Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 12/10/2008 16:42'(GMT+7)

Vấn đề quy mô, năng lực và mô hình của xuất bản Việt Nam hiện nay

Một cuốn sách do NXB Tư pháp ấn hành.  Ảnh minh hoạ

Một cuốn sách do NXB Tư pháp ấn hành. Ảnh minh hoạ

Mặc dù vậy, xuất bản trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong điều kiện mới của hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế quốc tế, đặc biệt là các nền xuất bản nhỏ đang chịu một lực chi phối rất mạnh từ các trung tâm xuất bản thế giới trước sự thay đổi mô hình sở hữu, biến động thị trường và ảnh hưởng do công nghệ mới tạo ra. Từ một ngành sản xuất truyền thống, xuất bản đã chuyển sang môi trường công nghệ - thương mại với sức cạnh tranh ngày càng gay gắt của thế kỷ XXI.

Ở Việt Nam, ngay từ khi chuyển đổi cơ chế kinh tế, đặc biệt từ năm 1993, sau khi Chỉ thị 08 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí - xuất bản”, Nghị quyết TW 4 (khoá VII) và Luật Xuất bản 1993 được ban hành và đi vào thực hiện, xuất bản đã có những bước chuyển mình nhanh chóng nhằm đáp ứng đòi hỏi của tiến trình đổi mới. Đánh giá về thành tựu của ngành xuất bản, Chỉ thị 42 CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đã khẳng định “Những năm gần đây, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hoá...”. Đó là những kết quả đáng mừng mà ngành xuất bản Việt Nam đã phấn đấu đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nằm trong tiến trình vận động chung của xuất bản thế giới và khu vực, đồng thời chịu những tác động riêng của quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đối với một ngành kinh tế - công nghệ đặc thù, nên bên cạnh thành tựu to lớn đã đạt được, một trong những thách thức mới và phức tạp nằm ngay trong nội dung cốt lõi của xuất bản là quy mô, năng lực và mô hình tổ chức hoạt động của xuất bản. Chỉ thị 42-CT/TW đã nhấn mạnh ngay từ đầu yếu kém, khuyết điểm của xuất bản hiện nay chính ở vấn đề cốt yếu này: “Quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế”.

Để tận dụng thời cơ, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện xuất bản phát triển nhanh, vững chắc và đúng định hướng, yêu cầu lâu dài và cấp bách là phải giải quyết cơ bản vấn đề này, trong đó giải quyết vấn đề quy mô và gắn với nó là vấn đề mô hình tổ chức các đơn vị xuất bản, mà trước hết đối với các nhà xuất bản là giải pháp đột phá, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Chỉ thị 42 đã xác định một trong 6 giải pháp cơ bản là “xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại”. Đó là một chủ trương mang tính định hướng ở tầm vĩ mô và xuyên suốt giai đoạn phát triển lâu dài cho toàn ngành xuất bản. Song, trong thực tiễn hoạt động, quá trình cụ thể hoá chủ trương này diễn ra rất chậm chạp, gặp nhiều khó khăn, làm xuất hiện những mâu thuẫn trong chỉ đạo và quản lý hoạt động xuất bản, gây cản trở cho sự phát triển của chính hoạt động xuất bản. Xét về tư duy và sự chỉ đạo chung, cho đến nay, vấn đề rất hệ trọng này chưa được quan tâm và hiểu biết đúng. Khi đánh giá quy mô của các nhà xuất bản, các tiêu chí sau đây giữ vị trí rất quan trọng: sản lượng, doanh thu, vốn, lao động... Qua khảo sát các nhà xuất bản vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, chúng ta có thể đi tới kết luận như sau: Mặc dầu có bước phát triển đáng mừng ở cả 4 tiêu chí trên, song so với yêu cầu và đứng trước những thách thức gay gắt sắp tới, các nhà xuất bản của chúng ta có quy mô rất nhỏ bé, năng lực yếu, dấu hiệu tụt hậu rõ rệt, có thể dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng nếu như có những tác động quyết liệt của quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực xuất bản, in, phát hành và của sự phát triển mạnh của công nghệ xuất bản hiện đại. Chúng ta chỉ nêu một số dẫn chứng tiêu biểu nhất. Về sản lượng, tổng số bản sách tính theo đầu người, ở nước ta, vào năm 2000 chỉ 1,8, vào năm 2007 chỉ đạt tới khoảng 3,1. Trong khi đó, ở các nước, tỉ lệ thông thường là 10 -20 bản sách/đầu người/năm.

Về doanh thu, trừ nhà xuất bản Giáo dục có ưu thế đặc biệt, ít nhiều là trường hợp ngoại lệ, phần lớn các nhà xuất bản ở Việt Nam doanh thu hàng năm chỉ từ 1 đến 5 tỷ đồng, trong đó, có một số nhà xuất bản doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm. Đó là con số thể hiện quy mô nhỏ bé, èo uộåt của các nhà xuất bản Việt Nam khi bước sang thế kỷ XXI.

Về vấn đề vốn và huy động vốn trong đơn vị làm nhiệm vụ xuất bản đang là một bài toán lớn. Nhìn chung, các nhà xuất bản của ta có quy mô sản xuất và tổ chức kinh doanh nhỏ bé, khó khăn về vốn, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp. Tổng số vốn của các nhà xuất bản năm 2006 chỉ đạt 733,886 tỷ. Tổng doanh thu toàn ngành (cả xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm) cũng mới đạt 1511,354 tỷ đồng (khoảng 0,1% GDP). Lợi nhuận sau thuế đạt 43,802 tỷ đồng. Vốn của phần lớn các nhà xuất bản rất yếu, đặc biệt là vốn lưu động. Đến những năm cuối thế kỷ XX mà có nhà xuất bản chỉ có khoảng 4 - 50 triệu đồng vốn lưu động. Với số vốn đó việc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sách là không thể thực hiện được. Tình trạng đó không được cải thiện bao nhiêu trong những năm gần đây. Không quá 10% số nhà xuất bản có tổng số vốn trên 10 tỷ đồng. Một số nhà xuất bản số vốn rất thấp, dưới 500 triệu đồng (Bưu điện, Sân khấu...). Nhà xuất bản trẻ, một nhà xuất bản năng động hoạt động ở một thị trường giàu tiềm năng như Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ có vốn kinh doanh khoảng 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc được cấp vốn hoặc bổ sung vốn lại vẫn là câu hỏi khó trong bài toán về vốn. Năm 2006, chỉ có 47/54 nhà xuất bản làm ăn có lãi, trong đó mới có 4 nhà xuất bản có lãi trên 1 tỷ đồng. Hiện trạng đó trở thành một mối đe doạ với ngành xuất bản trong điều kiện chúng ta là thành viên của WTO và phải thực hiện các cam kết của nó, cả trên phương diện luật pháp và kinh tế.

Về lực lượng lao động, trình độ học vấn chung của cán bộ ngành xuất bản được nâng cao đáng kể, song, ngược lại, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành xuất bản lại không tăng, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là biên tập viên. Đến nay, hầu hết loại cán bộ trên đều có bằng đại học, nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó có bằng đại học về chuyên ngành xuất bản.

Mô hình xuất bản hiện nay ở nước ta chứa đựng nhiều bất cập, tỏ ra lạc hậu so với yêu cầu, với đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của các tầng lớp nhân dân, khó đáp ứng được sự phát triển của kinh tế thị trường. Tất cả các nhà xuất bản gắn với các cơ quan chủ quản là cơ quan trực thuộc chính phủ, thuộc các Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các trường Đại học và thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc cơ quan của địa phương. Tôn chỉ, mục đích, chức năng của tất cả các nhà xuất bản đều phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Từ đó, về loại hình, ở nước ta nhiều năm nay, có 2 loại nhà xuất bản là tổng hợp và chuyên ngành. Ở trung ương, phần lớn là chuyên ngành, còn tổng hợp chủ yếu thuộc địa phương (vì phụ thuộc vào chức năng có tính tổng hợp của UBND hoặc tỉnh uỷ, thành uỷ địa phương).

Như vậy, nhìn vào thực trạng đó, rất dễ nhận thấy rằng, sự phân chia về mô hình, loại hình... của mạng lưới các nhà xuất bản hiện nay chính là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, có tính lịch sử, mang nhiều đặc trưng của quản lý hành chính và kinh tế thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá, tập trung bao cấp. Sang thế kỷ XX, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu văn hoá, tiến tới xây dựng một nền kinh tế tri thức, những mô hình xuất bản mang dấu ấn của giai đoạn quá độ như trên đã không còn phù hợp.

Sự phân cấp quản lý giữa trung ương với địa phương và cơ chế chủ quản đang bộc lộ những bất cập. Thực tiễn cho thấy công tác quản lý của các đơn vị chủ quản đối với các nhà xuất bản có nhiều hạn chế. Mặc dù sau Kết luận 33 “Về tăng cường công tác quản lý của cơ quan chủ quản báo chí - xuất bản”, đặc biệt sau Chỉ thị 42 “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, công tác quản lý của cơ quan chủ quản đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhiều vấn đề về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản vẫn chưa có lời giải. Luật Xuất bản 2004 quy định rất rõ nhiệm vụ của cơ quan chủ quản (Điều 31) nhưng tình trạng cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý vẫn tiếp tục diễn ra. Một số cơ quan chủ quản chưa tìm cách chỉ đạo có hiệu quả và xây dựng chính sách, giải pháp để kết hợp nhiệm vụ chính trị, tư tưởng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản dẫn tới sự buông lỏng hoặc thiếu tầm nhìn xa trong việc xây dựng nhà xuất bản do mình quản lý.

Hoạt động thẩm định, xét duyệt kế hoạch xuất bản của cơ quan chủ quản đối với các nhà xuất bản phần nhiều mang tính hình thức. Một số cơ quan chủ quản coi nhà xuất bản có nhiệm vụ phải làm kinh tế, nhà xuất bản tự xoay sở, không cấp hoặc cấp không đủ vốn hay không tạo điều kiện về trụ sở, trang thiết bị cho nhà xuất bản. Thực trạng đó dẫn đến không ít trường hợp trong quan hệ với đối tác liên kết, nhà xuất bản mất quyền tự chủ, bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung.

Một trong những vấn đề mới đặt ra cho xuất bản hiện nay là vấn đề tổ chức mô hình các nhà xuất bản. Chỉ thị 42-CT/TW đã xác định một trong những nhiệm vụ cụ thể thời gian tới cần thực hiện là: “thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản - báo chí, nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất bản”. Nhưng sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị, việc xây dựng thí điểm các mô hình mới còn chậm chạp, gặp nhiều khó khăn, ngay cả trong nhận thức.

Trước hết cần khẳng định tổ hợp xuất bản, tập đoàn xuất bản là yêu cầu và xu thế phát triển của nền xuất bản hiện đại. Ở Mỹ, hiện 15 công ty và tập đoàn truyền thông hàng đầu đang nắm giữ một nửa thị phần xuất bản. Ở Trung Quốc, sau hơn 3 năm gia nhập WTO, ngành xuất bản đã được tổ chức thành 55 tổ hợp, thành lập 4 tập đoàn xuất bản và 6 tập đoàn phát hành xuất bản phẩm với doanh thu từ 120 triệu đến 1,2 tỉ USD. Những tập đoàn này hiện giữ vai trò là “đầu tàu” của toàn ngành xuất bản Trung Quốc.

Không giới hạn trong biên giới lãnh thổ của mình, nhiều tập đoàn xuất bản phát triển trở thành những tập đoàn đa quốc gia và tiến vào các thị trường sách nhỏ hơn, mua các nhà xuất bản tại đây, thành lập các chi nhánh. Các tập đoàn này dựa vào nguồn nhân lực, khả năng tài chính và phạm vi hoạt động toàn cầu để chi phối ngành xuất bản như các tập đoàn xuất bản lớn ở Pháp đã chi phối hầu hết thị trường sách các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi.

Một xu hướng tuy không mới những đang ngày càng phổ biến, là hiện tượng các nhà xuất bản lớn mở rộng sang lĩnh vực báo chí. Shogakukan ở Nhật Bản, nhà xuất bản đã cho ra đời tập truyện tranh Đôrêmon nổi tiếng, ngoài xuất bản sách còn xuất bản đến 400 tạp chí. The News Corporation, tập đoàn truyền thông của gia đình tỷ phú R.Murdoch là tổ hợp gồm trên 200 đài truyền hình, báo, tạp chí, nhà xuất bản.

Những dẫn chứng trên cho thấy, xu hướng hình thành các tập đoàn hay tổ hợp xuất bản đang là một xu hướng chủ đạo của xuất bản ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia có nền xuất bản phát triển. Để thực hiện mục tiêu đưa xuất bản Việt Nam vươn lên thành một nền xuất bản phát triển khá ở châu Á, việc sớm quy hoạch để hình thành các tập đoàn hay tổ hợp xuất bản lớn, đủ năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra khu vực là đòi hỏi cấp bách. Song, không thể thành lập mô hình này theo phép cộng đơn giản mà phải trên cơ sở từ nội lực của các đơn vị, có sự chỉ đạo, quản lý khoa học, có sự đầu tư hợp lý và cần xây dựng thí điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn ngành. Những mô hình ra đời từ một quyết định hành chính trong thời gian qua đều gặp những khó khăn. Tổng công ty sách Việt Nam ra đời với mục tiêu hướng đến hình thành một tập đoàn xuất bản mạnh nhưng hoạt động không hiệu quả, đã giải thể. Dự kiến về một mô hình tập đoàn sách chính trị - pháp luật với trung tâm là nhà xuất bản Chính trị quốc gia gặp nhiều khó khăn, chưa thể trở thành hiện thực. Mô hình tập đoàn sách giáo dục của nhà xuất bản Giáo dục, nhờ những lợi thế trong độc quyền xuất bản sách giáo khoa, có được những tích luỹ nội lực đáng kể, đang được thí điểm và đã có thành công bước đầu, song còn gặp nhiều rất nhiều vướng mắc...

Bên cạnh các mô hình tập đoàn xuất bản, sự xuất hiện của các mô hình khép kín 3 khâu: xuất bản, in, phát hành; mô hình tổ hợp xuất bản - báo chí, xuất bản - các dịch vụ văn hoá... ngày càng nhiều, thậm chí như một trào lưu, song hiệu quả có được còn rất hạn chế. Hầu hết mô hình khép kín 3 khâu: xuất bản, in, phát hành mới chỉ thực hiện khá ở 2 khâu xuất bản và in, còn lại đại bộ phận các nhà xuất bản, phát hành sách mới chỉ dừng lại ở tiêu chí giới thiệu sản phẩm, việc phát hành vẫn dựa vào hệ thống nhà sách tư nhân. Các mô hình xuất bản với dịch vụ văn hoá mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, hầu như không có hiệu quả. Mô hình báo chí - xuất bản tuy phát triển khá hơn, song mới chỉ dừng lại ở sự kết hợp giữa xuất bản và tạp chí (do sách và tạp chí có nhiều đặc điểm tương đồng) và trong đó, cũng chỉ có một số ít nhà xuất bản có sản phẩm tạp chí tạo dựng chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường. Những tổ hợp báo chí - xuất bản thực sự vẫn chưa có.

Mô hình công ty mẹ - công ty con là mô hình được đánh giá không chỉ phù hợp trong tổ chức quản lý của các tập đoàn lớn ở nhiều nước trên thế giới do những ưu việt từ sự linh hoạt trong tổ chức của nó đem lại (điều chỉnh chủ yếu thông qua các hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị thành viên) mà còn đặc biệt thích hợp với một nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu trong giai đoạn quá độ như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những hạn chế trong nhận thức và sự rơi rớt lại của tư duy quản lý mệnh lệnh hành chính trước đây làm ảnh hưởng rất nhiều sự phát triển mô hình này trong các ngành kinh tế, gồm cả xuất bản.

Từ một số phân tích trên có thể đi tới nhận định rằng, quy mô, mô hình, loại hình xuất bản hiện nay ở nước ta là sản phẩm của giai đoạn quá độ, khi chúng ta phá bỏ cơ chế cũ và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều yếu tố của cơ chế kế hoạch hoá tập trung vẫn còn rớt lại. Sự tồn tại của các mô hình và loại hình trên là thực sự cần thiết ở giai đoạn đó và chính nó góp phần tạo sự ổn định để xuất bản có được những thành tựu như ngày hôm nay. Tuy nhiên trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn trên mọi bình diện, khi mà xuất bản có vai trò ngày càng nặng nề trong điều kiện có nhiều cạnh tranh..., để xuất bản Việt Nam thực sự lớn mạnh, đáp ứng những đòi hỏi mới vượt qua những thách thức gay gắt và hội nhập vào dòng chảy xuất bản thế giới, đã đến lúc, chúng ta cần có cách tiếp cận mới về mô hình và loại hình các nhà xuất bản hiện nay - một cách tiếp cận trên cơ sở kế thừa nhưng phát triển./.

GS,TS. Đinh Xuân Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất