Không cùng tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết, những tất cả cổ động viên ở các dân tộc, quốc gia khác nhau đều chung một niềm đam mê, cùng chung nhịp đập dõi theo trái bóng lăn, cùng hưởng niềm vui và thấm đẫm cả nỗi buồn khi các đội bóng mình yêu thích chiến thắng hay thất bại. Tất cả những biểu hiện đó tạo nên thứ ngôn ngữ chung, đó là văn hoá bóng đá.
Bóng đá luôn đồng hành với cổ động viên. Và nói theo cách mà không ít người hâm mộ môn thể thao “vua” thường nói, không có cổ động viên thì không có bóng đá. Không có cổ động viên bóng đá sẽ chết. Chính sự cổ vũ cuồng nhiệt của cổ động viên là nguồn lực tinh thần góp phần quyết định thắng hay thua của đội bóng, dù đó là đội bóng lớn “chiếu trên” hay đội bóng nhỏ “chiếu dưới”. Ngay từ khi ra đời , với sự tự thân và cách đá bóng, sự trong sáng sơ khai- fair-play của cổ động viên các đội bóng đã làm cho bóng đá trở thành môn thể thao “vua” được loài người yêu thích nhất.
Hãy nhìn lại 31 trận đấu của Euro-2008 mùa hè này mới thấy hết nét văn hoá đẹp trong bóng đá hiện đại. Tất cả đến lễ hội bóng đá tại giải đấu lớn nhất nhì hành tinh này đều tự giác thực hiện một thông điệp chung trên sân, đó là nói không với phân biệt chủng tộc, nói không với bạo lực.
Chứng kiến những cổ động viên của các đội đội chủ nhà áo, Thuỵ Sỹ, các đội bóng lớn Hà Lan, ý, Pháp, Bồ Đào Nha… bị thất trận trong vòng chung kết Euro-2008 vừa rồi chúng ta có thể thấy nhiều điều rất đáng suy ngẫm. Cách ứng xử văn hoá của các cổ động viên áo, Thuỵ Sỹ, Hà Lan là những sắc màu đẹp của Euro-2008. Thấm đượm nỗi buồn rồi ngậm ngùi chia tay đứa con tinh thần của mình ngay trên sân nhà, nhưng các cổ động viên áo, Thuỵ Sỹ sẵn sàng chấp nhận luật chơi, chấp nhận điều lý thú thắng-thua bất ngờ vốn có của bóng đá. Và họ lại vui vẻ hoá trang cờ, lô gô, hò reo, cổ động cuồng nhiệt cho các đội bóng Hà Lan hay Đức mà họ yêu thích.
Hàng vạn cổ động viên của đội bóng màu da cam Hà Lan trực tiếp theo dõi trận đấu giữa đội nhà với đội tuyển Nga chết lặng, thẫn thờ, không thể tin nổi là đội tuyển-con cưng của họ, đứng “chiếu trên”, ứng cử viên chức vô địch số 1 của Euro-2008 lại thất trận thảm hại như vậy trước đội tuyển Nga. Mặc dù vậy, cũng chẳng thấy họ hành xử kiểu gào thét chửi bới trọng tài hay thâm thù ném chai lọ các vận động viên Nga trên sân. Một số người hâm mộ Việt Nam cứ băn khoăn rồi đây ông Guus Hiddink, công dân Hà Lan, huấn luyện viên đội tuyển Nga sẽ bị cổ động viên và báo chí Hà Lan hành xử, coi là “kẻ tội đồ dân tộc”! Nhưng không, ứng xử văn hoá đầy chất da cam của họ đối với ông huấn luyện viên tài năng này lại không như ai đó tưởng. Báo chí Hà Lan không những không coi ông là “kẻ tội đồ” mà còn ca ngợi ông là kiến trúc sư bóng đá giỏi nhất hành tinh. Và báo chí Hà Lan còn không tiếc giấy mực ca ngợi cổ động viên Hà Lan đã biết nén nỗi buồn, chấp nhận sự nghiệt ngã của bóng đá, thậm chí còn tâm phục khẩu phục đội tuyển Nga và công dân Hà Lan Hiddink.
Trông người lại nghĩ đến ta. Phải khẳng định rằng, vài năm gần đây, bóng đá nước ta đã thực sự “lột xác”. Thứ bóng đá và cách đá bóng đã hiện đại, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Có nhiều lý do để nói như vậy. Và lý do mà ai cũng nhìn thấy là chúng ta đã đổi mới hơn từ tư duy tổ chức các giải đấu, đến cho phép chuyển nhượng cầu thủ, thuê các huấn luyện viên và cầu thủ ngoại…
Nếu chỉ nói ra những điều mới ấy thì chẳng có điều gì cần luận bàn. Vì phát triển bóng đá hiện đại là đương nhiên, là phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Nhưng điều đáng bàn và suy ngẫm là cùng với sự phát triển, nền bóng đá nước ta đã chịu tác động rất lớn từ xu hướng thương mại hóa bóng đá và nạn cá độ, nạn hooligan từ bên ngoài.
Tình trạng cổ vận động viên quá khích mang dáng dấp kiểu hooligan xuất hiện ở nước ta vài năm gần đây. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2008 đến nay, đã có 4 vụ ẩu đả xảy ra trên sân cỏ. Ngay trước thềm Euro-2008, chúng ta phải chứng kiến hậu quả nặng nề của nạn bạo lực ngay trên sân Vinh- Nghệ An. Cách hành xử thiếu văn hoá đầy chất côn đồ, hung hãn giữa hai nhóm cổ động viên quá khích thuộc hai CLB bóng đá Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An và Xi Măng Hải Phòng chiều 25-5-2008 là một minh chứng rất đáng lo ngại. Xô xát, đánh nhau giáp lá cà trên sân Vinh chưa đủ, một số cổ động viên Nghệ An quá khích còn chặn đánh, ném gạch, đá vào đoàn xe chở cổ động viên Hải Phòng ra về. Và điều đau lòng đã xảy ra, một xe chở cổ động viên Hải Phòng đã gây ra tai nạn, làm một cổ động viên Nghệ An bị thiệt mạng.
Vụ việc trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nạn bạo lực trên sân cỏ ở nước ta, làm dư luận hết sức bất bình và khiến giới hâm mộ bóng đá vẫn còn kinh hoàng, đau đáu nỗi buồn. Rồi đây vụ việc trên sẽ được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ trắng đen, nhưng phải thấy rằng để xảy ra vấn nạn bạo lực như vụ việc trên có nguyên nhân từ cả chủ quan và khách quan. Chắc chắn rằng các cơ quan hữu quan đang đau đầu và trăn trở phải làm gì để ngăn chặn những cái chết thương tâm bắt nguồn từ sân bóng.
Mổ sẻ, tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ việc trên là điều rất cần được làm rõ. Làm được điều đó, chúng ta sẽ có bài học, dù bài học đó là không muốn, nhưng từ đó sẽ có kinh nghiệm để lập lại trật tự kỷ cương trong thi đấu bóng đá.
Điều dễ nhận thấy là chúng ta phát triển nền bóng đá chuyên nghiệp, nhưng lại đang thiếu nhiều thứ vận hành nó. Thiếu từ kinh nghiệm tổ chức các giải đấu lớn, yếu cả khâu quản lý, bảo vệ các trấn đấu. Và điều đáng nói nhất là chúng ta đang để phong trào cổ động viên các câu lạc bộ phát triển tự phát, chẳng tổ chức nào quản lý. Cổ động viên bóng đá ở nước ta phần lớn lại ít am hiểu về các quyền và khuôn khổ trong cổ động bóng đá, trong khi ta lại chưa có quy định cụ thể nào, chưa chú trọng tuyên truyền, giáo dục cách ứng xử văn hoá khi tham gia cổ động bóng đá. Chính các kẽ hở đó là mảnh đất để các phần tử quá khích hooligan kích động, lôi kéo các cổ động viên chân chính a dua gây hỗn loạn trên một số sân cỏ thời gian qua.
Bóng đá luôn luôn là môn thể thao yêu thích, nguồn động lực tinh thần cho hàng triệu người Việt Nam. Để nền bóng đá nước nhà tiếp tục phát triển, rất cần nuôi dưỡng và phát triển văn hoá hoá bóng đá lành mạnh, nhằm đáp ứng sự mong đợi của giới hâm mộ. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải đổi mới thật sự nền bóng đá nước nhà. Mà sự mong đợi lớn nhất là các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ công tác tổ chức, quản lý, bảo vệ các trận đấu bóng đá, thành lập hiệp hội cổ động viên bóng đá, cũng như hội cổ động viên các câu lạc bộ bóng đá, cơ chế phạt, kỷ luật các câu lạc bộ, các cổ động viên vi phạm trong các trận đấu. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về cách ứng xử văn hoá trong bóng đá./.