Ông Nguyễn Mạnh Đông, Vụ trưởng Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới quốc gia
(Bộ Ngoại giao), trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam xung quanh
vấn đề Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Đông, Vụ
trưởng Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) nhấn
mạnh, các quốc gia, bất kể trình độ phát triển, quy mô và ảnh hưởng đều
cần phải cùng nỗ lực, trên tinh thần thiện chí, xây dựng, thượng tôn
pháp luật, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể, duy trì môi
trường thuận lợi nhằm thúc đẩy xu thế chung này vì lợi ích của chính các
quốc gia cũng như của cả cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc
tế diễn ra một cách sâu rộng, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia
tăng.
VÌ LỢI ÍCH CHUNG CỦA CÁC NƯỚC VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
- Thưa ông, ông có thể đánh giá tầm
quan trọng của việc giữ gìn môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thúc
đẩy hợp tác hữu nghị ở khu vực Biển Đông?
Ông Nguyễn Mạnh Đông: Đầu tiên chúng ta có thể khẳng
định là hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển là khát vọng
của tất cả các dân tộc trên thế giới và xu thế phát triển chung của loài
người, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các khu vực và châu lục.
Các quốc gia, bất kể trình độ phát triển, quy mô và ảnh hưởng đều cần
phải cùng nỗ lực, trên tinh thần thiện chí, xây dựng, thượng tôn pháp
luật, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể, duy trì môi trường
thuận lợi nhằm thúc đẩy xu thế chung này vì lợi ích của chính các quốc
gia cũng như của cả cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế
diễn ra một cách sâu rộng, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.
Thứ hai, thực tế cho thấy rõ hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác
chính là một trong những nền tảng quan trọng tạo nên sự phát triển năng
động nhiều mặt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và khu vực
Biển Đông nói riêng trong những thập kỷ qua.
Thứ ba, Biển Đông là không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển, trong
đó có Việt Nam; là không gian hợp tác phát triển giữa các nước trong khu
vực với các đối tác trong và ngoài khu vực và là nơi có các tuyến đường
hàng không quan trọng và cũng là nơi có các tuyến đường hàng hải huyết
mạch của thế giới tính cả về giá trị hàng hóa được vận chuyển cũng như
số lượng tàu thuyền qua lại, nhiều nền kinh tế lớn trong và ngoài khu
vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Liên minh châu Âu...
phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải qua Biển Đông.
Xuất phát từ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Biển Đông đối với
các quốc gia trong và ngoài khu vực, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ
quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển, quyền tự do hàng hải, hàng
không được xác lập theo đúng các quy định của Liên hợp quốc về Luật
Biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và
hợp tác ở khu vực Biển Đông.
Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, các nước ven Biển Đông, các quốc
gia trong và ngoài khu vực đã hết sức lo lắng trước các hành động đơn
phương xâm phạm các quyền và lợi ích biển hợp pháp của các nước ven biển
như cản trở các hoạt động hợp pháp trên biển, thăm dò, khảo sát, xâm
phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, việc đẩy
mạnh cải tạo, bồi đắp, quân sự hóa trên các cấu trúc được xây dựng trái
phép…
Các hành động này đã dẫn đến việc xói mòn lòng tin, gia tăng căng
thẳng và có thể gây tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh, ổn định và
hợp tác và phát triển trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế, khu vực đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại và
bất bình trước các hành động đơn phương vi phạm nêu trên, kêu gọi tôn
trọng tính thượng tôn pháp luật, hành xử theo đúng các quy định có liên
quan của luật pháp quốc tế, UNCLOS vì lợi ích chung của các nước và cộng
đồng quốc tế.
UNCLOS, HÌNH THÀNH MỘT TRẬT TỰ PHÁP LÝ QUỐC TẾ
- Vai trò, ý nghĩa của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp giữa các nước trên biển được nhấn mạnh như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Đông: Năm nay, các quốc gia thành viên UNCLOS kỷ niệm 25 năm ngày Công ước có hiệu lực.
Phát biểu nhân dịp này tại Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS
được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhấn
mạnh lại ý nghĩa của UNCLOS với tính chất là “Hiến pháp của biển và đại
dương,” khuôn khổ toàn diện cho việc khai thác, sử dụng biển hòa bình,
hợp tác và bền vững.
Hướng dẫn cho tàu thuyền vào đảo Đá Đông, Trường Sa, Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN)
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm một số điểm sau: UNCLOS ra đời là một
bước tiến quan trọng trong việc hình thành một trật tự pháp lý quốc tế
điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến biển và đại dương.
Nói một cách khác, UNCLOS vừa là cơ sở pháp lý quan trọng và toàn
diện nhất để các quốc gia xác định, thực thi các quyền và nghĩa vụ của
mình trên các vùng biển, đồng thời, là cơ sở để các quốc gia giải quyết
các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trên
thực tế.
Cho đến nay đại đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (168/192)
là thành viên Công ước và theo đó, có nghĩa vụ tuân thủ và thực thi một
cách có trách nhiệm và thiện chí các quy định có liên quan của UNCLOS.
Tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS là một
thực tế khách quan trong quá trình triển khai, áp dụng Công ước.
Tuy nhiên, các quốc gia có trách nhiệm phải giải quyết các tranh chấp
liên quan một cách hòa bình bằng các biện pháp đã được nêu tại Điều 33
của Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 UNCLOS. Ở đây cũng cần phân
biệt giữa các tranh chấp thực sự và các vi phạm đơn phương và UNCLOS
chính là cơ sở để xác định đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm.
Một trong những đặc trưng cơ bản nhất, mang tính tiến bộ của các quy
định giải quyết tranh chấp trong UNCLOS đó chính là quy định về thủ tục
giải quyết tranh chấp bắt buộc đưa đến các quyết định ràng buộc.
Điều này có nghĩa là, trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định,
các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS có thể
được giải quyết bằng bên thứ ba và quyết định của bên thứ ba mang tính
ràng buộc các bên có liên quan.
Trong những năm qua một số nước trong khu vực và ngoài khu vực đã sử
dụng thủ tục này để giải quyết thành công các tranh chấp cụ thể của mình
liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản có liên quan
của UNCLOS.
Tóm lại, UNCLOS là nền tảng pháp lý quốc tế cho việc giải quyết các
tranh chấp liên quan đến việc áp dụng và giải thích Công ước, là cơ sở
để các quốc gia bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giải
quyết tốt các tranh chấp có liên quan qua đó góp phần thúc đẩy thêm quan
hệ giữa các nước.
Các văn kiện quốc tế, khu vực đều khẳng định vai trò quan trọng của
UNCLOS trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan đến biển.
CƯƠNG QUYẾT BẢO VỆ VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM
- Các biện pháp hòa bình, theo quy định của luật pháp quốc tế đã
được Việt Nam vận dụng như thế nào trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển
đảo, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Đông: Chủ trương nhất quán của Việt
Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, cần
được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, như được quy định trong
Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS.
Điều này đã được khẳng định rõ ràng trong Nghị quyết của Quốc hội phê
chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994 cũng như tại Luật Biển Việt Nam năm 2012
cũng như nhiều văn kiện, văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Trên cơ sở đó, cho đến nay chúng ta đã giải quyết dứt điểm vấn đề
phân định Vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ với Trung
Quốc (năm 2000), phân định biển với Thái Lan (năm 1997), phân định thềm
lục địa với Indonesia (năm 2003), ký Thỏa thuận khai thác chung dầu khí
với Malaysia (năm 1992) và Hiệp định vùng nước lịch sử với Campuchia
(năm 1988).
Đây là những thành tựu hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý quốc tế,
hình thành “phên giậu” cho chúng ta trên các vùng biển có liên quan.
Đồng thời, chúng ta đang tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán giải quyết vấn
đề phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia…
Chúng ta luôn tôn trọng các vùng biển của các nước láng giềng được
xác định phù hợp với UNCLOS, có biện pháp tuyên truyền, giáo dục ngư dân
ta, những người hoạt động trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS,
không có hành động vi phạm vùng biển nước ngoài. Song chúng ta cũng
cương quyết bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
Đối với các vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta được
xác định theo đúng các quy định có liên quan của UNCLOS, chúng ta kiên
trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình như giao thiệp
ngoại giao để chỉ ra các vi phạm dưới các quy định có liên quan của
UNCLOS, gửi công hàm phản đối, cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc;
đồng thời cũng khẳng định là Việt Nam bảo lưu các quyền sử dụng các biện
pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của mình theo UNCLOS.
TÔN TRỌNG VÀ THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH CỦA UNCLOS
- Ông có thể cho biết những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi, thúc đẩy UNCLOS, trong hợp tác quốc tế về biển?
Ông Nguyễn Mạnh Đông: Việt Nam là một trong 107 quốc
gia ký UNCLOS tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện được mở ký
và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu
lực vào năm 1994.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã gia nhập các Hiệp định thực thi Công
ước này bao gồm Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và
Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa.
Hệ
thống năng lượng điện Mặt Trời tại các đảo cung cấp nguồn điện sinh
hoạt và góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững chủ quyền quốc
gia. (Ảnh: TTXVN)
Trong những năm qua Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các
nghĩa vụ theo Công ước thông qua việc nội luật hóa các quy định của Công
ước và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển; sử
dụng các quy định của Công ước để làm cơ sở giải quyết vấn đề phân định
và thúc đẩy hợp tác biển với các nước láng giềng có chung biển.
Năm 2009, Việt Nam đã đệ trình Báo cáo quốc gia xác định ranh giới
thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về
ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Ở khía cạnh song phương, chúng ta đã sớm triển khai hợp tác nghiên
cứu khoa học biển với Philippines từ năm 1996, 2000, 2005 và 2007 và
trên cơ sở thành công này, Việt Nam và Philippines đã nhất trí thể chế
hóa cơ chế hợp tác biển giữa hai nước, mở rộng hợp tác từ nghiên cứu
khoa học biển sang các lĩnh vực mới như bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm
cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu…
Với Trung Quốc, trong khuôn khổ hợp tác về các lĩnh vực ít nhạy cảm
trên biển, Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai thành công dự án Nghiên
cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocen khu vực châu thổ sông Hồng và châu
thổ sông Trường Giang; triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi
thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
Hiện, đang thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, hải sự
và thiết lập đường dây nóng xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất của
hoạt động nghề cá trên biển, hợp tác trong việc triển khai một số dự án
mới về bảo vệ môi trường trong Vịnh Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hình thành cơ chế tuần tra chung trên biển
với Thái Lan (năm 1998), Campuchia (năm 2002); Trung Quốc (năm 2005)
nhằm duy trì trật tự ở vùng biển liên quan, tạo điều kiện cho việc tăng
cường hợp tác hơn nữa giữa các lực lượng có liên quan của hai nước, qua
đó góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị.
Trong khuôn khổ ASEAN, ta cũng chủ động, tích cực tham gia các sáng
kiến, lĩnh vực hợp tác ở Biển Đông như SOM (Quan chức Cao cấp) ASEAN về
giao thông vận tải (STOM); Diễn đàn ASEAN về Tìm kiếm cứu nạn (ATSF);
Diễn đàn biển của ASEAN (AMF); Nhóm làm việc về vận tải biển (MTWG);
Nhóm làm việc của ASEAN về khoa học, kỹ thuật biển (SCMSAT); Nhóm làm
việc ASEAN về nghề cá (ASWGF), Chương trình hợp tác khu vực về quản lý môi trường biển khu vực Đông Á (SEAFDEC)…
Đồng thời, trong khuôn khổ thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở
Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và đàm phán về Bộ Quy tắc ứng
xử (COC), ta đã có nhiều sáng kiến, chủ động đóng góp vì lợi ích chung
của các bên cũng như hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc.
Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước.
Việt Nam tham gia đầy đủ và có đóng góp tích tại Hội nghị các quốc
gia thành viên Công ước được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng Liên hợp
quốc, các hội nghị của Cơ quan quyền lực đáy đại dương; ủng hộ tăng
cường hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lụa địa và nâng cao vai trò
của Tòa án Luật Biển quốc tế; tham gia xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế
về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học biển tại các vùng biển quốc
tế...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều cơ chế và văn
kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế
về Tổ chức Vệ tinh hàng hải (INMARSAT), Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng
hải toàn cầu (GMDSS), tham gia Công ước Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO)
và các công ước khác của IMO….
Đây chính là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích
cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc
tôn trọng và thực thi các quy định của UNCLOS, đồng thời thể hiện nỗ lực
và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các
tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật
pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm thúc đẩy sự hợp tác với các quốc
gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
- Trân trọng cảm ơn ông./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)