Trong những năm qua, Đảng ta có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22-9-2014, của Bộ Chính trị khóa, “Về hội quần chúng”; Quyết định số 253-QĐ/TW, ngày 21-7-2014, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị”; Thông báo kết luận số 37-TB/TW, ngày 26-5-2011, của Bộ Chính trị, “Về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công””...
Kết quả đạt được qua triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận nói trên của Đảng cho thấy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cụ thể là các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức đó được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu bên trong của đơn vị; ký hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, như: Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, ngành, cơ quan trung ương vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước tuy cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, rườm rà, chậm được khắc phục; việc chuyển giao một số nhiệm vụ từ cơ quan hành chính nhà nước cho các tổ chức xã hội thực hiện còn hạn chế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp; chi tiêu ngân sách nhà nước còn quá lớn. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Trong khi đó, việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng thời gian qua kết quả còn thấp; việc quy định cũng như đề bạt số lượng lãnh đạo cấp phó còn nhiều; cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp; tỷ lệ người phục vụ ở khối văn phòng lớn...
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tại Đại hội XII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”(1); “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”(2). Theo chương trình làm việc toàn khóa, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”. Sau đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24/11/2017, “Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong các nghị quyết nêu trên, toát lên vấn đề rất quan trọng là: Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đưa ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Mục tiêu cụ thể về tinh giản biên chế đến năm 2021 là phải giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015; từ năm 2021 đến năm 2030 phải hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới và giảm biên chế.
Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: 1- Đến năm 2021 phải giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015, cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính); 2- Đến năm 2025 phải tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số đơn vị sự nghiệp công lập và 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính); 3- Đến năm 2030 phải giảm 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
Như vậy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là mục tiêu xuyên suốt trong các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, và để đạt được mục tiêu này, các nghị quyết đó cũng chỉ rõ trong thời gian tới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, thống nhất quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị.
Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương là Bộ Chính trị, ở địa phương là ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh. Theo đó: Đảng đoàn Quốc hội phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành quy định về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ thống tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban Cán sự Đảng Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương, khung số lượng cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương chủ động quyết định phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể, trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành,…
Thứ hai, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Để giải quyết được vấn đề biên chế phải dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: giảm đầu mối, sắp xếp lại cơ cấu bên trong của đầu mối và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, không giao thoa, không trùng lặp. Do vậy, cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, cụ thể là:
1- Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
2- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, các địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.
3- Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
4- Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: 1- Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; 2- Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); 3- Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; 4- Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; 5- Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
Thứ ba, về quản lý biên chế; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
1- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đề ra. Quy định và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.
2- Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương. Thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời, không chờ hết thời gian bổ nhiệm hoặc kết thúc nhiệm kỳ đối với những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức.
3- Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành, đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
4- Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính). Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp.
5- Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ này. Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
6- Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó. Trong thời gian thực hiện sắp xếp lại, số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung; đồng thời phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.
7- Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý). Có chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, phải tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh; tổng kết, đánh giá để có giải pháp sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, chống lãng phí, góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Đầu tư thỏa đáng các nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Nghiên cứu sửa đổi quy định và thực hiện việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Đồng thời, định kỳ, thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng và Quốc hội khóa XIV ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là sự khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thích ứng với điều kiện nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong bối cảnh các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là công nghệ thông tin. Theo đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV để tổ chức triển khai thực hiện, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp, các ngành và sự đồng thuận của xã hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Lê Vĩnh Tân
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
----------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 203, 204
|