quay trở lại các ngân hàng thương mại. Còn chúng ta, nó sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, khiến đầu ra khó khăn và từ sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến tình trạng tài chính, các tổ chức tài chính, ngân hàng và chứng khoán. Diễn biến của tình hình, theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, khi nào chấm dứt giai đoạn đi xuống (tức là giai đoạn khủng hoảng), chuyển sang giai đoạn tiêu điều và châu á sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hồi phục kinh tế thế giới. Giai đoạn hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ sớm hơn so với sự hồi phục của kinh tế, nhiều tổ chức đánh giá Việt Nam vào khoảng quý III/2009 sẽ có những hồi phục nhất định. Qua đó, UBCK Nhà nước cũng đã xác định tư tưởng là chúng ta sẽ phải đối phó với những khó khăn lớn hơn trong năm 2009 để có những ứng phó với thị trường một cách hợp lý, tránh những tổn thất có thể xảy ra.

Cũng theo ông Bằng, hiện có 103 công ty chứng khoán được cấp phép chính thức và đã có khoảng hơn 90 công ty đã đi vào hoạt động, đến nay UBCK Nhà nước tạm thời nhận được báo cáo của 51 công ty thì 15 công ty là có lãi. Những con số khác căn cứ vào báo cáo tài chính quý 3 đến hiện nay chưa thể thống kê chính xác nhưng chưa có đầy đủ. Khó khăn chủ yếu của các công ty chứng khoán trong năm 2008 là về vốn do giá thị trường xuống quá thấp. Hiện nay, mới chỉ có 1 công ty thành lập sau 12 tháng chưa hoạt động nên sẽ giải thể. BCKNN đang xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp giải thể hay phá sản. Khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn thì UBCK Nhà nước sẽ thành lập một đoàn kiểm tra có thể phong toả tài sản và tài khoản của công ty đó. Hiện đã có 20 công ty thành lập theo Nghị định 88 và Nghị định 144 tăng vốn theo quy định và 35 công ty đang làm thủ tục tăng vốn và rút bớt các nghiệp vụ chưa hiệu quả. Về cấp phép có thể nói điều kiện sẽ rất khắt khe về tiêu chí cổ đông. Ví dụ tổng vốn của 2 cổ đông sáng lập phải chiếm ít nhất 65% trong công ty và cổ đông sáng lập phải là cổ đông có tư cách pháp nhân.

Xung quanh những thông tin nhà đầu tư đang rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Bằng cho biết: Về diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2008, nhìn chung những tháng đầu năm doanh số mua vào lớn hơn lượng bán ra nhưng vào những tháng cuối năm xuất hiện lượng bán ròng khá lớn, đặc biệt là trái phiếu. Tính đến thời điểm tháng 12/2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD. Nếu so với thời điểm đầu năm 2008 (thời điểm giá trị danh mục đầu tư lớn nhất) giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài giảm gần 4 tỷ USD. Mặc dù giá trị danh mục đầu tư giảm mạnh, một phần do giá cổ phiếu giảm (khoảng 70%), một phần do nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần dòng vốn chuyển sang các kênh đầu tư khác nên dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam không nhiều. Theo thống kê của UBCK Nhà nước, luồng vốn thực sự rút ra vào khoảng 1,8 tỷ USD. Qua theo dõi cho thấy lượng bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào trái phiếu Chính phủ và những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Mức độ rút vốn của nhà đầu nước ngoài bị hạn chế do ảnh hưởng của giá giảm, tính thanh khoản và khả năng chuyển đổi sang USD. Cũng có nhiều thông tin cho rằng nhiều quỹ đầu cơ nước ngoài nắm lượng vốn rất lớn và có thể đánh sập thị trường Việt Nam nhưng theo số liệu của UBCK Nhà nước, số quỹ đầu cầu cơ vào Việt Nam nắm khoản danh mục đầu cơ chỉ khoảng 25 triệu USD. Số còn lại khoảng 2/3 danh mục của khối đầu tư nước ngoài là do các quỹ đóng nắm giữ nên khả năng giải thể, thanh lý là rất hạn chế.

Vấn đề áp dụng các giải pháp mang tình hành chính như điều chỉnh biên độ khi thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm, Chủ tịch UBCK Nhà nước cho rằng: Xưa nay chúng ta thường phản đối về việc ứng xử hành chính của các cơ quan quản lý nhưng thực ra trên thế giới người ta cũng dùng những ứng xử hành chính như vậy. Với các nước không có hệ thống cắt mạch tự động thì người ta vẫn có những điều chỉnh biên độ, ngắt mạch như ngừng một số giờ hay ngừng một vài phiên giao dịch. Hệ thống của Việt Nam thì chưa đi vào hệ thống ngắt mạch nên chúng ta vẫn có phương án dự phòng là biên độ. Về điều chỉnh biên độ, quá trình điều chỉnh luôn có hai mặt nhưng UBCK Nhà nước vẫn cố gắng là không áp dụng biên độ nhưng không loại trừ có những thời điểm có sử dụng biên độ. Với biện pháp biên độ, có những thời điểm thắt biên độ mình để kéo dài nửa năm, như năm ngoái UBCK Nhà nước chỉ để vài tháng, hay có những đề nghị là công bố là thắt biên độ trong 2,3 phiên để trấn tinh thần thị trường rồi quay tự động trở lại. Về nguyên tắc, UBCK Nhà nước cố gắng không áp dụng chuyện này vì tình hình hiện nay phụ thuộc lớn nhất là kinh tế vĩ mô và tình hình thế giới chứ không phải là tâm lý hốt hoảng của nhà đầu tư nữa./.

Hải Ngọc - Yến Nhi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất