(TCTG)- Nhóm họp tại Aquila, Italia từ ngày 8-9/7, các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G8 vừa nhắc lại lời kêu gọi “một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran” và hoãn xem xét hồ sơ này tới hội nghị thượng đỉnh G20 tới, dự kiến sẽ diễn ra tại Pittsburgh, Mỹ từ ngày 24-25/9.
Một vài giờ trước đó, đô đốc Mike Mullen-Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ đã chỉ rõ rằng “một cuộc tấn công quân sự của Ixraen chống Iran, để ngăn cản ý định sở hữu vũ khí hạt nhân, luôn có tính chất thời sự song có thể có những hậu quả nghiêm trọng và không thể lường trước”. Ông cũng nói thêm “sự giáng trả của một đất nước bị tấn công làm tôi rất lo lắng” và xác định rằng “đó thực sự là một hướng mà không nên đi, nếu chúng ta có thể tránh được bằng mọi cách”.
Lối thoát nào cho vấn đề hạt nhân Iran? Ngoại giao hay quân sự?
Theo đô đốc Mullen, chương trình hạt nhân Iran theo như Téhéran giải thích có mục đích tiếp cận năng lượng hạt nhân phục vụ nhu cầu dân sự trong khi các nguồn tài nguyên dầu lửa đang cạn kiệt. Các nước phản đối chương trình hạt nhân Iran không muốn nghe cách giải thích trên và theo họ cho dù cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt Iran thì đó chỉ là vấn đề thời gian để nước này có thể tham gia vào “câu lạc bộ” hạt nhân: “từ một đến ba năm tới”. Theo ông Meïr Daganle-Giám đốc cơ quan tình báo Ixraen (MOSSAD) phát biểu ngày 16/6 vừa qua trước uỷ ban quốc hội thì Iran có thể tham gia vào “câu lạc bộ” hạt nhân “từ nay đến cuối năm 2014”.
Những được mất trong vấn đề hạt nhân Iran
Trung Đông, trong lòng đất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, thường xuyên là mảnh đất tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế của các cường quốc trên thế giới. Sự sụp đổ của Liên Xô trong chừng mực nào đó có hậu quả làm mất cân bằng lực lượng được thiết lập trong khu vực từ cuộc chiến tranh lạnh.
Việc Mỹ cam kết thận trọng trong những năm 1990 (duy trì chế độ Saddam Hussein bằng những lệnh trừng phạt sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 1, duy trì quá trình hoà bình Ixraen-thế giới Arập) đã nhanh chóng phải nhường bước cho một học thuyết quân sự đơn cực dưới chế độ “Tân Bảo thủ” của G.W. Bush (2000-2008) cơ bản nhằm: tăng cường chiến lược quân sự phòng ngừa để phục vụ an ninh năng lượng và quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Song song với các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irak, Iran đã tăng cường phát triển quân đội và sản xuất vũ khí hạng nặng, đặc biệt là tên lửa đạn đạo (tên lửa đất đối đất, đất đối không và tên lửa bắn từ tàu ngầm với tầm bắn: 300-2.000 km), cũng như các máy bay tiêm kích và tàu ngầm loại nhỏ. Ở cấp độ phòng không, nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng đã đề cấp đến việc Iran mua sắm và có các dự án mua sắm hệ thống tên lửa phòng không di động của Nga loại S300 để có thể tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu trên không (với độ cao 27 km).
Ngày 20/1 vừa qua-một tuần sau khi ông Obama nhậm chức tổng thống Mỹ, Téhéran đã chính thức tuyên bố rằng ngành công nghiệp sản xuất tên lửa của nước này đã đạt đến khả năng tự túc. Một vài ngày sau đó, nước này đã phóng thử thành công về tinh đầu tiên mang thương hiệu “100% Ba Tư”. Từ năm 2005, Iran đã theo đuổi mạnh mẽ các hoạt động làm giàu uranium với mục đích dân sự theo cách giải thích của Téhéran.
Sự tiến bộ lớn trong khả năng quân sự của Iran và chính sách quốc phòng nhằm chặn đứng mọi mưu đồ cách ly chế độ Hồi giáo, trong một khu vực được đánh dấu bởi các cuộc xung đột Ixraen-Arập lún sâu và hậu quả của cuộc chiến tranh Irak, có tác dụng làm gia tăng đáng kể ảnh hưởng quân sự và chính trị của Iran tại Xiri, Li Băng và Palextin cũng như tại vùng Lưỡng Hà cũ.
Trước tiên, sự trỗi dậy của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran với tư cách là một cường quốc trong khu vực (bị tố cáo tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân) làm Ixraen lo lắng và đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với quá trình đưa ra quyết định của Ixraen. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ixraen đang trong quá trình tự quyết định. Tổng thống Obama thì chắc chắn không”. Chúng ta có thể đọc được điều này hôm 02/7 trên một diễn đàn được tờ Washington Post đăng tải nhân danh John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ với nhan đề: “thời điểm Ixraen tấn công đã tới?”. Vì những lẽ đã rõ, sự nổi lên của Iran đã dẫn đến một lá bài mới không ngừng làm xáo trộn nhanh chóng và có tính quyết định nhất trật tự địa chính trị tại Trung Đông.
Bởi vì nếu sự nổi lên này được khẳng định, Iran sẽ trở thành nước không thể bị tấn công và Nhà nước Do Thái sở hữu từ 200-300 đầu đạn hạt nhân và có một trong những lực lượng không quân hiện đại nhất trên thế giới và sự hỗ trợ vô điều kiện từ phương Tây về mặt an ninh, chắc chắn sẽ là nước mất nhiều nhất, không chỉ về mặt quân sự mà đặc biệt về mặt chính trị. Sức ép của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Tây Âu sẽ dần đè nặng lên Ixraen để thúc giục nước này giải quyết vấn đề gai góc Palextin và các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau đối lập với Xiri và Li Băng như Ixraen đã làm với Ai Cập và Giócđani.
Về phía Mỹ, nước này có nguy cơ nhìn thấy vai trò thực dân của mình trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng có lợi cho Nga và Trung Quốc, các nước này mặt khác thấy được lợi ích của mình ngày càng được bảo vệ tốt hơn tại Trung Á. Cần nhớ rằng Iran là một quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO-Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbékistan, Tadjikistan) mà nước này tích cực tìm cách hội nhập với tư cách là thành viên đầy đủ.
Trong cuộc tìm kiếm đồng minh của chế độ Iran để tránh được những trừng phạt của cộng đồng quốc tế và thoát khỏi thế bị cô lập, lập trường của Nga đối với vấn đề hạt nhân Iran đóng vai trò then chốt. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay và sau sự sa lầy của cuộc chiến tại Irak, lập trường trên mong muốn đạt được 2 lý do chính sau: Dựa vào hai quân át chủ bài kinh tế của Nga là hợp tác năng lượng và bán vũ khí và trên bình diện chính trị, muốn tái đặt chân vào vùng Trung Đông để trước tiên bảo vệ các lợi ích của Nga trước những tham vọng bá quyền của Mỹ tại vùng Cápcadơ và Trung Á.
Về chủ đề này, cần nhắc lại rằng năm 2005 Iran đã khước từ đề nghị của Mátxcơva về việc làm giàu uranium tại Nga để có lợi cho chương trình hạt nhân dân sự của Iran, tước đi của Nga một chiến thắng chính trị chắc chắn. Hơn nữa, Téhéran có lập trường đối lập với lập trường của Nga về chủ đề quy chế pháp luật, theo luật quốc tế về biển Cátxpi giàu tài nguyên năng lượng. Tuy nhiên, những người Iran đã kết thúc bằng việc nhận được từ những người Nga việc nối lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr từ tháng 2 vừa qua sau 10 năm chậm trễ (so với thời hạn ký kết) mà các nhà quan sát quy trách nhiệm cho những lý do chính trị chứ không phải do lý do kỹ thuật. Hơn nữa, Mátxcơva vừa mới chính thức huỷ bỏ việc thiết lập mọi quan hệ liên quan tranh chấp đối lập với Mỹ về chủ đề lá chắn chống tên lửa tại Đông Âu mà Nga coi là mối đe doạ cho an ninh của riêng mình và góp phần vào giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran.
Để quay trở lại với kế hoạch đầu tiên về kinh tế và chính trị, dưới kỷ nguyên Putin-Medvedev và trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Mỹ, Nga dường như ưu tiên cho một Iran tương đối mạnh, thậm chí được hạt nhân hoá ngay cả khi điều này sẽ có thể đe doạ lợi ích riêng của Nga trong dài hạn.
Lối thoát nào?
Hậu quả trầm trọng của một cuộc tấn công Ixraen vào các cơ sở hạt nhân Iran và phản ứng không thể đoán trước của Iran, mà đô đốc Mullen ám chỉ, liên quan đến lợi ích riêng cuả Ixraen, sẽ có thể dẫn tới nguy cơ thất bại của chiến dịch và sự đáp trả của Iran (trực tiếp hay gián tiếp) cũng hoàn toàn không thể dự đoán trước, song cũng liên quan tới lợi ích của Mỹ, đặc biệt là nguy cơ bị phong toả cung cấp dầu từ vùng vịnh Pécxích, tình hình ở Irak và Afghanistan thêm trầm trọng và tình hình trong toàn bộ vùng Trung Đông trở nên nguy hiểm.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng rất bấp bênh tại Irak, Afghanistan và Pakistan dẫn đến giả định rằng chính quyền Obama sẽ không đưa Mỹ dấn thân vào một chiến dịch mới tại Iran, ít nhất là trong ngắn hạn. Cũng rất có khả năng là Nga sẽ không bật đèn xanh cho bất kỳ một chiến dịch nào chống lại Iran, nhưng điều chắc chắn là Nga phản đối mọi biện pháp sử dụng vũ lực và sẽ ưu tiên cho giải pháp quản lý tình hình như gây sức ép chính trị, chừng nào an ninh của riêng Nga và phạm vi ảnh hưởng tối thiểu của mình không bị đe doạ.
Trừ một sự chuyển biến bất ngờ (điều lừa bịp?), chính con đường ngoại giao lúc này sẽ có ưu thế để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Vì vậy, thời gian đang ủng hộ Iran. Liệu nước này có khôn khéo thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn mà vẫn không từ bỏ quyền, mà nước này cho rằng không thể tước bỏ được, làm giàu uranium vì mục đích dân sự không?
Về phần mình, người Ixraen và các đồng minh Mỹ và Tây Âu mong muốn quốc tế hoá hồ sơ hạt nhân Iran. Họ sẽ duy trì sức ép ngoại giao và gián tiếp dựa trên các hoạt động bí mật nhằm phá hoại ngầm các khâu con người và kỹ thuật để gây chậm trễ nhất có thể chương trình hạt nhân Iran hay khi thời cơ đến thì lật đổ chế độ Hồi giáo Téhéran.
Việc đối đầu giữa Mỹ và Ixraen với Iran biểu thị nét đặc thù liên quan đến ba nước mà giáo lý luôn rất mạnh về chính trị. Đây là một cuộc đối đầu liên quan đến những được mất về trật tự kinh tế mà hậu quả của nó sẽ có thể là thảm hại cho các dân tộc trong khu vực và cho hoà bình, thời gian đặc biệt thuộc về chính sách thực dụng.
Theo báo AGORAVOX.fr