Hồ Chí Minh - Nơi xuất phát cuộc hành trình tìm đường cứu nước
Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mất nước, nhà tan. Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ thủa nhỏ. Hồ Chí Minh đã hấp thụ truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nền văn hiến của nước nhà và những tinh hoa văn hóa phương Đông. Người lại được hưởng nền giáo huấn “yêu nước, thương nòi” của gia đình, truyền thống đấu tranh bất khuất của đất Lam Hồng.
Đây cũng là thời kỳ thực dân Pháp khai thác mạnh mẽ thuộc địa Đông Dương, và ra sức đàn áp phong trào yêu nước để củng cố địa vị thống trị của chúng. Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã cho Nguyễn Tất Thành thấy muốn cứu nước phải tìm một con đường mới.
Đất nước, quê hương và gia đình đã hình thành nên người thanh niên Nguyễn Tất Thành một nhân cách giàu lòng yêu nước, nhân ái, thương người, có hoài bão cứu nước và thấu hiểu được sức mạnh của ý chí độc lập, tự cường dân tộc.
Từ năm 1910, khi Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh (nơi có bãi biển Thương Chánh) đã giúp Người có nhiều cảm xúc sâu xa: Biển của ta giàu đẹp nhưng tại sao dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực.
Vốn có tư chất thông minh, linh khiếu chính trị sắc sảo với chí lớn tìm đường cứu nước, cứu dân. Người không đi theo "đường mòn" của các bậc tiền bối. Người nói: “Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe những tiếng Pháp “tự do, bình đẳng, bắc ái”. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ “mĩ miều” ấy. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “Mẫu quốc” ra sao và tôi tới Pari để học hỏi”.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên con tàu Đô đốc Latútsơ Trêvin (La Touche-treville) tại bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Có ý kiến cho rằng, “Có lẽ với Bác, đường biển lúc bấy giờ là con đường ngắn nhất để đến với thế giới văn minh. Qua 30 năm rời xa Tổ quốc, trên nhiều con tàu đến với nhiều đại dương, nhiều châu lục khác nhau trên thế giới, đã giúp Người khẳng định biển và đại dương luôn gắn liền với sự phát triển của nền văn minh nhân loại”[1].
Và trên chuyến hành trình đó, đã đưa Người đến đất Pháp. Tiếp đó Người đến nhiều nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và các nước đế quốc như Anh, Mỹ để nghiên cứu và tìm lời giải đáp cho mục tiêu đã đặt ra lúc ra đi. Cuộc hành trình vạn rặm ấy, đã giúp Người tìm ra cội nguồn những khổ đau của nhân loại là ở các nước đế quốc (chính quốc).
Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh đã tìm được con đường cứu nước từ chủ nghĩa Mác-Lênin; khi trở về Người xây dựng được Đảng của giai cấp công nhân; xây dựng được lực lượng vũ trang và các lực lượng cách mạng; Người tiến hành chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển ngành Vận tải biển Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Giao thông vận tải (GTVT), trong đó Người chỉ ra rằng: Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ” hoặc “Giao thông là một mặt trận”; “GTVT là phải thông suốt, an toàn, liên tục” và “GTVT nhân dân”, “Muốn làm cho tốt thì phải dựa vào nhân dân” mới giành được thắng lợi…
Đó là tinh thần chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về GTVT, là những lời giáo huấn, những quan điểm chỉ đạo và bài học quý báu cho các thế hệ làm GTVT nước nhà, là yếu tố quan trọng và quyết định dẫn đến những thắng lợi to lớn và vĩ đại của sự nghiệp GTVT Việt Nam, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó có sự hình thành và phát triển của ngành Vận tải biển Việt Nam.
Ngày 3/9/1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 41 thành lập Bô Giao thông công chính trên cơ sở bộ máy của thực dân Pháp để lại. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, ngày 13/11/1946, Bộ Giao thông công chính quyết định thành lập Ủy ban Thương thuyền có trách nhiệm quản lý ngành vận tải thủy trong cả nước. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Vận tải biển trong giai đoạn này là tập trung lực lượng cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1945, Phòng Vận tải thuộc Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ được thành lập để quản lý vận tải đường sông, đường biển. Vận tải biển lúc này đảm nhận vận chuyển theo hai chiều: Từ Nam Bộ vận chuyển gạo ra khu IV, khu V cứu dân, phục vụ kháng chiến và chở vũ khí vào Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ, do thấy được địa thế quan trọng của sông, biển, Người chỉ đạo thành lập cơ quan Hải quân trong Quân đội nhân dân Việt Nam với tên gọi lúc bấy giờ là Quân đội quốc gia Việt Nam. Xây dựng các lực lượng tác chiến để chủ động tiến công địch trên các chiến trường sông, biển từ Hòn Gai đến Hà Tiên. Người giao nhiệm vụ cho một bộ phận dùng tàu gỗ chở vũ khí đến tận Bến Tre để phục vụ đoàn quân Nam tiến.
Ngày 11/4/1956, Bộ Giao thông công chính ra quyết định thành lập Quốc doanh vận tải sông biển. Ngày 11/8/1956, được phép của Chính phủ, Bộ Giao thông công chính lại ra Quyết định số 70/QĐ thành lập Cục Vận tải thuỷ, với chức năng tổng quát là "quản lý các luồng lạch sông - biển".
Từ năm 1957, Bộ Giao thông và Bưu điện tiếp tục đầu tư vật chất, kỹ thuật và tăng cường lực lượng cho vận tải đường thuỷ. Từ đây, một số cơ sở ban đầu của ngành Vận tải biển được hình thành.
Ngày 02/6/1955, trong bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng, Người dạy: “… biển bạc của ta, do dân ta làm chủ”[2]. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân. Để tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là động lực thúc đẩy, là ý chí và hành động trong quá trình khai thác các nguồn lợi từ biển, ngày 04/01 hàng năm trở thành ngày truyền thống nghề cá của ngành Thủy sản Việt Nam.
Ngày 30-5-1957, đến thăm cảng Hải Phòng, Bác nhắc nhở: Cảng ta là cảng cửa ngõ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Toàn dân ta ở miền Bắc đang làm một cuộc cách mạng để không còn nghèo nàn và lạc hậu. Ta có thể gặp khó khăn về kinh tế và kỹ thuật, đó là lẽ tất nhiên. Bởi vì, muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa phải có công nghiệp hiện đại, GTVT hiện đại, cảng hiện đại….
Với quyết tâm cao của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngành, được sự quan tâm của Bác, Đảng và Nhà nước ta, tuyến đường nói trên đã được hoàn thành. Sự giao lưu giữa nước ta với bên ngoài bằng đường sắt và đường biển đã thông suốt. Nhờ đó, ta có thể tiếp nhận hàng viện trợ phục vụ công cuộc khôi phục đất nước. Nhờ những kết quả trong lao động sản xuất, mà các phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ phát động đã có ảnh hưởng lớn trong cả nước nói chung và ngành GTVT nói riêng, như phong trào tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu trong xây dựng cơ sở, cơ khí sửa chữa, vận hàng các phương tiện vận tải, phong trào kéo vận tải và bốc xếp nhanh trong ngành đường song, đường sắt đã diễn ra sôi nổi… Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II, ngày 7-7-1958, tổ chức tại Hà Nội, ngành GTVT đã có 5 người được tuyên dương anh hùng.
Như vậy, sau 5 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn lại vết thương chiến tranh (1954-1959), về cơ bản các trục đường bộ chủ yếu từ Hà Nội về các tỉnh đã được khôi phục. Tàu biển lớn đã ra/vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cửa Ông thuận lợi. Tàu thuyền trong nước đã vào đến cảng Bến Thủy (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình).
Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, khi ra vịnh Hạ Long, lúc thuyền đưa Bác ra thăm hang Đầu Gỗ, Người căn dặn: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”[3]
Lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người, là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống của dân tộc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển, biến nguồn tài nguyên đó trở thành một nguồn lợi phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 20/9/1962, Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định thành lập Công ty Vận tải đường biển Việt Nam. Cùng với sự giúp đỡ của các nước XHCN, chúng ta đã có một số tàu kép và sà lan đi biển, các tàu chở hàng, tàu công trình, cứu hộ. Chú ý nhất là Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) đã đóng được tàu đi biển có trọng tải 1.000 tấn (Tàu “20-7”).
Do yêu cầu tập trung chỉ đạo toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động, ngày 5/5/1965, Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định số 1046/QĐ giải thể Cục Vận tải thuỷ để thành lập Cục Vận tải Đường biển và Cục Vận tải Đường sông. Từ đó, ngày 5/5 trở thành ngày truyền thống của Ngành.
Ngày 10/7/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 136/CP chính thức thành lập Cục Đường biển Việt Nam với trách nhiệm quản lý, chỉ huy các cơ sở, bộ phận trong ngành: hệ thống cảng biển, đội tàu biển, đại lý tàu biển, bảo đảm hàng hải, công nghiệp sửa chữa cơ khí, xây dựng công trình thuỷ và trường đào tạo công nhân kỹ thuật đường biển…
Trên chiến trường miền Nam, năm 1961 thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, được anh em gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961-1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Với sứ mệnh lịch sử và hiệu quả to lớn như thế, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông trở thành huyền thoại, là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường sông, biển, làm sáng ngời chân lý nhận thức về biển, đảo về vài trò của vận tải biển trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Như vậy, quán triệt tư tưởng của Người, ngành Vận tải biển Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, thông qua những chuyến hàng chở lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí cho chiến trường miền Bắc và chiến trường miền Nam, trong đó có Đường Hồ Chí Minh trên biển. Với phương châm: “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển ngành Vận tải biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước hiện nay
Thời gian đã chứng tỏ, nền kinh tế càng phát triển cao thì ý nghĩa sâu sắc từ những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được chứng minh. Giao thông vận tải với chức năng là bộ phận chủ yếu của hệ thống hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đã thể hiện vai trò then chốt, quyết định của nó trong mọi hoạt động. Để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, giao thông vận tải phải “đi trước một bước”. Giao thông vận tải phải là “đòn xoa” đối với toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, là “cửa mở” cho quá trình giao lưu bên trong và bên ngoài; đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế, quá trình hợp tác hóa, quốc tế hóa ngày càng đến gần và là nhu cầu không thể thiếu của nền kinh tế thế giới, vì giao thông vận tải là “cầu nối” hết sức quan trọng giữa các quốc gia. Đặc biệt đối với ngành vận tải biển, thì điều đó càng có tính chất quốc tế hóa cao.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về GTVT, bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo đối với phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ngay từ năm 1993, Bộ Chính trị đã đưa ra Nghị quyết 03/NQ-TW ngày 6/5/1993 bàn về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt. Nghị quyết trên cơ sở nêu bật: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta, cùng với bối cảnh phức tạp trong vùng vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển”, việc nhấn mạnh “trở thành một nước mạnh về kinh tế biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ IX (4/2001) của Đảng, chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống cảng biển quốc gia và mạng lưới các cảng địa phương theo quy hoạch. Phát triển vận tải thuỷ, tăng năng lực vận tải biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu”[4], “Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách ngày càng hiện đại, an toàn, có sức cạnh tranh, vươn nhanh ra thị trường khu vực và thế giới. Giành thị phần lớn cho doanh nghiệp trong nước trong vận chuyển hàng hoá Việt Nam theo đường biển và đường hàng không quốc tế”[5].
Theo tinh thần của Đại hội IX, hệ thống cảng biển, vận tải biển và ngành đóng tàu sẽ được quy hoạch lại cho phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước.
Đứng trước những đòi hỏi trên, tháng 2/2007, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, khoá X ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”.
Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong phát triển ngành Vận tải biển là:
Hiện đại hoá ngành Vận tải biển, tiến tới đảm bảo phần lớn nhu cầu vận tải đường biển về hàng hoá, hành khách trong nước trên cơ sở hợp tác với nhiều nước để hình thành đội tàu vận tải mạnh và phát triển đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó chú trọng đội tàu container, tàu dầu, tàu bách hoá có trọng tải lớn nhằm tham gia có hiệu quả vào thị trường vận tải biển quốc tế, chính vì vậy vốn đầu tư cho những đội tàu này là rất lớn.
Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, trong đó vận tải đường biển chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc – Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu. Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất/nhập khẩu lên 25 – 35%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo.
Để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 15/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1601/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch nêu rõ: Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất/nhập khẩu đạt 27 - 30%. Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng và tàu có trọng tải lớn. Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu đạt 11,5 – 13,5 triệu DWT. Từng bước trẻ hóa đội tàu biển Việt Nam, đến năm 2020 đạt độ tuổi bình quân 12 năm.
Hiện nay, ngành Vận tải biển đảm nhiệm vận chuyển một khối lượng hàng hóa rất lớn, chiếm tới 80% tổng khối lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu của thế giới, do chi phí rẻ, chở được khối lượng nhiều và vận chuyển trên những cung đường ngắn nối liền từ Châu Á sang Châu Âu, Châu Phi và Mỹ Latinh, nên đã là sự lựa chọn của các chủ hàng lớn. Trong khi đó tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải biển chỉ đảm nhiệm được khoảng trên 20% tổng khối lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu, còn lại chủ yếu do các hãng tàu nước nước đảm nhiệm. Đó là một tỷ lệ rất thấp trong thương mại xuất/nhập khẩu và làm thất thu nguồn ngoại tệ của đất nước.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương tư khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, mỗi chúng ta cần quán triệt và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về GTVT nói chung và ngành Vận tải biển nói riêng không chỉ có ý nghĩa lý luận và giá trị lịch sử, mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển GTVT Việt Nam hiện nay.
*
* *
Ngày nay, trải qua gần 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (1986-2014), ghi nhớ và không ngừng học tập, sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngành GTVT tiếp bước và phát huy sự nghiệp GTVT vẻ vang của các thế hệ đi trước bằng những thành quả to lớn với biết bao công trình GTVT đã được xây dựng trên khắp đất nước; cùng với hàng chục ngàn km đường giao thông nông thôn đang được khai thông và nâng cấp; những con tàu biển hàng vạn tấn, các loại toa xe, tàu máy hiện đại lần đầu tiên được chế tạo, những “cầu” hàng không xuyên lục địa mới được thiết lập… Đó thực sự là những thành tựu hết sức quan trọng, trong thời gian ngắn đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo và tầm vóc hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT của đất nước. Đây cũng là sự thể hiện trung thành những ý tưởng tốt đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh về GTVT, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, tư tưởng “GTVT phải đi trước một bước”.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng do Người chọn vẫn tiếp tục dẫn dắt và tiếp thêm lòng tin, sức sống cho sự nghiệp GTVT nước nhà nói chung và ngành Vận tải biển nói riêng tiến bước không ngừng trong cuông cuộc đổi mới như Nistơ, nhà triết học cổ điển Đức đã nói: Tư tưởng đi trên cặp chân nhẹ như bồ câu, nhưng có sức mạnh làm rung chuyển cả thế giới. Dân tộc ta trong đó có Ngành Vận tải biển nhờ có sức mạnh, sức thuyết phục to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh mới có được những thành tựu to lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay. Và tư tưởng của Người, luôn là kim chỉ nam, là đường hướng gợi mở để chúng ta vận dụng và thực hiện nhiệm vụ làm cho ngành GTVT thực sự trở thành “huyết mạch của nền kinh tế”, là “mạch máu của mọi công việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định./.
NCS. ThS. Nguyễn Thị Thơm
Giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Công nghệ GTVT
[1]. Thượng tá Nguyễn Văn Dụ: Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về biển, đảo nước ta, kỷ niệm 56 năm ngày thành lập HQNDVN, trang thôg tin Q. Bình Thạnh, TP. Hố Chí Minh, ngày 07-5-2011.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.9 (1954-1955), tr.504.
[3]. Bùi Đình Nguyên: Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển.. (ghi theo lời kể của Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân Chủng Hải Quân), Quân đội nhân dân điện tử, ngày 04-8-2009.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.177.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.178.