Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Tư, 16/5/2018 6:1'(GMT+7)

Vận dụng bản lĩnh cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ ở Bình Định


Nguời là một tấm gương sáng ngời về bản lĩnh của một người cách mạng chân chính toả sáng đến các thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay, bản  lĩnh vượt trội đó được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, sang phương Tây tìm đường cứu nước thể hiện một bản lĩnh vượt lên chính mình.


Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước cho chúng ta một bài học lớn: sự sống còn của một sự nghiệp, một dân tộc được định ở quyết tâm vượt qua, vượt lên chính mình. Quyết tâm đó ở người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành được thể hiện ở ba điểm sau:

Một là, vượt qua phương thức chống giặc, cứu nước cổ truyền. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức nho giáo nhưng Nguyễn Tất Thành không chọn con đường cứu nước theo các tín điều nho giáo. Vượt qua tư tưởng “tôn quân” - án ngữ lớn nhất trên con đường cứu nước, phục hưng đất nước thời đại bấy giờ - Nguyễn Tất Thành phê phán tất cả các phong trào yêu nước "nặng cốt cách phong kiến" dù cốt cách đó có chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

Hai là, nhận thức, phê phán tính không triệt để và vượt qua lập trường dân chủ tư sản Việt Nam - lập trường dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Ba là, khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tụê nhân loại, muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình có, mặc dù những điều đã có là tinh hoa truyền thống dân tộc.

Từ bản lĩnh vượt lên chính mình của Nguyễn Tất Thành cho thấy, để rèn luyện được phẩm chất đó con người phải có tâm, có trí.

Tâm là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân tha thiết. Lòng yêu nước sâu sắc sẽ mách bảo người cách mạng nên hành động như thế nào. Đó là phải nhìn xa, trông rộng, thấy được xu thế toàn cục: thời đại, thế giới, trong nước; thấy được lợi ích của toàn dân tộc và lợi ích của giai cấp, một nhóm, của từng cá nhân; phải có tinh thần học hỏi, cầu tiến bộ, phải vứt bỏ các thiên kiến cũ, thấy được sự chỉ dẫn của tầm vóc nhân loại.

Trí là tri thức, trí tuệ, nghĩa là sẽ thâu tóm được và được dắt dẫn bởi tri thức của nhân dân, học hỏi được tinh hoa văn hoá nhân loại, nhờ đó nâng cao thêm vị thế dân tộc, làm giàu thêm cho nền văn hoá dân tộc.

Thứ hai, văn minh phương Tây đã đem lại những giá trị mới mang tính cách mạng và khoa học trong tư tưởng cứu nước của Hồ Chí Minh.

Văn minh phương Tây đem lại cho Nguyễn Ái Quốc những giá trị mà ở phương Đông lúc bấy giờ chưa có. Đó là những khái niệm: tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân quyền, pháp quyền, dân chủ, cách mạng xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo luận cương của V.I.Lênin…

Trong thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc học được rất nhiều về mô hình tổ chức nhà nước và đời sống xã hội theo hình thức chính thể cộng hoà dân chủ. Những giá trị tiến bộ của phương Tây đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Điều đó được thể hiện trong tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Người viết: “mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Những giá trị mà theo Hồ Chí Minh là quý nhất như "độc lập", "tự do"…là "quyền tự nhiên", không có trong các chế độ phong kiến chuyên chế phương Đông, ở các nước thuộc địa. Ngày nay, đây là những giá trị phổ biến của Văn Minh chính trị nhân loại, phản ánh những quyền cơ bản của con người, của các cộng đồng và các dân tộc. Bất kỳ một lực lượng cách mạng nào, một nhà nước nào muốn tập hợp nhân dân, muốn đoàn kết nhân dân, trước hết, phải thực hiện những quyền cơ bản đó. Đối với nuớc ta hiện nay, điều này càng có ý nghĩa to lớn khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Thứ ba, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết là động lực vượt qua mọi khó khăn thử thách và là nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo cho mọi thành công của cách mạng.

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, từ khi là người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước rồi đến lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc và trở thành chủ tịch hồ Chí Minh, Người luôn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Từ việc ra đi tìm đường cứu nước, học hỏi kinh nghiệm Pháp, Mỹ, Trung Hoa…đến việc tin theo V.I.Lênin, tin theo Quốc tế III, đều xuất phát từ lòng yêu nước. Chính chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa quốc tế đã giúp Nguyễn Ái Quốc đến với Quốc tế III, ủng hộ nước Nga Xô-viết. Sau này, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là những năm ở Mátxcơva, trong Quốc tế III, chủ nghĩa yêu nước, lợi ích dân tộc vẫn luôn chi phối, xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.

Thứ tư, áp dụng những tư tưởng tiến bộ và cách mạng của thế giới vào quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chính quyền mới ở Việt Nam.

 Nhờ tổng kết kinh nghiệm của nhiều cuộc cách mạng, Hồ Chí Minh đã xác định chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam mộc cách đúng đắn, đồng thời rất sáng tạo trong xác định lực lượng của cách mạng: toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giai cấp, dòng giống, giàu nghèo…chỉ trừ bọn đã ra mặt phản động, bọn Việt gian, bán nước. Khi đã giành được độc lập thì:

          “Nước ta là nước dân chủ
          Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
          Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
          Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
          Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra.
          Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
          Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”

Trong chế độ dân chủ của chúng ta bộ máy nhà nước, công chức nhà nước chỉ là cộng bộc, là đầy tớ của dân.

Thứ năm, xác định đúng động lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Động lực của đại đoàn kết bao giờ cũng dựa trên lợi ích vật chất và tinh thần, là lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi một người dân của các giai cấp, các nhóm xã hội. Nếu trước đây, khi chưa có độc lập, lợi ích chung và lợi ích riêng gắn với nhau trong mệnh đề “nước mất nhà tan” muốn yên nhà thì trước hết phải cứu nước, giữ lấy nước. Khi có độc lập rồi, thì động lực của đại đoàn kết toàn dân tộc là “dân giàu, nước mạnh”. Muốn nước mạnh thì trước hết dân phải giàu. Lợi ích chung và riêng phải gắn kết với nhau, nhưng vị trí, vai trò, tính chất ưu tiên giữa chung và riêng ở mỗi giai đoạn mỗi khác.

Ngày nay, lợi ích chung là sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, là ổn định chính trị -xã hội để phát triển, để sớm đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhắc lại bản lĩnh cứư nước của chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy, sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, bao gồm nhiều nhiệm vụ, nhiều giai đoạn khác nhau và do vậy, đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến quên mình của nhiều thế hệ cách mạng. Thực vậy, trong tiến trình ấy, những lớp người hiện tại đã trực tiếp giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ, nhưng cũng có không ít công việc còn dang dở; hơn nữa, thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết. Theo đó, nếu thiếu lực lượng kế cận xứng đáng thì chẳng những sự nghiệp cách mạng sẽ gặp khó khăn, mà ngay cả những gì đã có cũng khó được gìn giữ, bảo tồn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên sớm nhận thức đúng vị trí vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Trong "Di chúc" người căn dặn toàn Đảng, toàn dân và thế hệ trẻ những điều hệ trọng, những việc cần phải làm vì sự nghiệp cách mạng. Những lời dặn của Người trong đó có tư tưởng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn giữ nguyên giá trị to lớn, có ý nghĩa sâu sắc.

 Tư tưởng về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền. đây, quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển mà Người tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo: tương lai đang ở ngay trong hiện tại.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, kết hợp với lý luận cách mạng, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ rằng, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Do vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập chính quyền cách mạng, Người đã coi việc xóa mù chữ, tiêu diệt giặc dốt và nâng cao dân trí là nhiệm vụ thứ hai trong số sáu nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Đặc biệt, Người đã đưa ra một quan điểm vừa mang tính chiến lược, vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc mà đến nay, đã trở thành phương châm hành động của toàn xã hội nói chung, của ngành giáo dục Việt Nam nói riêng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bởi vậy, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn thường xuyên quan tâm và chăm lo sự nghiệp giáo dục của nước nhà, coi giáo dục xã hội chủ nghĩa là phương thức quan trọng nhất trong sự nghiệp trồng người, là một mắt xích không thể thiếu trong chiến lược bồi dưỡng thế hệ trẻ. Nói cách khác, trọng trách to lớn của ngành giáo dục là đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, theo Người, dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt; các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, nhằm đẩy sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới. Có thể nói, trồng người là một tư tưởng có ý nghĩa to lớn, bởi đó là kế lâu bền để phát triển đất nước. Ngày nay, khi con người được coi là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chúng ta càng cảm nhận thấy chiều sâu trong tư tưởng đó của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn trọng trách người chủ tương lai của đất nước, thế hệ trẻ phải được giáo dục, bồi dưỡng một cách thường xuyên và toàn diện. Có như vậy, họ mới hội đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết, cả về trí tuệ lẫn bản lĩnh chính trị, cả về nhân cách, đạo đức lẫn sức khỏe, để đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trường Chính trị tỉnh Bình Định là trung tâm có chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức trên các lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chính trị hiện nay tập thể Nhà trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ gọi chung là thế hệ trẻ của Nhà trường cần được tiếp tục  bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng để thực sự xứng đáng với khẩu hiệu của Nhà trường “ Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo”.  Việc bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách
mạng cho
thế hệ trẻ của Nhà trường cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:


Thứ nhất, bồi dưỡng đạo đức cách mạng: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Người đặt tư cách đạo đức của người cách mạng là nội dung đầu tiên của cuốn sách “Đường kách mệnh”. Tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng chứa đựng nhân sinh quan và giá trị hết sức sâu sắc đối với việc xác lập nhân cách, lý tưởng cũng như chuẩn mực lối sống cho thế hệ trẻ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Những phẩm chất này giống như bốn mùa của trời đất; nếu thiếu một trong bốn phẩm chất đó thì con người không thể trở thành người theo đúng nghĩa. Nhưng, đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người.

Thứ  hai, bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế hệ trẻ phải vừa có đức, vừa có tài. Bởi vì, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; người có tài mà không có đức sẽ trở nên vô dụng. Hơn nữa, chính sự dốt nát là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển. Vì vậy, để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, tức là có tài, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng,thế hệ trẻ còn phải hăng hái học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó có học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng - ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, bồi dưỡng thể chất: Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, tương lai của loài người hoàn toàn tùy thuộc vào việc giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó có sự phát triển về mặt thể chất. Theo Người, việc giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới... tất thảy đều phải có sức khỏe thì mới thành công.

Thiết nghĩ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Nhà trường hiện nay, bởi nó liên quan trực tiếp đến tương lai của đất nước, của tỉnh nhà để  phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị:  “Xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay”.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T5, tr 698.
 

ThS. Trần Thị Thu Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất